Phụ Lục
Có thể nói Duy-ma-cật và Tuệ Trung Thượng Sĩ là hai cư sĩ đặc biệt. Một sự so sánh công đức của hai nhân vật này giúp làm sáng tỏ những vấn đề gì của sự tu tập Phật giáo được thể hiện ở hai nhân cách xa nhau về mặt địa lý và thời gian.
- Cả hai đều là giai cấp quý tộc. Duy-ma-cật là thái tử của bộ tộc S. Licchavi, Ấn Độ vào khoảng thế kỷ I CN. Tuệ Trung Thượng Sĩ là anh ruột Hoàng hậu, sống vào nửa cuối thế kỷ 13. Hai người cách nhau khoảng 13 thế kỷ.
- Cả hai đều là những cư sĩ Phật giáo Đại thừa, chủ trương giác ngộ Phật đạo.
- Tư tưởng của họ thật uyên thâm, thành tựu cứu cánh Phật lý. Tư tưởng thật phóng khoáng, không bị trói buộc vào những điều luật, khái niệm. Họ đã vượt qua những ý niệm phân biệt, chấp ngã, đối đãi của thế gian để sống một cuộc đời trung đạo, tánh không, an nhiên tự tại.
- Không chỉ tự độ bản thân thoát khỏi khổ đau, cả hai còn độ tha, khuyến khích người khác tu tập Phật giáo. Câu chuyện Duy-ma-cật cho thấy, trình độ Phật lý của ông ta đã vượt qua không chỉ thập đại đệ tử thanh-văn nổi tiếng của Phật giáo Nguyên thuỷ mà còn vượt qua cả những hạng bồ-tát sơ cơ; điều này cho thấy ngay trong nội bộ Phật giáo, những người đã thành tựu một số giai đoạn tu tập nhất định nhưng cũng phải không ngừng nỗ lực tiếp tục tu học.
- Cư sĩ Duy-ma-cật thể hiện rõ nét sự bình đẳng giới tính nam – nữ. Ông đã dành riêng một trong mười hai chương quyển sách của mình với tựa đề The Goddess(Thiên nữ) mô tả những khả năng tuyệt vời của nhân vật này, vượt qua cả đệ nhất thanh-văn về trí tuệ là ngài Xá-lợi-phất, và thể hiện những thần thông, chứng đạt không kém gì những bồ-tát thượng căn và Phật. Điều này ta không thấy rõ ở cư sĩ Tuệ Trung.
- Cư sĩ Duy-ma-cật nhập thế đi vào cuộc đời để hoá độ chúng sinh, biến cõi thế gian khổ đau thành cõi Phật, thanh tịnh Phật độ. Cư sĩ Tuệ Trung có khuyên mọi người tu tập nhưng bản thân ông ta rút lui về am thất vui thú điền viên khi tuổi về già.
Thích Tâm Đức