Phụ Lục
- Giữa tứ chúng, vì các vị Bồ Tát, Đức Phật Thích Ca nói kinh “Vô lượng nghĩa xứ’’ xong liền nhập định vô lượng nghĩa xứ, thân và tâm bất động. Mưa hoa và sáu thứ âm thanh vi diệu xuất hiện, đại chúng cung kính chắp tay trước điềm lành này. Đức Phật phóng hào quang từ giữa lông mày xuyên suốt 18 ngàn thế giới phương Đông, từ địa ngục a tỳ lên đến các cõi trời.
- Bồ Tát Di Lặc (thức phân biệt) hỏi Bồ Tát Văn Thù ( trí tuệ) về tướng lạ của Thế Tôn.
- Bồ Tát Văn Thù nói: Ta từng ở các Đức Phật quá khứ thấy điềm lành này, Phật hiện điềm lành là sắp nói Pháp Đại thừa nghĩa lý sâu xa. Vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp về trước, có Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh nói chánh Pháp ba thời đều lành nghĩa lý rất sâu xa. Tùy căn cơ chúng sanh mà nói: Tứ đế cho Thanh Văn, 12 nhân duyên cho Duyên Giác , 6 ba la mật cho Bồ Tát. Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh khi chưa xuất gia có tám vương tử (đều có chữ Ý sau cùng) tượng trưng cho tám thức. Khi vua cha xuất gia chứng đạo thì tám vương tử cũng xuất gia theo (tám thức biến thành trí). Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh nói kinh và nhập định vô lượng nghĩa xứ, mưa hoa, phóng hào quang giữa chặng mày. Khi đó có 20 ức Bồ Tát (trong đó có Bồ Tát Diệu Quang có 800 đệ tử) muốn biết lý do. Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh từ trong chánh định rồi xuất định, vì Bồ Tát Diệu Quang mà nói kinh Đại thừa tên Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm trong 60 tiểu kiếp mà hội chúng nghe tưởng chừng như trong khoảng bữa ăn. Tiếp theo sau khi thọ ký cho Bồ Tát Đức Tạng xong thì Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh nhập vô dư Niết Bàn.
- Bồ Tát Diệu Quang thọ trì và thuyết giảng Kinh Pháp Hoa trong 80 tiểu kiếp, tám người con vương tử học đạo với Bồ Tát Diệu Quang và đều thành Phật.
- Bồ Tát Cầu Danh (một trong 800 đệ tử của Bồ Tát Diệu Quang) tham ưa danh lợi cũng đọc tụng kinh điển nhưng phần nhiều quên mất, nhưng vì trồng được nhiều căn lành nên sau cũng gặp vô số Đức Phật.
Di Lặc nên biết, Bồ Tát Diệu Quang lúc ấy nay chính là ta và Bồ Tát Cầu Danh nay chính là Ngài đấy. Nay thấy điềm lành này cùng với xưa không khác, cho nên ta xét nghĩ, hôm nay Đức Phật sẽ nói kinh Pháp Hoa.
Ghi chú:
Kiếp: là chỉ khoảng thời gian rất dài, trái với chữ sát na là chỉ khoảng thời gian rất ngắn.
Tiểu kiếp: tuổi thọ con người có 2 định mức thấp nhất là 10 tuổi và cao nhất là 84.000 tuổi. Trong đó từ 10 tuổi cứ 100 năm tăng 1 tuổi, tăng cho đến 84.000 tuổi, rồi lại cứ 100 năm giảm 1 tuổi giảm xuống đến 10 tuổi tương thọ. Trải qua 1 lần tăng, 1 lần giảm như vậy gọi là 1 tiểu kiếp khoảng bằng 16.800.000 năm.
Thích Tâm Đức