Triết lý Kinh Pháp Hoa

Nội dung chính
Comments

Phụ Lục

Một bộ kinh Đại thừa Phật giáo – được dịch thành nhiều thứ tiếng, được nhiều học gỉa nghiên cứu, được tụng đọc bởi nhiều người ở các nước Đông Á và là nền tảng của nhiều tông phái Phật giáo nổi tiếng ở Trung Hoa và  Nhật Bản – đó là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh hay nói ngắn gọn là Pháp Hoa.

Kinh Pháp Hoa chứa đầy những khái niệm, hình ảnh, hoạt cảnh và thí dụ sống động. Tuy nhiên, tất cả chúng đều nhắm đến trạng thái giác ngộ bí ẩn của Đức Phật ở nơi Phẩm Tựa, là trạng thái được gọi là Pháp hay Diệu Pháp. Đây cũng là nguồn cảm hứng vô  tận cho nhiều học giả và độc giả qua mọi thời đại.

Nhất thừa (Ekayāna): Một khái niệm của Kinh Pháp Hoa là Nhất thừa. Vào thời gian Kinh được biên soạn thì đã có mặt những danh xưng A la hán, Duyên giác và Phật. Phần đông đi theo con đường A la hán. Có lẽ, thảng hoặc đâu đó có một vài vị Duyên giác, trong khi thật hiếm thấy những chúng sinh như Cồ đàm Tất đạt đa thành Phật. Người ta đồng ý rằng, những tính cách của những vị này khác nhau, Đức Phật thì chắc chắn có nhiều khía cạnh ưu việt nhất, nhưng tất cả đều thật sự giác ngộ và sau khi nhập Niết bàn không còn tái sanh nữa. Tuy nhiên, chúng ta thấy trong Kinh Pháp Hoa, có một sự hạ thấp dần dần địa vị của A la hán, Duyên giác mà lại nâng cao địa vị Phật và sự chứng ngộ của ngài. Và Kinh Pháp Hoa biểu thị đỉnh cao của tiến trình này. Trong thực tế chỉ có Nhất thừa, chỉ một đạo lộ dẫn đến mục tiêu tối hậu là Phật, mà không phải là ba; nếu có chăng thì họ cũng chỉ khác nhau ở một vài phẩm hạnh.[1] Nhất thừa này là Phật thừa tối hậu. Giống như Phật ưu việt hẵn khi so với A la hán và Duyên giác, cũng vậy, tối hậu là Nhất thừa đưa đến địa vị Phật toàn mãn. Tất cả đều sẽ  thành Phật và học thuyết Tam thừa trong thực tế chỉ là phương tiện của Đức Phật (upāya-kauśalya):

“Này Xá Lợi Phất (Śāriputra), Ta là thế này. Khi biết chúng sinh có nhiều loại dục vọng và tham đắm trần gian; và dựa vào bản chất của chúng cũng như bằng phương tiện quyền xảo với nhiều thí dụ, ẩn dụ Ta thuyết giảng Chánh pháp cho chúng. Này Xá Lợi Phất, Ta làm điều này chỉ vì để chúng có được Nhất Phật thừa và Nhất thiết trí. Này Xá Lợi Phất, trong mười phương thế giới không có ngay cả hai thừa. Huống nữa là có ba!”[2]

Tánh Không (Śūnyatā): Tánh không hay không tự tánh là tư tưởng trung tâm của triết lý Trung quán. Nó quan trọng đến độ là hệ thống này thường được biết là Tánh không luận, nghĩa là, triết lý chủ trương tánh không như là đặc điểm của Thực tại. Theo Đức Phật, thế giới là không, và không là không có ngã hay ngã thuộc. Và ý niệm tánh không này được phát triển thêm bởi Long Thọ, người đã đồng hoá tánh không với duyên sinh (pratītyasamutpāda). Do vậy, việc hiểu đúng về tánh không sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong việc hiểu Kinh Pháp Hoa. Mục đích của Pháp Hoa là khai thị Phật tri kiến (Buddhajñāna)[3] hay Nhất thừa và chấm dứt sự phân biệt tất cả các Pháp (sự vật, hiện tượng)[4] vì chúng là vô ngã (nairātmya), vô tự tánh (niḥsvabhāvatā ), tánh không.

“Các Phật lưỡng túc tôn

Biết pháp thường không tánh

Giống Phật theo duyên sanh:

Cho nên nói Nhất thừa.”[5]

Một trong ba điều kiện thiết yếu để trở thành một vị giảng sư Pháp Hoa là ngồi toà Như lai (Tathāgata). Nhưng “Toà Như lai chính là Nhất thiết pháp không.”[6]

Tánh không trong Kinh Pháp Hoa được mô tả bởi những hình tượng “hư không” hay “giữa hư không”. Trong Chương XVI “Hiện Bảo Tháp”, Phật Thích Ca (Śākyamuni), dùng sức thần thông tiếp hàng đại chúng đều ở hư không và do vậy mà có thể thấy cả hai vị Phật, Thích Ca  và Đa Bảo (Prabhūtaratna) trong bảo tháp. Và chỉ lúc đó Phật Thích Ca mới nói rằng:

“Ai có thể ở trong cõi Ta bà (Sahā) này rộng nói Kinh Diệu Pháp Liên Hoa? Nay chính là phải lúc!”[7]

Vâng, chỉ khi nào người ta nhận ra tánh không của tất cả các pháp lúc ấy họ mới hiểu rốt ráo ý nghĩa của Kinh Pháp Hoa. Và, cũng cần chú ý rằng, tánh không của Kinh Pháp Hoa cũng là tánh không của Đại thừa (Mahāyāna) không phải của Tiểu thừa (Hīnayāna).

“Những vị mà trước kia là Thanh văn ở giữa hư không nói hạnh Thanh văn nay đều tu hành ‘nghĩa không’ của Đại thừa.”[8]

Chân Như (Tathatā hay Bhūtatathatā): Chân như là Như thị, nghĩa là, đúng như bản chất của nó là. Đó là thực tại tương phản với bất thực hay tướng mạo, và bất biến hay không đổi tương phản với hình dáng và hiện tượng. Nó tương tự như đại dương tương phản với những cơn sóng. Nó là một thực tại thường hằng, khách quan, không đổi thay ở bên dưới mọi hiện tượng. Ý niệm chân như làm nền tảng cho triết lý, ám chỉ nguồn tuyệt đối hay tối hậu của mọi hiện tượng. Nó là Toàn thể. Nó được đồng hoá với nhiều ý niệm Đại thừa:

“Như thị (Bhūtatathatā), nguyên lý tối hậu của hiện hữu, được biết bởi nhiều tên gọi khác nhau, khi nó được nhìn ở nhiều giai đoạn khác nhau của biểu hiện của chúng. Như thị là Phật tánh vì nó thiết lập Phật lý; nó là Pháp khi nó được xem là quy tắc của hiện hữu; nó là Bồ đề (Bodhi) khi nó là nguồn gốc của trí thông minh; Niết bàn (Nirvāṇa) khi nó mang lại sự bình yên vĩnh cửu cho một tâm hồn bị phiền toái bởi vị kỷ và tham dục; Bát nhã (Prajñā) khi nó hướng dẫn một cách thông minh tiến trình của tự nhiên; Pháp thân (Dharmakāya) khi nó được xem một cách tôn kính, là suối nguồn của tình yêu và trí tuệ; Bồ đề tâm (Bodhicitta) khi nó có được sự tỉnh thức tôn giáo; Tánh không khi nó được xem là siêu việt mọi hình thức riêng biệt; Chí thiện (Kuśalaṃ) khi giai đoạn đạo đức của nó được nhấn mạnh; Chân đế (Paramārtha) khi nó ở trên sự một chiều và giới hạn của từng cá nhân; Bản tế (Bhūtakoti) khi khía cạnh bản thể cúa nó được đề cập; Như lai tạng (Tathāgatagarbha) khi nó được liên tưởng đến đất mẹ, ở đó mọi chủng tử của đời sống được lưu chứa, và ở đó tất cả đá và kim loại quý được che giấu dưới nắp đậy bẩn thỉu.”[9]

Trong Kinh Pháp Hoa, chính Đức Phật mới có thể liễu tri thực tại của tất cả các pháp:

“Liên quan đến pháp khó hiểu, ít có, thứ nhất mà Phật trọn nên đó, chỉ có Phật và Phật mới có thể liễu tri tướng chơn thật của các pháp, ấy là: pháp như vậy, tướng như vậy, tánh như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhơn như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy,  và trước sau rốt ráo như vậy.”[10]

Trên thế gian chỉ có hai điều cần biết: người và vật. Người nào thể nhập hai loại tánh không này thì nhận biết Như thị một cách rốt ráo, điều này có thể được minh hoạ với hình ảnh bông sen không tách rời bùn. Sự nhận biết này được mô tả là không tham đắm vào hai thái cực, như là Niết bàn (nirvāṇa) và luân hồi (saṃsāra), vì nhận rõ nội tại của chúng không khác biệt. Sự không chướng ngại được mô tả như là nhất thiết trí của Như lai (Tathāgata); đó là sự am hiểu tất cả lĩnh vực và tất cả pháp, trên cả hai lĩnh vực thế gian và những cấp độ siêu thế.

Bình đẳng (Samatā): Bình đẳng có nghĩa là giống nhau, một cảm nghĩ về cái Một cho tất cả, không có sự chia cắt, bình đẳng, thanh tịnh. Đặc biệt là chỉ cho Đức Phật trong thái độ rộng mở, vô tư, và như nhau của ngài đối với  tất cả chúng sinh.

Theo Đại thừa, các pháp không phải là những thực tại tối hậu chút nào mà chỉ là những hiện tượng. Ngài Long Thọ đã chỉ ra rằng, ngay cả cái gọi là pháp hữu vi (saṃkṛta) và pháp vô vi (asaṃskṛta) đều do duyên sinh và do vậy có tính tương đối. Vì tương đối, chúng là tánh không (śūnya), do vậy tất cả có bản tánh giống nhau (samatā). Sự giống nhau của các pháp ở trong Kinh Pháp Hoa được so sánh với nhiều cái bình được làm bởi cùng một loại đất sét. Và, trong một nghĩa náo đó, Bình đẳng được đồng hoá với Pháp thân (Dharmakāya), Nhất thừa (Ekayāna) hay Phật thừa (Buddhayāna):

“Ồ Ca Diếp (Kāśyapa), giống như người làm nhiều cái bình cùng với một loại đất sét. Trong số chúng, có cái dùng để đựng đường, có cái để đựng bơ tinh chế, có cái để đựng sữa đông hay sữa, trong khi có cái để đựng những vật dơ dáy xấu xí; và giống như không có sự khác biệt trong đất sét, mà đúng ra được xem là có sự khác biệt giữa những cái bình khi dựa vào những đồ vật đặt ở bên trong chúng; cũng cách này, Ồ Ca Diếp , có cái này và chỉ một thừa thôi, tức là, Phật thừa. Không có hai cũng không có ba.”[11]

Bình đẳng cũng được diễn tả trong tánh khí, giới tính (Phẩm XXII), v.v… Phẩm này giải thích thuyết Nhất thừa trong ý nghĩa nhìn những vật có tính nhị nguyên trong thế gian, như là, tốt – xấu, đàn ông – đàn bà, … với cái nhìn giống nhau và không phân biệt, vì bản chất của chúng là tánh không. Như được đề cập ở trên, theo quan điểm của Tiểu thừa, những ai vi phạm năm trọng tội và những ai là nữ thì không thể chứng được Phật quả. Trong tiền kiếp, Đức Phật phát nguyện tự phục vụ cho bất kỳ ai có thể dạy cho ngài pháp Đại thừa. Cuối cùng, có một ẩn sĩ hứa khả dạy cho ngài Kinh Pháp Hoa. Vị ẩn sĩ đó trong kiếp hiện tại không ai khác hơn là Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), người anh em họ của Đức Phật, người làm thân Phật chảy máu, và là người phá sự hoà hợp của Tăng đoàn. Đề Bà Đạt Đa bất thiện ấy trong thực tế là người bạn tốt nhất của Đức Phật. Nhờ có Đề Bà Đạt Đa mà Đức Phật đã có thể thực hành suốt đời ngài nhiều công đức, đặc biệt là kham nhẫn. Đó là lý do tại sao Đề Bà Đạt Đa được thọ ký sẽ thành Phật!

Không chỉ có những người ác mà ngay cả những người khác luôn bị Tiểu thừa phân biệt như là người nữ do thân cấu uế cũng được đề cao bởi Kinh Pháp Hoa. Long Nữ xuất hiện, mới có tám tuổi. Cô ta đã trở thành một vị Bồ tát biện tài vô ngại trong phút chốc do sự giáo hoá của Văn Thù (Mañjuśrī), một Bồ tát thần thông khác. Với thần thông của mình, Long Nữ – trước sự chứng kiến của Xá Lợi Phất – trong phút chốc biến thành người nam và thành Phật!  

Abhayākaragupta, một trong những Đại sư Phật giáo Ấn Độ sau cùng, viết rằng:

“Thuyết Nhất thừa (Ekayāna) thật ra được đặt nền tảng trên sự thống nhất tri kiến về thực tại (tattvajñāna), nó chỉ có ‘đối tượng’ là một thực tại (tattva) hay pháp giới (dharmadhātu) bình đẳng ”.[12]

Sự bình đẳng hay đồng nhất, bất nhị, không khác biệt của tất cả các pháp cũng được diễn tả bởi Long Thọ khi ngài đề cập về mối liên hệ giữa niết bàn và luân hồi:

Na saṃsārasya Nirāṇāt kimcid asti viśeṣaṇaṃ

Na Nirvāṇasya saṃsārāt kimcid asti viśeṣaṇam[13]

[Không có gì của thế giới hiện tượng (saṃsāra hay luân hồi) khác với niết bàn (Nirvāṇa), không có gì của niết bàn khác với thế giới hiện tượng]

Niết bàn (Nirvāṇa): Niết bàn hay giải thoát, như được mô tả trong Kinh Pháp Hoa, là mục đích hay hay tối hậu duy nhất, Niết bàn hằng tịch tĩnh được đồng hoá với Nhất thiết trí và tánh không.

“Pháp đó thuần một vị,

Giải thoát Niết bàn thôi.”[14]

“Cũng vậy, Pháp do Như lai thuyết giảng chỉ có một tướng, một vị, nghĩa là: Tướng giải thoát, tướng xa lìa, tướng diệt, rốt ráo đến bực ‘Nhất thiết chủng trí”.[15]

“Đức Như lai biết pháp một tướng, một vị ấy, nghĩa là: Tướng giải thoát, tướng xa lìa, tướng diệt, tướng rốt ráo Niết bàn thường tịch diệt, trọn về nơi tánh không.”[16]

Trong Phẩm VII của Kinh Pháp Hoa “Hoá thành dụ”, hai Niết bàn của Thanh văn và Duyên giác (được ví với thành phố hoá hiện giữa đường) là hư huyễn, chúng chỉ là phương tiện của Đức Phật để phù hợp với căn tánh thấp kém của chúng sinh – không thể hiểu trực tiếp những lời dạy thâm sâu và nan giải của Phật thừa:

“Chỗ tu của các ông chưa xong, chỗ chứng của các ông chỉ mới gần trí huệ của Phật. Phải quan sát, suy lường Niết bàn đã đặng đó chẳng phải chơn thật vậy.”[17]

Do vậy, chỉ có một Niết bàn tuyệt đối, hằng tịch tịnh.

Niết bàn, trong Kinh Pháp Hoa, được mô tả là Nhất thiết trí. Nhất thiết trí hay trí biết tất cả theo Đại thừa, là sự nhận thức không chướng ngại, biết một cách đúng đắn mọi khía cạnh của đời sống, trong tất cả chi tiết của nó. Tuy nhiên, hiện tượng giới do duyên sinh. Do duyên sinh nên nó không phải là thực hữu; vì thế, nó là tánh không. Một tâm thức giới hạn không thể hiểu hoạt động của một trí tuệ vô hạn. Thực tế thì những ý tưởng của Đức Phật hoàn toàn khác với những ý tưởng của chúng ta về chất. Chúng hẳn là những ý tưởng “Tuyệt đối” có tính siêu việt và chấm dứt tham đắm vào những sản phẩm của tâm. Và, chỉ có tánh không siêu việt mọi pháp thế gian mới có thể cho chúng ta một Tuệ nhãn về thực tại. Mọi ngữ ngôn cung cấp chúng ta một cái nhìn sai lệch về thực tại; chúng chỉ là sản phẩm của tâm. Do vậy, người ta cần có một tuệ quán về tánh không, không phải chỉ nhiệt tình chấp nhận nó cũng không phải bằng luận chiến mà bằng thiền quán về nó, về sự vắng mặt tính thực ngã trong các pháp. Theo Đại thừa, những pháp như luân hồi và niết bàn, hữu vi hay vô vi, đều không phải là những thực tại tối hậu chút nào cả mà chỉ là những sản phẩm của tâm và vì vậy là không tánh. Sau cùng, người ta phải từ bỏ chính tánh không cũng như từ bỏ chiếc bè để vượt qua biển vô minh. Tánh không là một phương tiện dẫn đến prajñā (Bát nhã hay tuệ quán siêu việt) và nó không nên được xem là mục đích. Ngài Long Thọ nói:

Śūnyatā sarvadrṣṭīnām proktā nihsaraṇam jinaih

Yeśām tu śūnyatā drṣṭistan asādhyān babhāṣireh.”[18]

(Đức Phật tuyên bố tánh không nhằm xoá bỏ mọi quan điểm hay ‘chủ nghĩa’. Những ai hoán đổi chính tánh không thành một ‘chủ nghĩa’ thì thực không còn hy vọng hay cứu giúp)[19].

Chân đế (Paramārtha satya): Theo Long Thọ, có hai loại chân lý – Chân đế (Paramārtha satya) và Tục đế (Samvṛti satya hay hiện tượng). Theo ngài thì Chân đế siêu việt cả ý và lời. Hữu (bhāva) và phi hữu (abhāva) đều không thể áp dụng được. Ngài lập luận sự bất khả thi của những khái niệm này:

Bhāvastāvat na nirvāṇam jarāmaraṇalakṣaṇam

Prasajyetāsti bhāvo hi na jarāmaraṇam vinā.”[20]

(Niết bàn hay Chân đế không thể là một hữu (bhāva), vì trong trường hợp này nó không chịu sự sinh, già, và chết; không có hiện hữu thế gian nào thoát khỏi già và chết. Nếu nó không thể là hữu thì nói gì nó là phi hữu (abhāva), vì phi hữu chỉ là một khái niệm tương đối dựa vào khái niệm hữu).

Và, hiểu hai chân lý là một điều rất quan trọng; nếu không, người ta không thể hiểu lời dạy của Đức Phật:

Ye nayorna vijñānanti vibhāgam satyayordvayoḥ

Te tattvam na vijñānanti gambhiram Buddhaśāsana.”[21]

(Ai không phân biệt được hai chân lý này thì không thể hiểu ý nghĩa sâu xa lời Phật dạy)

Tục đế (Samvṛti) là phương tiện (upāya) nhằm đạt đến đích (upeya) Thực tại, Long Thọ nói:

Vyavahāramanāśritya paramārtho na deśyate

Paramārthamanāgamya nirvāṇam nādhigamyle.”[22]

(Không nhờ Tục đế thì Chân đế không thể được trình bày. Không biết Chân đế thì không thể chứng Niết bàn)

Trong Phẩm XVI của Kinh Pháp Hoa, nhị đế được diễn tả ngang qua: i) lời dạy của Đức Phật, và ii) thí dụ “Những cuồng tử của lương y”.

  1. Đức Phật nói rằng, thiệt ra từ khi thành Phật đến nay đã vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức na do tha kiếp (asaṃkhyeya-kalpas), thường còn, chẳng mất, siêu việt cả không gian và thời gian, hiện ra vô số thân ở mọi tình huống nhưng tất cả chỉ vì một mục đích duy nhất, ấy là, giải thoát chúng sinh khỏi khổ đau. Nhưng, nếu Đức Phật sống lâu trên trần gian thì những chúng sinh phước mỏng sẽ không trồng cội lành; trong khi những kẻ hạ liệt sẽ tham đắm vào ngũ dục và sa vào lưới hý luận, vọng tưởng và tà kiến. Vì thế, Đức Phật phương tiện hiện hình thành Phật Thích Ca lịch sử có sinh tử.
  2. Ví như có một lương y giỏi, thiện xảo, khéo chế các dược thảo trị được nhiều căn bịnh. Khi ở xa về, vị lương y thấy những đứa con mình đang bị ngộ độc, đứa thì trầm trọng, đứa thì nhẹ. Những đứa nhẹ thì dùng thuốc của cha, những đứa nặng thì không. Rồi người cha đã dùng phương tiện để dụ chúng dùng thuốc. Tức thì người cha nói với con rằng, nay cha đã già yếu, sắp chết, thuốc hay cha đã để đó cho mấy con dùng, không sợ không khỏi bịnh. Sau khi căn dặn, vị lương y lại đi đến nước khác và nhắn tin về nhà rằng mình đã chết. Những đứa con tự nghĩ rằng, từ nay trở đi, đã trở thành côi cút, không còn ai để nương tựa nên rất sầu khổ. Nhưng chỉ cuối cùng, khi tĩnh ra và cảm nhận được hương vị thơm ngon của thuốc, chúng liền uống và mọi chất độc cùng bịnh tật đều được chữa khỏi.

Trong Phẩm này, Kinh Pháp Hoa cho một ngụ ý về hai chân lý: i) Tục đế hay hiện tượng (được minh hoạ bằng Phật Thích Ca lịch sử và người cha chết), và ii) Chân đế hay Thực tại tuyệt đối (được minh hoạ với tuổi thọ vô lượng của Như lai và người cha vẫn còn sống). Vì trình độ của chúng sinh còn thấp, bằng phương tiện quyền xảo, đã nói với chúng sinh về Tục đế, tức là, Tam thừa. Thật ra, theo Kinh Pháp Hoa, chỉ có Nhất thừa, tức là, Thực tại tuyệt đối, thực và thường hằng.

Trung đạo (Madhyamāpratipad): Trong bài pháp đầu tiên, Chuyển động bánh xe pháp (Dhamma-cakkappavattana Sutta), cho năm vị ẩn sĩ tại Sa Nát (Sārnāth), Đức Phật nói rằng, Chân lý không nằm ở hai thái cực mà nằm ở Trung đạo:

“Một thời Thế Tôn ở tại Ba la nại (Vārāṇasī) ở vườn nai gọi là Chư thiên đoạ xứ (Isipatana) hay Sārnāth ngày nay. Ngài dạy năm vị tỷ kheo rằng, có hai thái cực không thích hợp với người du sĩ (người tìm cầu chân lý). Một là tìm cầu dục lạc khởi lên từ dục vọng … Hai là tìm cầu (tự hành hạ) khổ hạnh … Con đường Trung đạo của Như lai là tránh hai thái cực này. Nó đưa đến giác ngộ, chánh trí (về Tứ Diệu Đế) và dẫn đến an lạc, Niết bàn …”[23]

Trong Kinh Pháp Hoa, Trung đạo được minh hoạ bằng “hào quang phát ra từ bạch hào giữa đôi chân mày của Đức Phật”. Hào quang chỉ cho Tri Kiến Phật (Buddhajñāna), đôi chân mày chỉ cho hai thái cực, và bạch hào giữa hai chân mày chỉ cho Trung đạo.

Ngay từ Phẩm Tựa của Kinh Pháp Hoa, được nói rằng, sau khi giảng Kinh Đại thừa có tên Vô lượng nghĩa thuyết (Anantanirdeśa), Đức Phật nhập thiền quán thậm thâm  gọi là Vô lượng nghĩa xứ định (Anantanirdeśapratiṣṭhānasamādhi), thân tâm bất động, lúc ấy khăp thế giới và vũ trụ biểu lộ sự tán thán và vui mừng. Rồi ngài từ bạch hào giữa hai chân mày phóng một luồng hào quang chiếu khắp mười tám nghìn thế giới ở phương Đông. Bồ tát Di Lặc (Maitreya) hỏi Bồ tát Văn Thù (Mañjuśrī ) về hiện tượng lạ ấy và biết rằng, Đức Phật sắp giảng Đại Pháp (Kinh Pháp Hoa).

Lý do tại sao Đức Phật không biểu lộ Tuyệt đối bằng ngôn ngữ mà bằng thiền định, vì rằng, ngôn ngữ là biểu hiện lời nói thuộc ý tưởng lưỡng phân hay ý tưởng cấu thành. Nguyệt Xứng (Candrakīrti ) nói rằng:

Paramārtho hi āryāṇām tūṣṇīmbhāvaḥ[24]

(Đối với bậc thánh, Tuyệt đối thì chỉ có im lặng, nghĩa là, không thể diễn tả được).

Do vậy, ngoài sự tôn kính từ chúng sinh, Kinh Pháp Hoa còn tự xưng là “Vua của tất cả các kinh (sūtras )”.  Điều này không có nghĩa là vua của các kinh theo nghĩa đen, mà có nghĩa là Thực tại tuyệt đối không thể được diễn tả đã được Đức Phật chứng ngộ và từ đó mọi diễn tả bằng lời hay kinh điển được hình thành.

Thích Tâm Đức

————–

[1]   Leon Hurvitz, Scripture of the Lotus Blossom of the Fine Dharma, translated from the Chinese of Kumārajīva, Newyork: Columbia University Press, 1976, tr. 41.

[2]   Ibid., p. 31.

[3]   Ibid., p. 30 “The Buddha says all the Buddhas appear in the world only because they wish the worldly beings to hear, to be demonstrated, to understand, and to enter into the path of the Tathāgatajñāna.”

[4]   Dharma has several meanings, e.g., law, truth, methods of cultivation, things, events.

[5]   Leon Hurvitz, Opcit., p. 41.

[6]   Ibid., p. 180.

[7]   Ibid., p. 188.

[8]   Ibid., p. 198.

[9]   D. T. Suzuki, Outline of Mahayana Buddhism, NY., 1963, pp. 125-126.

[10] Leon Hurvitz, Opcit., pp. 22-23.

[11] Ibid., p. 110.

[12] Munimatālaṃkāra, Tibetan Tripiṭaka, fol. 186b-187a.

[13] Madhyamakakārikā, 25, 19.

[14] Leon Hurvitz, Opcit., p. 106.

[15] Ibid., p. 102.

[16] Ibid., p. 103.

[17] Ibid., p. 149

[18] Madhyamakakārikā 13, 8.

[19] Madhyamakakārikā 13, 8.

[20] Ibid., 25, 4.

[21] Ibid., 24, 9.

[22] Ibid., 24, 10

[23] Saṃyutta-nikāya V, 421ff.

[24] Prasannapadā, p. 19

Nội dung chính
Comments


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *