Phụ Lục
Chúng ta rất may mắn được tiếp cận một tôn giáo rất đặc biệt đó là đạo Phật. Dù là truyền thống nào,Tiểu thừa hay Đại thừa, thì đạo Phật vẫn đưa trí tuệ lên hàng đầu. Phương châm “Duy tuệ thị nghiệp” tức là lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Nội dung kinh Pháp Hoa cũng đặt nặng về trí tuệ. Phần lớn các Phật tử Việt Nam hầu như ai cũng đọc tụng kinh Pháp Hoa. Nếu tụng đọc cộng thêm hiểu ý nghĩa hay tư tưởng của kinh Pháp Hoa thì việc tụng đọc càng thêm lợi lạc. Vì vậy, hôm nay nhân duyên đã đầy đủ, chúng ta sẽ phân tích bộ kinh Pháp Hoa này.
Để nghiên cứu một hệ thống tư tưởng hay là một bộ kinh thì chúng ta cần phải biết qua hoàn cảnh lịch sử của bộ kinh đó. Ví như muốn nghiên cứu một con người tại sao vi phạm pháp luật hay tại sao người đó trở nên tài giỏi thì cần nghiên cứu bối cảnh của nhân vật đó như hoàn cảnh gia đình, xã hội…
Sơ lược về mặt lịch sử của kinh Pháp Hoa. Kinh Pháp Hoa có 27 hoặc là 28 phẩm.
- Nếu lấy mốc Thiên Chúa giáng sinh thì khoảng 100 năm trước khi Chúa ra đời, Kinh Pháp Hoa chỉ có từ phẩm 1 cho đến phẩm 9 và thêm phẩm 17 dưới dạng những câu kệ. Những câu kệ và thơ rất dễ học thuộc lòng vì nó có vần điệu với nhau. Kinh điển của Ấn Độ giáo trước khi Đức Phật xuất hiện cũng vậy là nó dưới dạng thơ. Kinh Pháp Hoa cũng vậy, ban đầu xuất hiện dưới dạng thi kệ.
- Trong khoảng thế kỷ I, các nhà nghiên cứu tìm hiểu là trong khoảng vài chục năm, sau khi Thiên Chúa ra đời thì kinh Pháp Hoa cũng gồm những phẩm như vậy cộng thêm văn xuôi. Kinh Pháp Hoa mà chúng ta đang đọc ở đây có một phần văn xuôi rồi có một thi kệ, cả hai là có nội dung giống nhau.
- Đến khoảng 100 năm, sau Thiên chúa ra đời, Kinh Pháp hoa cộng thêm từ phẩm 10 đến phẩm 20 và phẩm 27.
- Đến khoảng 150 năm, bộ Kinh Pháp Hoa được bổ sung thêm từ phẩm 21 đến phẩm 26.
Như vậy là từ khi hình thành cho đến khi kéo dài 250 năm thì bộ kinh Pháp Hoa hoàn chỉnh như bây giờ chúng ta thấy.
Khi phân tích về mặt lịch sử như vậy, có nhiều người nói rằng kinh Đại thừa không phải là Phật nói, cũng có cái lý của họ vì rõ ràng là Kinh bổ sung. Vậy thì ai bổ sung? Là những đệ tử của Phật bổ sung vào.
Trong 250 năm, với thời gian rất lâu mới hoàn thành bộ kinh như hiện nay thì về mặt lịch sử là có sự bổ sung, nhưng mà chuyện đó chúng ta tạm thời để qua một bên. Chúng ta thấy rằng cái quan trọng của việc học kinh Pháp Hoa chính là về mặt tư tưởng của Kinh và đọc xong một bộ kinh thì mình thấy có an lạc, có thấy lợi ích hay là không?.
HT. Thích Tâm Đức