Phụ Lục
Thiền phái Trúc-Lâm có nhiều phương pháp tu tập, đó là sám hối, niệm Phật, tuân giữ các giới điều, ngồi thiền, nghiên cứu kinh điển.
Về giới học, ngoài những điều luật trong Dharmagupta được hầu hết các chùa Đại thừa ở Việt Nam hiện nay áp dụng, thiền phái Trúc-Lâm nhấn mạnh đến sự sám hối và tuân giữ các giới điều.
– Về sám hối, Trần-Thái-Tông[1] nói:
“… Nên mọi nghiệp bất thiện chứa góp trong trăm ngàn kiếp, nhờ sức thần của Phật, thuận theo duyên lành, có thể tiêu trừ hết chỉ trong một ngày, một khắc.”[2]
Trần-Thái-Tông đã soạn quyển Lục thời Sám hối khoa nghi[3].
– Về giữ giới, Trần-Thái-Tông nói:
“Tam thế chư Phật sở dĩ thành đạo đều không thể qua thụ giới… Thờ Phật làm thầy, trước hết tuân theo giới luật.”[4]
Trần-Thái-Tông cũng sử dụng những điều răn đe những người làm những việc sai trái liên quan đến các lĩnh vực tôn giáo và chính trị; ví dụ:
“Kẻ chuyên trộm cướp ấy tiểu nhân… ngược trời trái đất, dối pháp khinh hình.”[5]
“Người ham rượu đức hạnh chẳng còn, kẻ uống rượu nói năng lầm lẫn… Bỏ thân mạng từ đó mà sinh, mất nước, nhà do đây mà có.”[6]
Tuy nhiên, những ai có trí tuệ thì có thể uyển chuyển đối với việc giữ giới:
“Ngày kia, Thái hậu làm tiệc lớn đãi người. Người dự tiệc, gặp thịt cứ ăn. Thái hậu lấy làm lạ, hỏi rằng: ‘Anh tu Thiền mà ăn thịt thì thành Phật sao được?’ Thượng sĩ cười đáp: ‘Phật là Phật, anh là anh. Anh chẳng cần làm Phật, Phật cũng chẳng cần làm anh. Cô chẳng nghe các bậc cổ đức nói ‘Văn thù là Văn thù, giải thoát là giải thoát’ đó sao?”[7]
Một hôm, Trần-Nhân-Tông đã hỏi Tuệ-Trung Thượng-Sĩ về công đức của việc giữ giới. Tuệ-Trung Thượng-Sĩ đã nói:
“Trì giới và nhẫn nhục,
Chuốc tội chẳng chuốc phúc.
Muốn biết không tội phúc,
Đừng trì giới và nhẫn nhục.
Như khi người leo cây,
Đang yên tự tìm nguy
Không trèo lên cây nữa,
Trăng gió làm được gì.
Đoạn người dun kín ta: ‘Chớ có bảo cho người không đáng bảo”[8]
Thích-Thanh-Từ[9] đã nói:
“Đối với người biết tu thì sáu căn đối với sáu trần – sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp – không dính không nhiễm, đó là cội gốc Bồ-đề Niết-bàn … Khi sáu căn đối với sáu trần có dính có nhiễm thì đi trong sanh tử.”[10]
Ở những tu viện của thiền phái này, mỗi buổi chiều, khoảng 18g, có một thời Sám hối sáu căn.
Thích Tâm Đức
[1] Trần-Thái-Tông (1218–1277), vị vua đầu tiên của triều Trần cũng là thiền sư, là một trong 3 cột trụ của thiền phái Trúc-lâm.
[2] Trần-Thái-Tông, Khóa-Hư-Lục (課虚錄), dg. Thích-Thanh-Kiểm, Hồ Chí Minh, 1992, tr. 61
[3] cách thức sám hối 6 căn, tụng 6 thời một ngày
[4] Sđd., tr. 80-81
[5] Sđd., tr. 55
[6] Sđd., tr. 42
[7] Sđd., tr. 545
[8] Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam – Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, II, Hà Nội, 1989, tr. 546
[9] Ht. Thích Thanh Từ hiện là Viện chủ của thiền phái Trúc-Lâm tại Việt Nam
[10] Thích Thanh Từ (2003), Hoa vô ưu, tập 8, NXB Tôn giáo, Hà Nội. tr. 53.