Cư sĩ với sự bất tử

Nội dung chính
Comments

Phụ Lục

Vào thời đức Phật Thích Ca còn tại thế, ngài đã thấy sự thành tựu mục đích của việc tu tập không chỉ dành cho những vị xuất gia mà còn cho cả đối với những vị cư sĩ.

Trong kinh tạng Pali của Phật giáo Nguyên thuỷ có ghi:

“Bất tử, bất tử, này hiền giả, được nói đến như vậy.” “Người đạt được bất tử, người đạt được bất tử, này hiền giả, được nói đến như vậy.”[1]  

Trong giới Phật giáo, người ta thường biết nhiều đến thuật ngữ Niết-bàn (P. Nibbana), đây là một trạng thái tâm của những hành giả Phật giáo đã thành tựu mục đích của sự tu tập, được diễn tả là mát lạnh, không còn sự bức bách của những phiền não tham, sân, si.  Niết-bàn có bốn nghĩa như sau[2]: 1. mất đi ngọn đèn hay ngọn lửa (nghĩa phổ biến); 2. sức khoẻ, theo nghĩa sự sảng khoái về thân (có thể, trước hết, mất đi sự nóng nảy, bồn chồn); 3. sự chết dần trong tâm ba ngọn lửa tham, sân và si; 4. nghĩa an lạc của tinh thần, sự an toàn, giải thoát, chiến thắng và hoà bình, thoát khỏi tội lỗi, chân phúc.  Còn thuật ngữ Bất tử (Amata) được định nghĩa là một khái niệm chung về một trạng thái bền vững, không thay đổi, một trạng thái an toàn, nghĩa là, ở đó không còn sự tái sinh hay chết nữa.[3] Điều này cho thấy mục tiêu tối hậu của tu tập Phật giáo cũng được diễn tả là bất tử. Thuật ngữ bất tử này về sau có thể đã phát triển thành một khái niệm rất quan trọng trong Phật giáo Đại thừa, đó là bất nhị hay bất sinh, bất diệt (S. advaya, E. nonduality).

Kinh tạng Pali ghi tiếp:

“Thành tựu sáu pháp, này các tỷ kheo, gia chủ Bhallika… cư sĩ Sragga đi đến cứu cánh nơi Như Lai, sống thấy được bất tử, chứng ngộ được bất tử. Thế nào là sáu? Với lòng tịnh tín bất động đối với Phật, với lòng tịnh tín bất động đối với Pháp, với lòng tịnh tín bất động đối với Tăng, với Thánh giới, với Thánh trí, với Thánh giải thoát.”[4]

Trong đoạn kinh này đức Phật cho biết không phải một mà rất nhiều vị cư sĩ tu tập và cũng thành tựu mục tiêu như đức Phật, đó là thấy và chứng ngộ được bất tử. Một sự tu tập bằng sự trải nghiệm của thân – tâm và trực nhận được chân lý, bất tử. Và đức Phật cũng chỉ ra lộ trình tu tập của những cư sĩ tại gia ấy gồm có sáu bước, tất cả đều với lòng tịnh tín bất động đối với Phật, Pháp, Tăng (Tam Bảo). Tịnh tín bất động ở đây cũng liên quan đến niềm tin nhưng khác với niềm tin thông thường với nghĩa van xin, cầu nguyện tha lực ở bên ngoài gia hộ, cứu giúp. Tịnh tín ở đây có nghĩa là cái niềm tin thanh tịnh có được do sự lắng đọng, vắng lặng của cái tâm phiền não, vọng tưởng điên đảo, hướng ngoại, ảo giác, tưởng tượng theo sự thôi thúc của ham muốn và si mê. Và để tâm lắng đọng, chắc chắn hành giả phải luyện tập thiền định, một pháp môn cốt lõi mà đức Phật Thích Ca thường nhấn mạnh. Ngài chứng ngộ dưới gốc cây bồ đề sau bảy tuần lễ thiền định; ngài thường nhắc nhở các đệ tử hãy thiền định khi đi hoằng pháp; và ngài vào năm tám mươi tuổi khi già yếu đã di chúc lại thị giả A-Nan bên cạnh là người nào tu tập thiền Tứ niệm xứ là tối thượng trong hàng đệ tử của ngài trong hiện tại cũng như trong tương lai. Tâm của hành giả Phật giáo lúc ấy không lay chuyển, không giao động, vững chắc như kim cương và vị ấy hướng đến Phật, Pháp, Tăng, Thánh giới, Thánh trí và Thánh giải thoát. 

Phật (P. Buddha): Phật đây chủ yếu chỉ cho sự thấy, biết, chánh niệm, tỉnh giác và hiểu.

Pháp (P. Dhamma): Có nhiều nghĩa và ở chủ yếu chỉ cho định lý duyên khởi, sự tương tác, tương sinh, tương diệt giữa các sự vật, hiện tượng. Do cái này có, cái kia có; Do cái này không có, cái kia không có; Do cái này sanh, cái kia sanh; Do cái này diệt, cái kia diệt. Đức Phật Thích Ca tuyên bố, dẫu ngài có mặt hay không có mặt thì quy luật này vẫn hiện hữu và ngài chỉ là người khám phá và giới thiệu quy luật này đến loài người. Quy luật này còn được gọi là quy luật Nhân-Quả.

Tăng (P. Sangha): Tập thể gồm bốn vị tăng trở lên. Là những người xuất gia, tu tập và trải nghiệm những lời dạy của đức Phật để chứng ngộ chân lý và sau đó, có nhiệm vụ phải truyền lại cho người khác.

Thánh giới (P. Ariya sila): Gồm những giới cấm do đức Phật chế ra nhằm thúc liễm thân tâm, xa lìa các điều ác bất thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho hành giả bước tiếp theo, đó là tâm thiền định.

Thánh trí (P. Ariya panna): Là cái trí thấy biết được cái bản chất vô thường – khổ – vô ngã của các sự vật, hiện tượng; hoặc cái trí thấy biết được bốn sự thật – khổ, nguyên nhân của khổ, khổ diệt, con đường dẫn đến khổ diệt. Thánh trí này giúp tâm buông xả những ảo giác hấp dẫn ở thế gian ngang qua sáu giác quan của con người, đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

Thánh giải thoát (P. Ariya mokkha): Một sự giải thoát khỏi phiền não khổ đau một cách rốt ráo, để phân biệt với sự giải thoát của các giáo phái ngoại đạo.

Một hành giả cư sĩ Phật giáo nếu tu tập với lộ trình sáu bước này có thể thành tựu mục đích giống như đức Phật hay Như Lai (vị đến như vậy).

Thích Tâm Đức

[1] Kinh Bộ Tăng Chi, tập III, Thích Minh Châu dịch (1988), Hồ Chí Minh, tr. 292

[2] T.W.Rhys Davids, Sđd., tr. 362

[3] T.W.Rhys Davids & William Stede (1993), Pali-English Dictionary, Delhi, tr. 73

[4] Kinh Bộ Tăng Chi, tập II, Thích Minh Châu dịch (1988), Hồ Chí Minh,  tr. 434

Nội dung chính
Comments


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *