Phụ Lục
Đức Phật bảo Ca Diếp và các đại đệ tử:
– “ Ca Diếp khéo nói công đức chơn thật của Như Lai, Như Lai còn có vô lượng công đức, các ông không nói hết được. Như Lai là vua của các Pháp, nói không hư dối, phương tiện diễn nói, Pháp Phật nói thảy đều đến bậc Nhất Thiết Trí. Như Lai biết chỗ quy thứ của tất cả Pháp cũng biết rõ tâm sở hành của chúng sanh và ở nơi các Pháp rốt ráo rõ biết hết mà chỉ bày tất cả trí tuệ cho chúng sanh.”
– “ Ca Diếp ! Ví như trong cõi tam thiên đại thiên mưa xuống, các giống cây lớn nhỏ, tùy hạng thượng – trung – hạ mà hấp thu khác nhau. Dẫu rằng một cõi đất sanh, một trận mưa thấm nhuần mà các cỏ cây đều có sai khác.
– Như Lai cũng như thế xuất hiện ở đời, biết căn cơ lợi độn và tâm tánh chúng sanh mà thuyết Pháp vừa sức khiến chúng sanh nghe Pháp rồi hiện đời an ổn, đời sau sanh về chỗ lành, lần lần đều được vào đạo như mây lớn kia, mưa rưới khắp tất cả cỏ cây lùm rừng và các cỏ thuốc, theo giống của mỗi thứ đều được đượm nhuần đầy đủ, đều được sanh trưởng.
– Như Lai nói Pháp một tướng một vị đó là tướng giải thoát – xa lìa – tịch diệt, rốt ráo đến bậc Nhất Thiết Trí. Nếu có chúng sanh nghe Pháp, thọ trì, đọc tụng, tu hành được công đức, tự mình không hay biết như cỏ cây không biết tánh thượng trung hạ của chúng.
– Như Lai nói Pháp một tướng, một vị đó là tướng giải thoát – xa lìa – tịch diệt, rốt ráo Niết Bàn, thường tịch diệt, trọn về nơi Không. Phật xem tâm ưa muốn của chúng sanh mà dắt dìu, không vội nói Nhất Thiết Chủng Trí.
Đức Phật khen ngợi các vị Ca Diếp… vì rõ biết Như Lai tùy cơ nghi nói Pháp.
Kệ kết luận:
Ta dùng các nhơn duyên
Các món thí dụ thảy
Ðể chỉ bày đạo Phật
Ðó là ta phương tiện
Các đức Phật cũng thế
Nay ta vì các ông
Nói việc rất chơn thiệt
Các chúng thuộc Thanh Văn
Ðều chẳng phải diệt độ
Chỗ các ông tu hành
Là đạo của Bồ Tát
Lần lần tu học xong
Thảy đều sẽ thành Phật.
Ghi chú:
Quy thú: Tự khai ra lỗi của mình.
Tâm sở: chỉ các hoạt động của tâm như thọ, tưởng , hành , tham , sân , si , mạn, nghi , tà kiến…
Tam thiên đại thiên (thế giới): núi tu di và 7 đại lục, 8 biển và vòng đai của núi sắt tạo thành 1 tiểu thế giới. 1000 tiểu thế giới tạo thành 1 tiểu thiên thế giới. 1000 tiểu thiên thế giới tạo thành 1 trung thiên thế giới. 1000 trung thiên thế giới tạo thành 1 đại thiên thế giới (bằng 1 tỷ tiểu thế giới). Đại thiên thế giới này do Tiểu thiên thế giới, Trung thiên thế giới và Đại thiên thế giới tập hợp thành, cho nên gọi là Tam thiên đại thiên thế giới. Theo vũ trụ quan trong kinh điển Phật giáo thì Tam thiên thế giới là lãnh vực do một đức Phật giáo hóa (Theo Tự điển Phật học).
Thích Tâm Đức