Phụ Lục
+ Sad chỉ cho sự màu nhiệm, vi diệu hay là thù thắng.
+ Dharma: Pháp.
Pháp có nhiều nghĩa:
— Pháp là sự chứng ngộ của Đức Phật
— Pháp chỉ cho tất cả những định luật, quy luật của vũ trụ.
— Pháp chỉ cho giới luật.
— Pháp chỉ cho những phương pháp.
— Pháp chỉ cho những sự vật hiện tượng.
Chữ Pháp có năm nghĩa như vậy, nhưng trong kinh Pháp Hoa thường đề cập đến hai loại pháp: Pháp (viết chữ hoa) để chỉ cho trạng thái chứng ngộ của Đức Phật; pháp (viết chữ thường) chỉ cho sự vật hiện tượng như nhà cửa, xe cộ; còn về tinh thần thì có buồn vui, giận hờn…
+ Pundarika là hoa sen màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết.
+ Sũtra là kinh.
Bất kỳ một tác phẩm nào thì tựa đề rất là quan trọng. Khi hiểu được tựa đề thì có thể hiểu được một nửa ý nghĩa của cả bộ kinh hay tác phẩm đó. Dharma là Pháp chỉ cho sự chứng ngộ của Đức Phật. Saddharma = Diệu Pháp là nói lên sự chứng ngộ tuyệt vời của Đức Phật. Ngay sau khi chứng ngộ thì Đức Phật giữ im lặng. Vì sao vậy? Vì trạng thái chứng ngộ của Đức Phật rất khó để diễn tả, cũng như rất khó để cho người khác hiểu. Saddharma hay Diệu Pháp chỉ trạng thái chứng ngộ của Đức Phật khó thấy, khó hiểu, nhưng mà nó có thật. Cũng giống như chúng ta không thấy gió nhưng chúng ta biết có gió vì thấy cành cây nó lay động. Cũng vậy chữ Saddharma này là khó thấy, khó hiểu. Kinh Pháp Hoa xử dụng hình tượng hoa sen để nói lên đặc tính của Diệu Pháp, nói Pháp khó hiểu nhưng nói đến hoa sen thì dễ hiểu.
Hoa sen có ý nghĩa gì? Hoa sen mọc từ trong bùn, bùn hôi tanh nhưng khi hoa sen mọc nhô lên mặt nước, nở hoa thơm ngát. Dưới bùn hôi tanh là tượng trưng cho chuyện thế gian, chỉ cho phiền não khổ đau. Trên mặt nước, hoa sen nở thơm ngát tượng trưng cho hạnh phúc an lạc, hay là thế giới Cực lạc.
- Thuật ngữ đạo Phật gọi phần an lạc, hạnh phúc chân thật này là Chơn đế
- Phần mặt nước trở xuống bùn gọi là Tục đế.
Chơn đế và Tục đế nầy không tách rời nhau, dính liền nhau qua hình tượng hoa sen. Hoa sen mọc từ trong bùn và sau khi nở hoa nó vẫn gắn liền với bùn không có tách rời. Kinh Pháp Hoa mượn hình tượng hoa sen để nói lên trạng thái chứng ngộ hay cực lạc là không phải ở một thế giới xa xôi nào đó mà nó ở ngay tại trần gian này. Nhưng ở trần gian này là ở đâu? Là chính ở ngay trong tâm của chúng ta.
— Câu chuyện: Địa ngục và Thiên đàng
Có một vị tướng quân Nhật vào thế kỷ thứ 13, khi vị tướng quân nghe quân lính khen rằng có một vị Thiền sư rất giỏi nên ông quyết định đi thăm vị Thiền sư đó. Khi tướng quân đến, vị Thiền sư mời ngồi. Sau khi ngồi xuống thì vị Tướng quân hỏi Thiền sư:
– Này ông kia, địa ngục ở đâu?
Vị Thiền sư cũng không vừa nói:
– Ngươi là cái thá gì mà hỏi ta!
Bị nói khích nên vị Tướng quân rút kiếm ra.
Vị Thiền sư nói rằng:
– Địa ngục là ở đây .
Tướng quân vội đút kiếm vô.
Vị Thiền sư liền nói:
– Thiên đàng là ở đây.
Ý nghĩa của câu chuyện thiền này là địa ngục hay cực lạc không ở đâu xa mà ở ngay trong tâm trí. Tâm an lạc thì chính là cực lạc, tâm phiền não khổ đau thì chính là địa ngục. Thế giới Cực lạc còn có một tên khác gọi là Tịnh độ. Tịnh là thanh tịnh. Độ là đất. Vì sao Cực lạc được gọi là Tịnh độ? Qua câu chuyện Đức Phật giáo giới cho La Hầu La, hãy tu tập như đất. Ví như có một người quăng đồ sạch xuống đất thì đất vẫn im lặng không có khen, nhưng nếu như có một người quăng đồ dơ xuống đất thì đất vẫn im lặng không có chê. Đức Phật dạy La Hầu La rằng: Ngươi hãy tu tập cái tâm như đất. Nếu như có ai khen ngươi thì ngươi vẫn im lặng, nếu như có ai chê ngươi thì ngươi vẫn im lặng nghĩa là giữ cái tâm an nhiên tự tại. Qua câu chuyện như vậy để thấy rằng kinh Pháp Hoa chủ trương rằng cực lạc hay thế gian là một.
Kinh điển có nói: Phật là gì? Phật là Budda (chữ Phạn). Chữ Phật này là do động từ Bud + a để trở thành một danh từ . Chữ Budd được ông cha ta ngày xưa gọi là Bụt. Bud, chữ Phạn có nghĩa là tỉnh giác. Tỉnh giác là không có mê mờ. Budda là Phật là người tỉnh giác không có mê mờ. Và nếu như mà mê mờ là chúng sinh.
Ý chính của kinh Pháp Hoa muốn nói lên rằng:
- Nhị đế = Chơn đế + Tục đế
Nhị là hai và đế là sự thật. Nghĩa là có hai sự thật trên cuộc đời này.
Ngài Long Thọ có nói rằng, nếu như chúng ta không phân biệt được chơn đế và tục đế thì không hiểu được lời Phật dạy, không hiểu tục đế thì sẽ không hiểu được chơn đế. Không hiểu được chơn đế thì sẽ không được Niết bàn giải thoát.
– Tục đế là gì? Đó là những lời dạy của Đức Phật, đó là những pháp môn tu tập.
– Chơn đế chỉ cho trạng thái giác ngộ Niết bàn.
Trong 28 phẩm kinh Pháp Hoa, chơn đế được trình bày trong Phẩm 1 hay còn gọi là Phẩm Tựa. Từ phẩm 2 đến phẩm 28 thì trình bày tục đế. (Kinh Pháp Hoa được trình bày bằng chữ Phạn thì có 27 phẩm, nếu trình bày bằng chữ Hán thì có 28 phẩm, là do sự sắp xếp khác nhau, nhưng nội dung thì giống nhau).
– Ngón tay đây chỉ cho 27 phẩm.
– Ngọn đèn chính là Phẩm số 1.
Mặc dù ngón tay không phải là ngọn đèn nhưng nếu như không có ngón tay thì không biết tìm ngọn đèn ở đâu. Nhờ có ngón tay của người chỉ mà mình nương theo để thấy ánh đèn.
Chúng ta sẽ thấy:
– Phẩm Tựa của kinh Pháp Hoa trình bày:
Đức Phật sau khi nói kinh Vô lượng nghĩa xứ thì Ngài nhập định vô lượng nghĩa xứ liền, thân tâm bất động và từ giữa chặng lông mày Ngài phóng ra một luồng hào quang về phương Đông, soi rọi 18 ngàn thế giới từ địa ngục A tỳ cho đến cõi trời Hữu đảnh. Phẩm Tựa này mô tả Đức Phật ngồi trong trạng thái thiền định, thân tâm bất động không nói một lời nào.
Từ phẩm thứ 2 là phẩm Phương tiện, chữ Phương tiện nhắc nhở rằng tất cả những gì đề cập trong 27 phẩm còn lại nầy chỉ là phương tiện, chỉ là như ngón tay mà thôi. Cứu cánh mới là ngọn đèn, tức nhiên sự an lạc mới là mục đích.
Như vậy:
– Nhị đế qua hình tượng hoa sen bưới bùn và hoa sen vượt ra khỏi bùn ở trên mặt nước cho khái niệm là một bên chơn và một bên là phương tiện hay còn gọi là một bên thật và một bên là huyễn. Nhưng phải nhờ phương tiện mới đạt được chơn đế, cũng giống như phải nhờ ngón tay mới thấy được ngọn đèn. Chúng ta tới chùa tụng kinh, niệm Phật thì đây chỉ là phương tiện thôi, nhưng phải nhờ nó thì mới đạt được an lạc.
Trong phẩm thứ hai này, mở đầu nói rằng, Đức Phật từ chỗ ngồi thiền định, Ngài đứng dậy và tuyên thuyết. Từ phẩm thứ hai trở đi, Ngài dùng lời nói, dùng lời nói thì không phải là thật nữa, nhưng phải nhờ nói như vậy thì chúng ta mới biết cũng giống như nhờ nương theo ngón tay để thấy ngọn đèn.
Trong bài kinh Xà Dụ, trong Trung Bộ kinh, Đức Phật nói rằng: “Pháp của ta giảng ví như chiếc bè để vượt qua chớ không phải để nắm lấy. Chánh pháp còn phải bỏ đi huống nữa là phi pháp”. Một câu nói rất là quan trọng. Ngài nói rằng, ví có một người đứng bên này bờ sông rất là bất an, nhìn qua bờ sông bên kia rất là an ổn, thế rồi người này vào rừng chặt cây, chặt dây leo, kết lại thành một chiếc bè, rồi chèo chiếc bè qua bờ bên kia. Sau khi đến bờ bên kia rồi thì có hợp lý chăng khi người đó đặt chiếc bè lên vai mà đi. Cho nên “Chánh pháp còn phải bỏ đi huống chi là phi pháp”. Những lời dạy của Ngài, chúng ta mượn phương tiện để tu tập mà còn phải xả bỏ huống gì là những chuyện tầm bậy như tham lam, sân hận…
Trong một bài kinh rất ngắn, nhưng mà rất quan trọng :
“ Các việc ác chớ làm,
Hãy làm các việc lành,
Giữ tâm ý thanh tịnh,
Ấy lời chư Phật dạy.”
(Thanh tịnh đây là xả bỏ)
Sống trong cuộc đời, ngoài xã hội nhiều khi phiền não, mình vô chùa tu, đi làm từ thiện xã hội, tụng kinh, niệm Phật đó là chúng ta làm việc thiện, không làm việc ác. Nhưng bên cạnh làm việc thiện thì phải giữ tâm ý thanh tịnh. Pháp đầu tiên của vị Bồ tát là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Pháp bố thí của vị Bồ tát là khi làm việc bố thí thì không thấy người bố thí, không thấy người được bố thí, và không thấy của bố thí.
Đức Phật dạy vị Bồ tát khi hành đạo làm việc lương thiện nhưng tâm phải hoàn toàn thanh tịnh.
Chúng ta nghe câu chuyện:
Đời nhà Đường, bên Trung Quốc, vào thế kỷ thứ 7, có vua Lương Võ Đế rất ủng hộ Phật giáo. Vua cúng tiền bạc rất nhiều để xây chùa chiền, ủng hộ Tăng Ni. Một hôm, vua Lương Võ Đế nầy gặp Đạt Ma Tổ sư và hỏi:
– Thưa Ngài, tôi cúng dường cho Tăng Ni nhiều như vậy thì công đức của tôi nhiều hay là ít?
Ngài Đạt Ma nói rằng:
– Chỉ có phước hữu lậu.
Như vậy, Phật giáo chủ trương tâm ý thanh tịnh, hướng đến phước vô lậu. Làm việc lương thiện thì tự nhiên theo luật nhân quả sẽ có quả báu tốt, cho nên ngay cả việc lương thiện cũng phải xả bỏ và như vậy công đức mình là vô lượng. Nếu còn mong cầu là hữu lậu, còn không cầu là vô lậu. Phật tử cũng nên vậy, khi vô chùa làm việc lương thiện rồi thì hãy giữ tâm thanh tịnh, nghĩa là buông xả thì phước đức vô lượng. Còn làm từ thiện để mong được sẽ lên chư Thiên, mong kiếp sau được làm nam giới, được làm chư Tăng… Sự mong cầu như vậy là hữu lậu. Không mong cầu mới là tuyệt chiêu. Tuyệt chiêu của đạo Phật là tâm ý thanh tịnh. Tâm ý thanh tịnh này đã được Ngài Long Thọ cũng như trong bộ kinh Pháp Hoa được trình bày dưới những khái niệm như là tánh không, là bình đẳng, là chơn đế…Chúng ta sẽ gặp một loạt các khái niệm hay là phạm trù tư tưởng hay triết học, những khái niệm tương tự với chơn đế, như Niết bàn, Tánh không, Bình đẳng, Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đều là mô tả cho cái Chơn đế.
Như vậy, ngay tựa đề Diệu Pháp Liên Hoa Kinh đã có khái niệm, đâu là chơn và đâu là ảo, đâu là cứu cánh và đâu là phương tiện.
HT. Thích Tâm Đức