Triết Lý Kinh Pháp Hoa – Phẩm 1 – 3. Các khái niệm trong đạo Phật

Nội dung chính
Comments

Phụ Lục

PHẨM 1 –  TỰA

+ Khái niệm Chơn đế – Tục đế

+ Khái niệm Nhất thừa

   I – Chơn đế được trình bày trong phẩm Tựa.

Trong Phẩm Tựa, Đức Phật nói kinh Vô Lượng Nghĩa Xứ, xong Ngài nhập định vô lượng nghĩa xứ liền vào trạng thái thân tâm bất động. Trong kinh không có mô tả nội dung kinh Vô lượng Nghĩa Xứ mà diễn tả một loạt trạng thái thiền định của Đức Phật. Ở đây cho thấy ý nghĩa kinh chỉ là phụ mà thiền định mới là chính yếu. Sau này chúng ta sẽ thấy bộ kinh Pháp Hoa rất tế nhị, sắp xếp những danh xưng, ngôn từ, hoạt cảnh trong các phẩm đều có ý tứ. Kinh Đại thừa hay dùng ngôn từ trừu tượng, bóng bẩy, to lớn.

  • Vô lượng nghĩa là gì?

Vô lượng là quá nhiều. Khi cần chỉ ra một cái quá nhiều có nghĩa rằng trí mình không với tới. Khi nói Vô lượng nghĩa nhằm diễn tả cho cái ngoài tầm với của tâm thức con người, ngoài sự hiểu biết của con người, đồng nghĩa rằng Vô lượng nghĩa là chỉ cho cái thực tại, chỉ cho sự chứng ngộ của Đức Phật. Những nỗ lực của kinh điển là nhằm diễn tả trạng thái chứng ngộ. Những lời dạy của Đức Phật là nhằm đưa con người hướng về sự chứng ngộ, có nghĩa hướng cái tâm của con người vào chỗ thanh tịnh, vượt ra ngoài hai thái cực hơn thua, đẹp xấu …

Sau khi chứng ngộ rồi, có sự can thiệp của một vị chư Thiên, Đức Phật mới bắt đầu đi tuyên thuyết. Bài thuyết giảng đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như là Tứ Diệu Đế. Trong bài thuyết giảng đầu tiên này, Đức Phật nói:

    – “Này các Tỳ kheo, có một đạo lộ này xa lánh hai thái cực. Thái cực đầu tiên là những người chạy theo hưởng thụ dục vọng tham ái, chạy theo  dục vọng của thế gian và thái cực thứ hai là tự mình hành hạ khổ hạnh.’’ Đây chỉ cho giới tu sỹ của Bà la môn vào thời kỳ Đức Phật và chính Đức Phật trước khi chứng ngộ Ngài cũng tu theo sự khổ hạnh này, tự mình hành hạ mình, tự ép xác mình. Sự hành hạ ép xác đó là một thái cực, còn thái cực đối lập lại đó là sự hưởng thụ dục phù phiếm. Theo Đức Phật cả hai thái cực đều không mang lại lợi ích. Nên Đức Phật giảng: – “Này các Tỳ kheo, có một đạo lộ xa rời hai thái cực, ép xác khổ hạnh và chạy theo dục vọng. Đạo lộ đó dẫn đến giác ngộ, giải thoát, Niết bàn. Chính là trung đạo.”

Trung đạo là ngôn từ để ám chỉ chơn đế. Trung đạo nghĩa là xa rời hai cực đoan. Khi mà Đức Phật dạy La Hầu La hãy tu tập cái tâm như đất, là ai khen thì cũng không có mừng và ai chê thì cũng không lấy đó mà buồn. Có nghĩa rằng xa lánh cả hai cực đoan, như vậy tâm thanh tịnh, đó là tâm trung đạo. Trong phẩm Tựa nói rằng, Đức Phật nói kinh Vô lượng nghĩa xứ nghĩa là tất cả các kinh đều nhắm đến mô tả trạng thái chứng ngộ hay mô tả Diệu Pháp. Trong kinh Bát Nhã nói: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệt phục như thị …”, quán năm uẩn nhằm diễn tả Diệu Pháp. Tất cả kinh điển đều nhắm đến Diệu Pháp, đến trạng thái chứng ngộ. Nói kinh Vô lượng nghĩa xứ xong thì Đức Phật nhập định liền, trạng thái thân tâm bất động. Im lặng tịch tịnh.

Nếu Đức Phật im lặng hoài thì chắc chắn Ngài không truyền đạo được, do đó buộc lòng Ngài phải dùng ngôn ngữ để nói lên nội dung cần truyền đạt, ngôn ngữ đây chỉ là phương tiện. Khi học kinh Pháp Hoa thì cần biết rằng tại sao nên im lặng, người ta có nói gì cũng không sao, rồi chúng ta sẽ thấy được giá trị của sự im lặng.

  • Nhập định.

   Trong kinh mô tả, Đức Phật sau khi nói kinh Vô lượng nghĩa xứ thì Ngài bắt đầu nhập thiền định vô lượng nghĩa xứ, thân tâm bất động, từ giữa hai chặng mày phóng ra một luồng hào quang soi rọi 18 ngàn thế giới về phương Đông, từ địa ngục cho đến cõi Phật.

    + Ánh sáng phóng từ giữa hai chặng mày chỉ cho trung đạo.

    + Tại sao ánh sáng soi rọi về phương Đông mà không về các phương khác? Vì mặt trời mọc ở phương Đông và khi mặt trời mọc thì con người, vạn vật vũ trụ bắt đầu thức dậy cho một ngày mới, nếu hướng về phương Tây thì tất cả đều đang chuẩn đi ngủ. Kinh Pháp Hoa rất hay, về phương Đông là để nói cho người thức tỉnh vì khi thức tỉnh mới có thể lắng tai nghe.

    + Soi rọi 18 ngàn thế giới.

Con số 18? xâu chuỗi tay 18 hạt, chuỗi hạt 108 hạt. Vậy 18 này là cái gì? 18 này chỉ cho 6 căn, 6 trần và 6 thức. Thế giới của con người do mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý tạo nên, do tâm biến hiện. Con người có 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và đối tượng của 6 căn là 6 trần (sắc – thinh – hương – vị – xúc – pháp). Khi mắt (căn) mà thấy sắc  (trần) thì cho ra cái biết của mắt (thức), chính 6 thức này tạo ra thế giới. Thế giới được con người cảm nhận khác với thế giới của con vật, như ban đêm con người không thấy cảnh vật xung quanh, nhưng một số loài vật có thể thấy. Thế giới là do chính các loài tạo nên, do cái tâm của các loài tạo nên. Cũng vì vậy mà ngay trong con người với nhau thì cái tâm của mỗi người mỗi khác, cái tâm ra thế giới cho nên có câu: “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

18 x 1000 = 18.000 thế giới, chỉ sự bao la của vũ trụ.

   + Soi rọi từ địa ngục cho đến cõi Phật.

Địa ngục chỉ cho sự đau khổ và cõi Phật chỉ cho sự an lạc. Hình tượng này cho thấy Đức Phật nhìn cả địa ngục và cõi Phật. Còn chúng sinh thì chỉ thích nhìn cõi Phật, tránh nhìn địa ngục. Tâm lý của chúng sinh thường thiên vị, điều này rất dễ phạm phải cho nên Đức Phật gọi là tà kiến, biên kiến, thiên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ. Con người hay có khuynh hướng đó. Người khác không làm hại gì mình, không đụng chạm gì, tự nhiên mình cũng ghét, ngược lại có những người mình thích nhìn mãi. Con người đau khổ là do vậy. Địa ngục và cõi Phật là tượng trưng cho hai thái cực, Đức Phật nhìn cả hai phía, cái nhìn này gọi là bình đẳng. Khi chúng ta học bài kinh này rồi khi đọc kinh điển Đại thừa thì không còn vướng mắc, nghi ngờ.

Có một loạt các từ giống nhau:

   – Trung đạo chỉ cho chơn đế.

   – Trung đạo chỉ cho bình đẳng.

   – Bình đẳng = Tánh không.

Tóm lại chủ yếu của phẩm Tựa có nội dung: Đức Phật ngồi thiền định và hiện tướng ra cái tâm bình đẳng hay là trung đạo. Đó cũng chính là trí tuệ. Ánh sáng tượng trưng cho trí tuệ. Trong văn hóa của Ấn Độ thì ánh sáng, ngọn đèn là tượng trưng cho trí tuệ. Nội dung chính trong phẩm Tựa là như vậy, phần này có nói thêm nói đến Bồ tát Diệu Quang, Bồ tát Cầu Danh…nhưng nhân vật chính là Đức Phật. Phẩm Tựa chỉ cho mục đích của kinh Pháp Hoa nhằm đưa con người tới chỗ thanh tịnh, trung đạo, bình đẳng, trí tuệ. Đức Phật nhập định, im lặng, một sự im lặng cao quý. Ở phương tây, người ta hướng đến điều này và trong triết học gọi là hố thẳm tư tưởng nhằm chỉ cho trạng thái im lặng. Sự im lặng trí tuệ. Sự im lặng này hấp dẫn trí thức phương Tây của những người tìm cầu về Phật giáo. Một sự im lặng đặc biệt chớ không phải sự im lặng của chúng sinh. Đây là một sự im lặng thật trí tuệ.

   II – Tục đế hay Phương tiện: Từ phẩm thứ 2 đến phẩm thứ 28.

Phần tục đế này bắt đầu bằng học thuyết Nhất thừa và Nhất thừa là một quan điểm độc đáo của kinh điển Đại thừa. Khi nói đến tư tưởng phải nói đến những khái niệm. Khái niệm đầu tiên là nhất thừa, một khái niệm trong kinh Pháp Hoa. Nhất thừa nằm trong tục đế, nằm trong phần ngón tay (ngón tay chỉ trăng/đèn). Tuy nhiên ngài Long Thọ nói rằng, nếu không biết tục đế thì sẽ không biết chơn đế. Cho nên phải phân tích tục đế, phân tích khái niệm này. Giai đoạn này là phải kết bè vì nếu không có bè thì sẽ không qua được bờ bên kia. Nếu không hiểu được khái niệm này thì khó có được tâm an lạc. Đạo Phật là đạo của trí tuệ, khi nói đến trí tuệ là nói đến sự chủ động, không phải bị động. Khi có trí thì sẽ chủ động được trong mọi công việc, còn không có trí tuệ thì sẽ bị nô lệ, bị động, không biết đường đi.

Kinh Pháp Hoa hướng đến trí tuệ. Đức Phật nói rằng Ngài chỉ vì một đại sự nhân duyên xuất hiện ở thế gian là nhằm khai thị ngộ nhập tri kiến Phật (chỉ cho trí tuệ). Đây là minh họa để hiểu thế nào là khai, thị, ngộ, nhập. Giả sử có một cái nhà kho để đựng dụng cụ. Sáng nay mình quyết định đi làm cỏ, cần một cái cuốc. Khi mở cửa kho ra thì gọi là khai, lấy mắt đảo một vòng là thị, thấy cái cuốc nằm ở đó. Đi tới, nhận ra cái cuốc là ngộ, khi tới lấy cái cuốc là nhập. Khi lấy là sở hữu, tất nhiên là phát huy được cái trí tuệ. Kinh Pháp Hoa giúp cho chúng ta đi từng bước, từng bước.

   III – Khái niệm Nhất thừa

Nhất thừa = Ekayàna

Eka là một và yàna là thừa. Kinh Pháp Hoa đề cập đến Nhất thừa và tại sao kinh Pháp Hoa dùng từ này? Trong lịch sử phát triển của đạo Phật, khoảng 100 năm sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, tại Ấn Độ, đạo Phật phân chia 18 hoặc 20 bộ phái/ tông phái. Sự phân chia đã nói lên sự phân hóa, càng ngày càng không hiểu lời Phật dạy trong hàng ngũ đệ tử Phật. Kinh Pháp Hoa xuất hiện vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, giai đoạn Phật giáo bắt đầu phát triển xu hướng Đại thừa. Sự phát triển xu hướng Đại thừa này nhằm cứu vãn sự tồn tại của đạo Phật. Đức Phật xuất hiện trong y phục là y màu vàng như hiện nay, các truyền thống Phật giáo ở Thái lan, Lào, Campuchia, Tích lan…đắp y vàng. Sau khi Đức Phật nhập diệt, chư Tăng dưới hình thức y hậu chỉnh tề như vậy, thích ngồi thiền ẩn dật, họ không nhập thế đi vào xã hội mà thường ẩn cư trên núi. Còn hàng Phật tử ở xã hội muốn tiếp cận chư Tăng rất khó vì Tiểu thừa nghiêm túc về giới luật, điều này dần dần làm cho Phật giáo ngày càng yếu đi. Hàng Phật tử bị Ấn Độ giáo cuốn hút với những nghi lễ phong phú. Còn kinh điển bị hiểu lầm giữa những người cùng tu với nhau. Đứng trước nguy cơ bị diệt vong nên các hàng ngũ trí thức của Phật giáo bắt đầu xướng lên phong trào mới gọi là Đại thừa. Phong trào Đại thừa yêu cầu phải nhập thế để đưa đạo vào đời, không chỉ tu ẩn dật ở trong rừng. Chữ Nhất thừa này xuất hiện vào giai đoạn này, khi xã hội đã có Tam thừa  đó là Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa.

   – Thanh văn thừa hành trì theo giáo lý Tứ đế.

   – Duyên giác thừa tin vào 12 nhân duyên.

   – Bồ tát thừa hành trì theo Lục độ Ba la mật (Bố thí, Trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ).

Trong nội bộ tu tập có sự phân chia, trong hàng ngũ Tăng sỹ có sự không đồng nhất. Nên kinh Pháp Hoa ra đời nhằm thu nhiếp hay dung hòa các tông phái lại với nhau do đó tạo ra Nhất thừa. Nhất thừa trong kinh Pháp Hoa có ý nghĩa gì? Để dễ hiểu, chúng ta có thể hình dung, giống như những con sông ở Mỹ, Pháp, Việt Nam,… dù rằng những con sông đó ở các vị trí địa lý khác nhau nhưng tất cả đều đổ dồn về biển cả; và biển cả chỉ có một vị, là vị mặn.

Kinh Pháp Hoa là một bộ kinh Đại thừa nhưng mà khác với một số kinh Đại thừa khác. Các kinh Đại thừa khác có thể chê bai Tiểu thừa, như bộ kinh Duy Ma Cật rất chê bai Tiểu thừa. Trong hàng ngũ Tăng sỹ cũng có những người chê bai nhau. Ở Việt nam cũng vậy, có những Tăng sỹ Bắc tông và Nam tông chê bai lẫn nhau. Người tu theo nhánh Theravada thì chê Bắc tông là ngoại đạo, ngược lại bên Bắc tông chê Tiểu thừa ăn mặn. Nam tông chỉ cho Phật giáo Nguyên thủy, thuộc tư tưởng bảo thủ, Đức Phật chế như thế nào thì họ tu tập y chang như vậy không có sự linh động. Bắc tông Đại thừa thì sự tu tập rất linh hoạt.

Có  câu chuyện vui:  Một buổi sáng nọ hai tu sỹ vâng lời Sư phụ đi công chuyện. Sau khi ra khỏi chùa một đoạn thì trời mưa. Chùa ở trên núi, trời mưa làm đường đi rất lầy lội nên hai người này núp mưa và rồi bắt đầu đi tiếp. Đi được một đoạn thì thấy một vũng nước lớn và có một cô gái ăn mặc rất lịch sự muốn đi qua. Vị sư huynh thấy vậy mới xăn quần lên rồi khiêng cô gái lội qua bên này bờ. Xong rồi hai huynh đệ này tiếp tục đi, được một lúc thì ông sư đệ chịu không nổi và nói rằng:

   – Huynh không nghe Sư phụ dạy là không được gần gũi phụ nữ sao?

Sư huynh trả lời:

   – Đệ ơi! ta đã thả cô gái lại đằng kia rồi sao ngươi còn mang lại đây nữa.

Một câu chuyện vui  cho thấy rằng có hai quan điểm của hai trường phái khác nhau.

Kinh Pháp Hoa đưa ra thuyết Nhất thừa, quả thật đúng, phân tích về đề tài trong kinh Pháp Hoa:

   – Nhất thừa này chính là Chơn đế.

   – Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát thừa là tục đế, là phương tiện.

Giáo lý Tứ đế, 12 nhân duyên, Lục độ Ba la mật tất cả thuộc Chánh pháp nhưng Đức Phật nói Chánh pháp còn phải bỏ đi vì cũng chỉ là phương tiện. Nên quan niệm Nhất thừa nhằm để thống lĩnh, giúp điều hòa hay thuận nhất để không còn có sự tranh cãi nhau. Tinh thần Pháp Hoa rất hay, Đại thừa nhưng không công kích Tiểu thừa, chỉ nói rằng các pháp cần phải xả bỏ.

Quan niệm của Thanh văn thừa chấp có Niết bàn, chủ trương phá ngã nhưng lại chủ trương có Niết bàn để chứng ngộ. Nghĩa là vô ngã nhưng công nhận có Niết bàn. Kinh Pháp Hoa rất siêu việt nhằm hướng hàng Thanh văn đừng chấp thủ hay bám víu vào Niết bàn. Như trong phẩm Hóa thành dụ, chủ trương của Kinh Pháp Hoa được thể hiện rõ ràng qua đoạn: Dẫn đầu đoàn đi tìm kho báu là một người rất giỏi, sau khi đi như vậy thì họ mệt quá và đoàn này muốn bỏ cuộc, quay về. Ông Trưởng đoàn liền hóa ra ở gần đó có một thành lớn để nghỉ ngơi an ổn và cả đoàn đến đó. Sau khi nghỉ ngơi thoải mái thì ông trưởng đoàn mới cho biết rằng thành này chỉ là hư ảo , kho báu không còn xa nữa, hãy tiếp tục đi.

Ông trưởng đoàn nói kho báu không còn xa nữa, nhưng ông ấy không xác định là kho báu ở vị trí nào. Vì sao? Vì nếu như xác định thì rõ ràng là giống như hàng Thanh Văn. Vì sao Đại thừa không có xác định? Không phải là ba phải, nhưng đúng như lời Phật dạy, tất cả các pháp đều là vô thường, khổ và vô ngã. Pháp đây chỉ cho tất cả các sự vật và hiện tượng. Dù rằng hiện tượng đó là Niết bàn đi nữa thì Niết bàn cũng chịu sự vô thường thay đổi. Người chứng ngộ không bao giờ nói ra là ta đã chứng ngộ. Nếu nói ra thì giống như đạo Lão nói: “Đạo khả đạo phi thường đạo ”, nghĩa là đạo mà có thể nói ra thì không còn là đạo nữa. Tinh thần của Đại thừa là làm mà không làm, tu mà không tu. Ý nói rằng là buông xả không có nắm bắt, chấp thủ.

Khái niệm Nhất thừa chỉ cho chơn đế, còn Tam thừa chỉ cho tục đế hay phương tiện, là ngón tay chỉ trăng (đèn). Vì vậy Phật tử đến chùa có người thế này có người thế kia. Có người thích thiền định, có người thích trì chú, có người thích niệm Phật thì để họ tùy duyên chớ nên phê phán, thắc mắc.

Khái niệm Nhất thừa nói lên bằng ngôn ngữ, diễn tả hai lĩnh vực chơn đế và tục đế. Chỉ diễn tả bằng  ngôn ngữ thôi, nghe xong rồi im lặng, biết chỉ để mà biết. Biết nó chỉ nằm trong phạm vi ngón tay và người biết thì họ không muốn nói. Đức Phật nói: “Ta không có tranh luận với đời mà chỉ có đời tranh luận với Ta”. Ngài thấy được việc tranh hơn tranh thua thuộc về tà. Trong đạo Phật, phương tiện chỉ cho cái thiện còn những cái không thiện thuộc về tà. Chánh pháp còn phải bỏ đi huấn chi là tà pháp. Cho nên một Phật tử chân chính không nên tranh cãi nhau, hiểu được như vậy thì hành xử trong cuộc sống mới vững chắc. Nếu có ai làm tức giận, mình cũng kham nhẫn đó mà kham nhẫn trong ức chế, nhưng khi đã hiểu chánh Pháp thì kham nhẫn đi kèm xả bỏ một cách tự nhiên thoải mái.

HT. Thích Tâm Đức

Nội dung chính
Comments


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *