Triết Lý Kinh Pháp Hoa – Phẩm 2 – Phương Tiện

Nội dung chính
Comments

Phụ Lục

+ Khái niệm Như thị

Ở đây có các pháp:

     – Như thị tướng

     – Như thị tánh

     – Như thị thể

     – Như thị lực

     – Như thị tác

     – Như thị nhơn

     – Như thị duyên

     – Như thị quả

     – Như thị báo

     – Trước sau như thị.

   Suzuki, một tác giả người Nhật, có đề cập đến Chơn như hay Như thị trong tác phẩm Phát họa Phật giáo Đại thừa (Đại cương Phật giáo Đại thừa). Ông cũng là tác giả của 3 quyển Thiền Tuyệt (Thiền Luận) Thượng, Trung, Hạ. Ông là người có công rất lớn trong việc truyền bá đạo Phật qua phương Tây vào đầu thế kỷ thứ 20.

   Trong quyển Phát họa Phật giáo Đại thừa, ông đưa ra một khái niệm rất hay là Như thị hay nguyên lý tối hậu của hiện hữu được biết bởi nhiều tên gọi khác nhau khi nó được nhìn ở nhiều giai đoạn khác nhau của biểu hiện của chúng.

– Như thị được gọi là Phật tánh vì nó thiết lập Phật lý.

– Như thị được gọi là Pháp khi nó được xem là quy tắc của hiện hữu.

– Như thị được gọi là Bồ đề khi nó biểu hiện nguồn gốc của trí thông minh.

– Như thị được gọi là Niết bàn khi nó mang lại sự bình yên vĩnh cửu.

– Như thị được gọi là Bát nhã, Pháp thân, Bồ đề tâm, Tánh không, Chí nguyện, Chơn đế, Bạt đế,  Như lai tạng.

Như thị đây là một tên gọi xem như là mẫu số chung cho mọi hiện tượng. Chẳng hạn như đèn cho ánh sáng, quạt máy cho gió, máy điều hòa không khí giúp điều hòa không khí,… dù khác nhau nhưng có chung nhau là dòng điện. Như thị đây giống như dòng điện, biểu hiện qua cái này thì gọi là Phật tánh, qua cái kia thì gọi là Pháp, Bồ đề, Tánh không…tất cả nhằm nói lên chơn đế. Kinh Pháp Hoa phân biệt chơn đế và tục đế thì tất cả Phật tánh, Pháp, Bồ đề…thuộc phạm vi chơn đế và tùy theo biểu hiện mà nó có tên gọi khác nhau. Trong kinh Pháp Hoa có 10 Như thị.

Như thị đây chỉ cho các sự vật hiện tượng biểu hiện qua 10 pháp.

     1- Như thị tướng:

Tướng chỉ cho hình tướng bên ngoài sự vật hiện tượng. Chẳng hạn như cô này, cô kia khác nhau, khác với chú này, khác với bác này nhưng có chung nhau như thị. Vì sao? Vì dù rằng cô này, chú này, bác kia cao, thấp, đen, trắng khác nhau nhưng có điểm chung là không ai sống mãi. Đức Phật nói các pháp là vô thường thay đổi.

     2- Như thị tánh:

Nói về con người thì tánh đây chỉ cho tánh tình, có người trầm tính, người hoạt bát, người nghiêm túc, người hay đùa giỡn. Dù biểu hiện khác nhau nhưng vẫn giống nhau là vô thường. Không ai có thể buồn hay vui mãi, mà luôn thay đổi, lúc buồn, lúc vui.

     3- Như thị thể:

Nói về vật chất thì cái này là chất rắn, cái kia là lỏng.

     4- Như thị lực:

Chỉ cho sức mạnh của sự vật hiện tượng.

     5- Như thị tác:

Chỉ cho sự hoạt động.

     6 → 9- Như thị nhơn, như thị duyên, như thị quả, như thị báo:

Đây là nhân quả của sự vật hiện tượng, cái nào nó cũng có nhân quả.

    10 – Trước sau như thị:

Trước sau như thị đây nghĩa là bao gồm hết các biểu hiện như thị này.

10 pháp này chỉ cho biểu hiện của sự vật hiện tượng và những biểu hiện này đều mang tính như thị, là vô thường –  khổ – vô ngã.

  + Trong bộ kinh Pháp Hoa có đề cập đến 5.000 người cho rằng đã chứng Niết bàn, bỏ ra ngoài không nghe Đức Phật giảng kinh Pháp Hoa. Câu chuyện này có thật hay không thì chúng ta không xác định chắc chắn được nhưng điều này nói lên rằng để hiểu một bộ kinh không phải ai cũng tán đồng; có người tán đồng, có người không tán đồng đó là điều bình thường, đừng vì vậy mà chỉ trích nhau. Kinh Pháp Hoa là một bộ kinh Đại thừa cấp tiến, cái gì cấp tiến thì hay bị chống đối lúc ban đầu. Cho nên đây là một hiện tượng nói lên bất kỳ một sự cấp tiến nào cũng đều bị cản trở.

 + Đức Phật đề cập đến chín bộ kinh. Gồm có:

     – Khế kinh.

     – Trùng tụng.

     – Bổn sự.

     – Bổn sinh.

     – Vị tằng hữu.

     – Nhơn duyên.

     – Thí dụ.

     – Cô khởi.

     – Luận nghị.

Chín bộ kinh thuộc thể loại văn học, nếu như văn học trong văn chương Việt Nam gồm có thơ, văn xuôi, văn vần,… thì trong Kinh tạng, đây là chín thể loại mà Đức Phật thường dùng để diễn tả ngôn ngữ.

   1- Khế kinh.

Những lời dạy của Đức Phật khế hợp với căn cơ trình độ của chúng sinh.

   2- Trùng tụng.

Là lập lại

   3- Bổn sự.

Chỉ cho các câu chuyện tiền kiếp của các vị đệ tử.

   4- Bổn sinh.

Chỉ cho câu chuyện tiền kiếp của Đức Phật

   5- Vị tằng hữu.

Chưa từng có trước đây (vị là chưa từng , hữu là có), như Đức Phật nói trạng thái chứng ngộ của Ngài, rõ ràng là trước đây chưa ai từng hiểu.

   6- Nhân duyên.

Đức Phật nói bất cứ một cái gì cũng đều có nhân có duyên. Ví dụ như nhân duyên của bộ kinh Giáo giới La Hầu La, là vì La Hầu La là cái nhân cho Ngài nương vào đó mà dạy cho La Hầu La.

  7- Thí dụ.

Như trong kinh Pháp Hoa đưa ra những ví dụ để nhằm sáng tỏ thêm những ý nghĩa.

  8-  Cô khởi (Cảm hứng ngữ, như thị ngữ).

(Cô là độc lập, khởi là dậy). Có những bài kinh Ngài cảm hứng tự tuyên thuyết, không phải do nhân duyên nào.

  9-  Luận nghị.

Trong những lời dạy của Đức Phật có lúc mang tính chất phải luận bàn mới hiểu. Chẳng hạn có đoạn kinh Đức Phật nói rằng: “Một vị Tỳ kheo không bước tới không đứng lại vị ấy vượt khỏi bộc lưu (bộc lưu chỉ dòng nước chảy xiết)”, vì khó hiểu nên cần phải luận bàn.

Trong Tam tạng kinh điển của đạo Phật có kinh tạng, luật tạng và luận tạng. Luận để giải nghĩa phân tích những bài kinh, nhiều khi Đức Phật nói ra khó hiểu quá nên phải bàn bạc, mổ xẻ phân tích rộng ra. Đây là chín bộ kinh hay chín thể loại nói Pháp của Đức Phật thuộc phẩm thứ 2 – Phương tiện. Chín bộ kinh này chỉ là phương tiện.

  + 62 Tà kiến

Vào thời kỳ Đức Phật thì trong xã hội Ấn Độ, các tôn giáo ở Ấn Độ có 62 quan điểm khác nhau. Chẳng hạn nói, ngã và linh hồn là một hay là khác. Ngã và sinh mạng này là một hay là khác. Như lai và thế giới này là một hay là khác,…Những quan điểm đưa ra như vậy, sau khi chết có tồn tại hay không tồn tại. Đức Phật nói rằng 62 quan điểm này đều là tà kiến và chúng không đúng. Điều này cho thấy rằng cùng tồn tại với đạo Phật có những tôn giáo khác nhau.

  + Đức Phật nói: Ta nói Niết bàn nhưng không phải là Niết bàn. Trong phẩm này Đức Phật có nhắc lại để chúng ta thấy rằng Niết bàn cũng chỉ là phương tiện.

  + Trong Kinh Pháp Hoa có nói rằng những người hành trì Kinh Pháp Hoa, họ đi quét tháp, vẽ, ca, ngâm,… hay dù chỉ thốt lên một tiếng Nam Mô Phật thôi thì họ cũng sẽ thành đạo. Vì sao? Điều này để xác định rằng Nam Mô Phật đây là một hướng đi đúng. Thí dụ chúng ta không biết thành phố A ở đâu, nhưng nếu có người chỉ đường thì chúng ta biết là đi theo hướng này sẽ tới. Nam Mô Phật là hướng đi tới, tin rằng mình sẽ thành Phật. Thanh văn thì không tin họ sẽ thành Phật, họ tin là họ sẽ là A la hán và sẽ chứng Niết bàn. Thành Phật là tự mình sẽ làm cho tâm thanh tịnh. Dù rằng mình chưa chứng đắc, nhưng biết được hướng đi đó đúng đắn.

   + Trọng tâm của kinh Pháp Hoa là nhắm đến chữ Pháp, nhắm đến sự chứng ngộ. Trong bộ kinh Pháp Hoa có những khái niệm nhằm mô tả hoặc diễn tả cái trạng thái chứng ngộ đó. Và khái niệm Nhất thừa (Ekayàna) được kinh Pháp Hoa khởi xướng để chỉ trạng thái chứng ngộ.

Pháp Hoa là Diệu Pháp Liên Hoa. Chữ Pháp, tiếng Phạn là Dharma. Chữ Pháp ở đây chỉ trạng thái chứng ngộ của Đức Phật. Trạng thái chứng ngộ này khó thấy, khó hiểu nên không thể không dùng đến ngôn ngữ để mà diễn tả. Khi nói đến ngôn ngữ là liên hệ đến khái niệm nhận xét, liên hệ đến học thuyết. Khái niệm hay học thuyết mà kinh Pháp Hoa dùng đó là nhất thừa và khái niệm nhất thừa thuộc tục đế.

HT. Thích Tâm Đức

Nội dung chính
Comments


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *