Phụ Lục
Theo bản Đại Chánh (大 正) trong Đại-tạng-kinh (大 藏經) của Trung Quốc, có 5 bộ luật của 5 trường phái Phật giáo như sau:
- Tứ phần luật (四 分 律) của Pháp-tạng-bộ (Dharmagupta)
- Thập tụng luật (十 誦 律) của Nhất-thiết-hữu-bộ (Sarvastivada)
- Giải thoát luật (解 脫 律) của Ca-diếp-di-bộ (Kasyapiya)
- Ngũ phần luật (五 分 律) của Di-sa-tắc-bộ (Mahisasaka)
- Ma ha tăng kỳ luật (摩 訶 僧 祇 律) của Ma-ha-tăng-kỳ-bộ (Mahāsaṅghika)
Mỗi bộ luật bao gồm việc thiết lập và chấm dứt lời thệ nguyện xuất gia của các tăng sĩ. Bộ Tứ-Phần-Luật (四分律), được Phật-đà-da-xá (佛陀耶舍) và Trúc-phật-niệm (竺佛念) dịch sang tiếng Trung Hoa vào năm 410-413 dưới triều đại Dao-tần (遙 頻), có 60 cuốn.
Nguồn gốc của Luật tạng ở Việt Nam không được biết rõ, ngoại trừ khoảng 18 thiền sư biên soạn một số sách Luật tạng, từ Hương-Hải (1628-1715) đến Đôn-hậu (1905-1992). Tuy nhiên, trước đó, vào năm 1322, Thiền phái Trúc-Lâm đã ban hành bộ Tứ-phần-luật cho các tăng sĩ tu học.
Mục đích của Luật tạng hay luật tỷ kheo là hoàn thiện các tỷ kheo trong Tăng đoàn, những người có cả 3 nghiệp – ý, miệng, thân – không tội lỗi và không hành động bất xứng, nghĩa là các tỷ kheo tuân giữ trọn vẹn mọi giới luật của Tăng đoàn và các hành vi của họ. Rồi từ mục đích đó phải có giới hạn (giá) và linh hoạt (khai) với ý nghĩa “hoa sen không bị nước làm ướt” hoặc “tâm không dính mắc vào bất cứ điều gì đến và đi”.
Bộ Tứ-phần-luật bao gồm 7 bài tụng của 7 vị phật – Tỳ-bà-thi (Vipasyin), Thi-khí (Sikhin), Tỳ-diệp-la (Visvabhu), Câu-lưu-tôn (Krakucchanda), Câu-na-hàm-mâu-ni (Kanakamuni, Ca-diếp (Kasyapa), Thích-ca-mâu-ni (Śākyamuni), có 250 giới điều .
250 giới điều được chia thành 8 nhóm như sau:
- KHÍ, Pārājika (ba-la-di, 器), gọi là Bỏ, gồm 4 giới. Với Pārājika, những ai vi phạm 4 giới này sẽ bị mất tư cách tỷ kheo, không còn sám hối hay giải tội gì mà có thể cứu vãn được nữa. 2 giới luật sau đây là ví dụ:
- Giới Đại trộm cắp:
Nếu tỷ kheo ở trong xóm làng hay nơi vắng vẻ, lấy của người ta không cho với ý thức ăn trộm; tuỳ tội lấy của không cho mà bị vua, hay đại thần của vua, bắt, giết, trói, đuổi ra khỏi xứ, mắng rằng anh là giặc, anh ngu si, anh không biết gì, thì phạm ba-la-di của tỷ kheo, không còn được sống chung với chư tăng.
- Giới Đại sát hại:
Nếu tỷ kheo cố ý tự tay sát hại mạng người, hoặc cầm dao đưa cho người, hoặc khen ngợi sự chết, khuyến khích sự chết, rằng quái lạ, anh kia, sống khốn nạn như vậy làm gì, thà chết, đừng sống; với ý thức như vậy mà nghĩ mọi cách để khen ngợi sự chết, khuyến khích sự chết, thì phạm ba-la-di của tỷ kheo, không còn được sống chung với chư tăng.
- TĂNG TÀN, (Saṇghādisesa, tăng-già-bà-thi-sa, 僧殘) gồm 13 giới điều. Những giới điều mà phạm vào thì tư cách tỷ kheo chỉ còn một chút sống thừa, phải được cử tội, xử tội và giải tội bởi 20 vị tỷ kheo là ít nhất mới mong cứu vãn.
Từ nhóm 3 đến nhóm 8 là những giới điều chỉ cần được cử tội, xử tội và giải tội bởi 10 cho đến 1 vị tỷ kheo là tư cách tỷ kheo được cứu vãn.
- BẤT ĐỊNH (Aniyata, 不定) gồm có 2 giới điều. Tuỳ sự tố giác mà định tội danh và xử trị theo 1 trong 3 tội (ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, ba-dật-đề) hay theo 1 trong 2 tội (trừ ba-la-di).
- XẢ ĐỌA (Nisaggiy Pākittiya, ni-tát-kỳ ba-dật-đề, 捨墮) có 30 giới điều. Xả thí những vật dụng dư thừa rồi sám hối, nếu không thì sẽ bị đoạ lạc ác đạo.
- ĐỌA hay Ba-dật-đề (Pākittiya, 墮) gồm 90 giới điều. Người vi phạm, không sám hối trước chư tăng, sẽ bị đoạ vào ác đạo.
- HỐI QUÁ (Pātidesaniya, ba-la-đề-xá-ni, 悔過) có 4 giới điều. Những giới điều mà phạm vào chỉ cần sám hối với 1 tỷ kheo khác.
- HỌC PHÁP (Sekhiya, 學法) gồm 100 điều, tỷ kheo cần phải học.
- DIỆT TRÁNH (Adhikaraṇa-samatha, 滅諍), có 7 cách diệt trừ tranh cãi trong chư tăng: đáng cho hiện tiền giới, cho ức niệm giới, bất si giới, tự nói xử trị, cho xét tìm tội tướng, cho nhiều người xét tìm, cho như cỏ che đất.
250 giới điều này liên hệ đối với những vi phạm sau[1]:
- Dâm: 1/1, 2/1-5, 3/1-2.
- Đạo: 1/2, 4/30.
- Sát : 1/3, 5/19, 5/61-62.
- Vọng: 1/4, 2/8-9, 5/1-3, 5/7-8, 5/12-13, 5/68, 5/80.
- Cụ: 4/11-17, 5/87.
- Học luật: 5/71-73, 5/75-76.
- Phật: 7/60-85.
- Ăn: 5/31-35, 5/37-42, 6/1-4, 7/26-46.
- Tín đồ: 2/12, 7/3-25, 7/48.
- Diệt tránh: 8/1-7.
- Thuyết pháp: 7/52-59, 7/86-92, 7/96-100.
- Tỷ kheo ni: 5/21-29.
- Nữ nhân: 5/4, 5/9, 5/30, 5/43-45.
- Cư xử trong chư tăng với nhau: 4/25, 5/14-17, 5/36, 5/46, 5/53, 5/55, 5/58-59, 5/63-64, 5/66, 5/69-70, 5/74, 5/77-79.
- Rượu: 5/51.
- Người chưa thọ đại giới: 5/5-6, 5/65.
- Sự phá tăng: 2/10-11.
- Sự ngoan cố: 2/13, 5/54.
- Bát: 4/21-22, 7/95.
- Linh tinh: Của và của báu (4/18-20, 5/82); làm phòng nhà (2/6-7, 5/20); thuốc (4/26, 5/47); đào đất (5/10); chặt cây (5/11); giường nằm (5/18, 5/84-85); đùa giỡn (5/52, 7/93-94); đốt lửa (5/57); quân đội (5/48-50); giặc (5/67); vua (5/81); đi không phải lúc (5/83); làm ống kim (5/86); tắm (5/56); vệ sinh (7/47, 7/49-51).
Các hoạt động của đức Phật và Tăng đoàn là để tránh những điều xấu xa và bất thiện. Trong 12 năm đầu truyền bá của đức Phật, không có gì sai trái, và các tăng sĩ lúc bấy giờ được gọi là “Vô sự tỷ kheo” (các tăng sĩ vô nhiễm), những người luôn giữ trong sạch 3 nghiệp thân, khẩu và ý. Nhưng tình hình đã thay đổi sau đó. Và, một khi điều ác hoặc điều bất thiện xảy ra, Đức Phật đã ban hành giới luật cho điều đó. Ví dụ, có một nhóm gồm 6 nhà sư xấu xa, tên là – 1. Nanda (Nan đà), 2. Upananda (Bạt nan đà), 3. Udayin (Ca lưu đà di), 4. Chanda (Xa nặc), 5. Asvaka (A thuyết ca, A thấp bà, Mã túc or Mã sư), 6. Punarvasu (Phất na bạt, or Mãn túc) – những kẻ đã hành hung và đánh 17 nhà sư khác vì một số vấn đề liên quan đến chỗ ở; sau đó, đức Phật ban hành giới luật “không được hành hung”. Tuy nhiên, một giới điều có giới hạn riêng của nó (giá) và tính linh hoạt (khai). Và cơ sở của giới luật là “biết đủ.”
Và, 250 giới điều của tỷ kheo được truyền như thế nào? Trong một buổi lễ phải có 10 vị thầy truyền 250 giới cho một vị tân tỷ kheo. Sau đó, vị tân tỷ kheo phải được hộ trì, giám sát, được cử tội, xử tội và giải tội bởi chính những vị tỷ kheo khác mà trong đó có các vị thầy đã truyền thọ. Tùy theo giới đã vi phạm mà phải sám hối trước từ 1 đến 20 tỷ kheo khác. Trong khi đó, không cho phép một sa di đọc giới luật của tỷ kheo trước khi giới luật sẽ được truyền cho vị ấy. Nhận 250 giới điều của tỷ kheo có nghĩa là được tái sinh thêm một lần nữa, sinh ra giới thân huệ mạng (戒 身 慧命, śīla-skandha prājña-jīva) là nền tảng của trí tuệ và sự giải thoát.
Vào nửa tháng, ngày 15 và 30 âm lịch, các tăng sĩ ở Việt Nam phải tụng 250 giới một lần để Phật pháp trường tồn.
Nếu các tăng sĩ không tuân giữ Luật tạng, không thực hiện lễ Uposatha[2] và đọc tụng Pāṭimokkha[3] thì giống như mặt trời lặn, cả thế giới sẽ trở nên mù mịt. Vì vậy, hãy cố gắng tuân giữ Luật tạng.
Thích Tâm Đức
[1] Tử số/mẫu số: tử số chỉ cho số Nhóm, mẫu số chỉ cho số thứ tự vi phạm thuộc Nhóm.
[2] một nghi lễ giảng giải giới luật
[3] những giới điều cho mục tiêu giải thoát