Không hận diệt hận thù là định luật ngàn thu

Nội dung chính
Comments

Phụ Lục

Câu kệ số 5:

Với hận diệt hận thù,
Ðời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.

Câu kệ số 6:

Và người khác không biết,
Chúng ta đây bị hại.
Chỗ ấy, ai hiểu được
Tranh luận được lắng êm.

Hai câu kệ này nói lên sự hận thù, cãi cọ. Câu kệ số 6 có nguồn gốc từ câu chuyện cãi cọ của các vị Tăng sĩ, còn câu kệ số 5 thì nói chung cho con người. Hai câu kệ này giống như câu kệ 3 và 4 là nói lên sự tranh hơn và tranh thua là không đúng đắn. Tranh hơn tranh thua là do cái ảo này tạo ra cái ảo khác. Do có cái tôi, ai cũng muốn cái tôi này phải hơn, phải thắng nên không ai chịu thua, từ đó là có tranh cãi, từ đó có hận thù. Phẩm này là cảnh báo chúng sinh không nên hận thù. Mình hận thù người ta rồi người ta hận thù lại, và cứ như vậy làm cho con người khổ đau. Chỉ có từ bi mới xoá bỏ được hận thù. Còn nếu lấy hận thù để hận thù thì hận thù mãi mãi. Trong bài Kinh khác Đức Phật có dạy tại sao con người tranh hơn, tranh thua là do ảo giác. Khi mắt thấy sắc thì nhãn thức sanh khởi. Ví dụ như khi mắt thấy cái đồng hồ sẽ sanh khởi nhãn thức là ‘cái thấy’ cái đồng hồ, rồi nhãn thức sanh ra nhãn thọ: là sự thoải mái dễ chịu có được do thấy vẻ đẹp của cái đồng hồ. Thọ là duyên sanh ra ái là sự yêu thích cái đồng hồ. Ái là duyên sanh ra thủ là sự bám chấp mong muốn có được cái đồng hồ. Thủ là duyên sanh nghiệp hữu là hành động đi mua đồng hồ hay tìm mọi cách để có được cái đồng hồ. Trong quá trình này, sự nhận biết gọi tên đó là cái “đồng hồ” là tưởng. Tưởng thường sanh khởi đồng thời với thọ. Sự phân biệt tốt-xấu, đúng-sai, đẹp-xấu,…của tưởng là duyên sanh ra những hý luận vọng tưởng.

Mắt tiếp xúc với trần (cảnh sắc) ® Nhãn thức ® Nhãn xúc ® Nhãn Thọ  ® Tưởng ® Hý luận, vọng tưởng. Con người có sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu căn này hay sáu cơ quan của con người tiếp xúc với sáu đối tượng của nó cho ra sáu thức ® sáu thọ ® sáu tưởng ® hý luận, vọng tưởng. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân tương tự như vậy. Bây giờ chúng ta coi về ý.

Ý đối với Pháp. Khi mở mắt ra thấy cái đồng hồ, thì cái đồng hồ này chính là đối tượng của con mắt, nhãn thức của con mắt ‘thấy’ cái đồng hồ. Bây giờ nhắm mắt lại hình dung ra cái đồng hồ, thì cái đồng hồ được hình dung ra đó gọi là pháp.  Ba pháp (mắt, đối tượng, nhãn thức) này hợp lại là xúc. Sự dễ chịu sanh ra khi nghĩ về cái đồng hồ là thọ. Nhận biết đó là cái đồng hồ và nhận biết sự tốt, xấu của cái đồng hồ là tưởng. Từ tưởng này cho ra hý luận vọng tưởng.

Quý vị có thấy con người ta si tình không? gặp một anh thanh niên hay một cô thiếu nữ là về nhà ngủ không yên, về nhà nằm trằn trọc, ngày này ngày kia, tuần này tuần kia, tháng này tháng kia, năm này năm kia thì đó là ý đối với Pháp. Như đi đâu đó tình cờ gặp một vật gì đẹp, sau đó không thấy nữa, rồi về mình hình dung thì đó cũng là ý đối với pháp rồi từ đó cho ra xúc, thọ, tưởng, hý luận vọng tưởng, đây là một quá trình duyên sinh. Mắt tiếp xúc với trần cho ra thức, xúc, thọ, tưởng, vọng tưởng. Đây là một quá trình duyên sinh, không có tự ngã. Không có ai thấy, chỉ là đủ nhân duyên (mắt, đối tượng và nhãn thức) thì sanh ra, khi nhân duyên mất (thiếu một trong ba: mắt, đối tượng và nhãn thức) thì diệt đi. Nếu như không có thức thì không có xúc, không có thọ. Cái gì có sinh thì nó có diệt. Đức Phật có dạy rằng:

Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng

Chỉ có pháp hiện tại

Tuệ quán chính là đây…

Chỉ có pháp hiện tại là thân, tâm này thì phải dùng trí tuệ quán vô thường để đừng nắm giữ vì tất cả đều là do nhân duyên sanh. Không có gì trên cuộc đời này là không do nhân duyên sanh ra. Người trí thấy được đặt tính của con người và vũ trụ nên họ có ứng xử thích hợp là không tham, không sân và không hại chúng sanh khác.

Thiền sinh hỏi: “Kính thưa thầy cho con hỏi lúc nãy thầy giảng khi mắt nhìn thấy cái đồng hồ thì gọi là mắt tiếp xúc với trần. Nhưng khi nhắm mắt lại hình dung ra cái đồng hồ thì đó gọi là ý đối với pháp, như vậy pháp có phải là cái gì không sờ được nên mình phải dùng từ như vậy? nên mình không có nói ý đối với trần.

Thầy: Đúng vậy, ý đi với pháp

Quá trình duyên sinh này để thấy rằng chúng sinh hay hận thù nhưng tất cả những cái hận thù đó dưới cái nhìn trí tuệ của nhà Phật thì đó đều là ảo. Nhưng vì không có chánh kiến hay phần đông con người bị tà kiến nên nuôi hận thù. Những điều này liên quan rất nhiều trong đời sống của con người nên đưa vào đây để cảnh báo chúng sinh không nên nuôi hận thù, không nên trả thù.

Thích Tâm Đức

(Trích Kinh Pháp Cú giảng giải – phẩm Song Yếu.

Giảng tại: Trung tâm Liễu Quán- San-Jose, California, USA.

Năm 2010)

Nội dung chính
Comments


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *