Phật giáo và ngày quốc tế phụ nữ 08-03

Nội dung chính
Comments

Phụ Lục

Ngày Quốc tế Phụ nữ hay còn gọi là Ngày Liên Hợp Quốc vì Nữ quyền và Hòa bình Quốc tế được tổ chức vào ngày 8 tháng 3 hằng năm do Liên Hợp Quốc chính thức hóa từ năm 1977.

Lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 28 tháng 2 năm 1909 tại New York, Mỹ do Đảng Xã hội Mỹ đề xướng. Sau đó, một cuộc biểu tình nhân ngày Phụ nữ vào ngày 8 tháng 3 năm 1917 tại Petrograd, Đế quốc Nga đã làm dấy lên cuộc Cách mạng Nga 1917 thành công. Và Liên bang Xô viết tuyên bố ngày này là ngày nghỉ quốc gia kể từ năm 1917, sau đó ngày lễ này chủ yếu được tổ chức trong các nước thuộc phong trào Xã hội Chủ nghĩa và các nước Cộng sản cho đến khi được Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 1977.

Qua thông tin trên cho biết mãi đến thế kỷ 20 nhân loại mới quan tâm đến Nữ quyền hay Quyền bình đẳng giới!

Thế nhưng, cách nay khoảng 25 thế kỷ, Phật giáo Nguyên thuỷ đã công nhận Nữ quyền với hình thức Tỳ kheo ni (bhikkhunī) trong tăng đoàn. Vị ni đầu tiên vinh hạnh được đức Phật truyền Đại giới với câu nói “Ehi bhikkhunī” (Này Tỳ-kheo-ni, hãy đi đến) là Bhaddā Kuṇḍalakesā.

Khoảng 5 thế kỷ sau đó, tức đầu Công nguyên, Phật giáo Đại thừa cũng thế, cũng tôn trọng Nữ giới. Trong Kinh Duy-ma-cật “The Holy Teaching of Vimalakīrti” gồm có 12 chương, chương 7 đã ca ngợi vị thiên nữ tài-đức, tự độ – độ tha song toàn, viên mãn, tóm tắt như sau: Chương 7 ; The Goddess (Thiên nữ). Cuộc đối thoại giữa Duy-ma-cật và Xá-lợi-phất về tình yêu vô ngã vị tha, bình đẳng (mahamaitri) dưới nhiều góc cạnh. Rồi một thiên nữ xuất hiện dùng tài hùng biện với Xá-lợi-phất nhằm nhấn mạnh sự ưu việt của Đại thừa. Do bị thách thức, thiên nữ này thi triển thần thông, làm hoán chuyển giữa thân mình và thân của Xá-lợi-phất để cho thấy sự bình đẳng, vô phân biệt về giới tính. Sau cùng, Duy-ma-cật nói rằng, thiên nữ này đã phục vụ 92 triệu tỉ Phật nay có trí tuệ siêu việt, đạt sự bất sinh, chứng sự bất thối và có thể sống bất cứ nơi nào theo hạnh nguyện để hoá độ chúng sinh.

Trong Phật giáo, tứ chúng đồng tu – tỷ kheo tăng, tỳ kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ  nữ – hỗ trợ nhau cùng thấy và chứng nghiệm được hạnh phúc ngay trong cuộc sống hiện tại.

Qua vài gợi ý trên, người viết mong rằng Sự bình đẳng giới cần được ý thức một cách chân thành và thực hiện ngay trong thân-khẩu-ý của mỗi con người, nhất là người nam, người con trai nước Việt.

Thích Tâm Đức

Nội dung chính
Comments


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *