Phụ Lục
Khái niệm Đức Phật bản thể
Như lai là danh hiệu của Đức Phật, thọ là tuổi thọ, lượng là nhiều. Như Lai thọ lượng là tuổi thọ của Đức Phật nhiều vô lượng vô biên. Mở đầu phẩm 16, đại chúng ba phen thỉnh Đức Phật giảng pháp, đây là thủ tục để xác chứng lời Đức Phật nói ra là chân thật, đúng đắn.
Trong phẩm này Đức Phật nói rằng chúng sinh phần đông nghĩ Đức Phật dưới dạng một con người có sinh có tử, là một Thái tử được sinh ra trong hoàng cung, lớn lên lập gia đình, sau đó xuất gia, giảng pháp rồi mất năm 80 tuổi. Bộ kinh Pháp Hoa đưa ra quan niệm khác là từ khi thành Phật đến nay, Đức Phật có tuổi thọ vô lượng vô biên hay nói cách khác là bất tử. Đức Phật thị hiện như một con người bằng xương bằng thịt cho chúng sinh thấy, nhưng thật ra không phải vậy, “Ta từ khi thành Phật đến nay, tuổi thọ là vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức kiếp, thường còn chẳng mất. Mở đầu phẩm này cho thấy hai khái niệm là tục đế và chơn đế.
– Tục đế chỉ cho sự sinh diệt. Đức Phật có sinh có diệt.
– Chơn đế chỉ cho sự không sinh không diệt. “Ta từ khi thành Phật đến nay là thường còn chẳng mất” để nói quan điểm của đạo Phật trong kinh Pháp Hoa là bất tử chỉ cho chơn đế.
Chúng sinh chưa giác ngộ thì sẽ bị khổ đau vì thấy có sinh có diệt. Người giác ngộ, có trí tuệ có một cái nhìn khác, “Ta từ khi thành Phật”, thành Phật nghĩa là có trí tuệ, là bất sinh bất diệt hay bất tử, có nghĩa là người nào có trí tuệ thì sẽ có cái nhìn khác về cuộc đời. Thái tử Tất Đạt Đa trước khi thành Phật là một con người bằng xương bằng thịt. Thái tử đi tu 6 năm khổ hạnh, ngồi thiền định bảy tuần lễ và trở thành một vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác. Sau khi thành Phật thì Thái tử Tất Đạt Đa hình thù vẫn như vậy, nhưng khác ở trí tuệ, cũng là con người đó, giây phút trước là chúng sinh phàm tục nhìn cuộc đời có sinh có diệt, nhưng giây phút sau khi đã chứng ngộ thành Phật, nghĩa là nhận thức đã được thay đổi, có trí tuệ rồi thì cũng là con người bằng xương bằng thịt đó nhưng nhìn thế giới với sự hiểu biết khác. Khi chưa có trí tuệ thì thấy cuộc đời đầy phiền não, nhưng khi đã có trí tuệ thì thấy khác đi vì hiểu rằng thế giới là do tâm biến hiện. Điều này cho thấy trí tuệ rất quan trọng.
Câu chuyện trong phẩm 16 cho thấy rằng kinh Pháp Hoa hay đạo Phật nhắm đến cái bất tử, không sinh không diệt, muốn có được sự bất tử này thì phải có trí tuệ. Mọi nỗ lực của đạo Phật là để giúp con người khai mở trí tuệ. Có nhiều cách để mở trí tuệ, trạng thái chứng ngộ là mở ra trí tuệ. Khi đã có trí tuệ rồi thì sẽ như thật biết các tướng của tam giới: dục giới – sắc giới – vô sắc giới.
– Dục giới là thế giới của các cõi trời dục giới, người, atula, ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục.
– Sắc giới là cảnh giới của tứ thiền: sơ thiền – nhị thiền – tam thiền – tứ thiền. Những cảnh trời sắc giới như Phạm thiên, Quang âm thiên…là những cảnh trời tương ưng với những trạng thái thiền định của bốn loại thiền này
– Vô sắc giới: chỉ cho tứ không, cũng là một loại thiền định gồm có:
– Không vô biên xứ.
– Thức vô biên xứ.
– Vô sở hữu xứ.
– Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Trong phẩm này, Như Lai như thật biết tướng của tam giới. Trong tam giới, chắc chắn rằng dù là cảnh trời nào cũng chịu luật vô thường thay đổi, có sinh có diệt. Người làm việc thiện, bố thí, cúng dường…nếu chưa có trí tuệ thì cũng sinh về những cảnh giới này. Ở cảnh trời, dù là nhan sắc đẹp hơn, tuổi thọ dài hơn, các dục lạc thù thắng hơn loài người nhưng cuối cùng cũng phải chịu sự luân hồi sanh tử. Nên kinh Pháp Hoa nói, tam giới như hỏa trạch (nhà lửa). Hỏa trạch là địa ngục lửa cháy, nghĩa là tam giới dù là dục giới, sắc giới hay là vô sắc giới thì vẫn phải chịu sự sanh tử luân hồi. Như vậy, cơ bản qua phẩm 16 này, kinh Pháp Hoa nhằm cũng cố khái niệm nhị đế gồm tục đế và chơn đế. Mục đích của Kinh Pháp Hoa là nhắm đến chơn đế, nhắm đến sự bất tử, nhằm mô tả cho ý nghĩa của Diệu Pháp (Dharma).
Trong kinh Pháp Hoa có bảy ví dụ và ngang qua những ví dụ để minh họa cho ý nghĩa những lời Phật dạy. Ví dụ trong phẩm 16 là đề cập đến một vị Lương y tài giỏi. Vị thầy thuốc này có những đứa con bị bệnh tật. Do những đứa con ỷ lại cha mình là thầy thuốc giỏi nên không chịu uống thuốc nên ông cha dùng phương tiện là bày ra kế bỏ đi xa. Ông bảo: “Này các con, nay ta có công việc phải đi xa”. Sau khi đi rồi, ông gởi tin nhắn về cho các con là ông đã chết. Ở nhà, những người con được tin cha chết thì đau buồn vì mất người nương tựa. Trước đây ỷ lại có cha nên không chịu uống thuốc, bây giờ cha mất rồi nên các người con này chuyển ý là phải uống thuốc. Trong những người con đó, có người tỉnh táo chịu uống thuốc lành bệnh và ép các người con khác uống thuốc để toàn bộ các người con đều khỏi bệnh. Ông cha giả chết ở phương xa nghe các con chịu uống thuốc lành bệnh thì trở về, các người con rất vui mừng vì thấy cha vẫn còn sống khoẻ mạnh.
Câu chuyện nhằm minh họa cho chủ trương của kinh Pháp Hoa là khái niệm nhị đế gồm tục đế và chơn đế. Người cha giả chết chỉ cho tục đế. Người cha còn sống và trở về là chỉ cho chơn đế. Tục đế là phương tiện. Chơn đế là cứu cánh. Nhị đế cũng là chủ trương của ngài Long Thọ. Ngài nói rằng nếu như không phân biệt được nhị đế là không hiểu lời Phật dạy, nếu không hiểu tục đế thì sẽ không hiểu chơn đế và như vậy sẽ không thể đạt được Niết bàn.
HT. Thích Tâm Đức