Chữa tâm bệnh

Nội dung chính
Comments

Phụ Lục

Nhân dịp ngày thứ ba của tuần lễ Pháp hội Dược Sư được tổ chức tại chùa Bằng – Hà Nội và sự thỉnh mời của Thượng tọa Trụ trì Thích Bảo Nghiêm, vào lúc 9g30 sáng ngày 11/10/2011 Thượng tọa Thích Tâm Đức trong chuyến thỉnh giảng tại Học viện Phật giáo Hà Nội, đã đến chùa chia xẻ Phật pháp với đề tài “Chữa tâm bịnh”.

Mở đầu, TT. Giảng sư định nghĩa chữ Dược Sư, có nghĩa là thầy thuốc (chữa bịnh). Theo kinh Dược Sư, từ kim khẩu đức Phật (Thích Ca), ở phương Đông cách cõi Ta bà muôn ức cõi Phật có một cõi nước tên Lưu Ly được trị vì bởi Dược Sư Lưu ly Quang vương Như Lai đầy đủ mười danh hiệu Phật. Cõi nước này sung sướng hạnh phúc như cõi Tây phương cực lạc của Phật A Di Đà. Phật Dược Sư có mười hai đại nguyện cứu vớt chúng sinh thoát khỏi bịnh tật, tai ương, khổ ách. Chúng sinh nào muốn hết bịnh tật, khổ ách hay muốn được sinh về cõi nước Lưu Ly thì hãy niệm danh hiệu Phật Dược Sư.

Tiếp đến, TT. Giảng sư nói, vậy ở cõi Ta bà này đức Phật (Thích Ca) cũng có phải là thầy thuốc không?

Đức Phật nói, tâm con người thật rối ren! Khi so sánh, ngài nói, rối ren thay là con người và phóng khoáng thay là muôn thú, rối ren thay là đời sống tại gia và phóng khoáng thay là đời sống xuất gia, nếu có ai đến nói với ta rằng từ khi sinh ra cho đến nay tôi chưa mắc phải một bịnh tật (thể xác) nào thì ta có thể tin nhưng nếu có ai đến nói với ta rằng tôi trong một phút giây không bị tâm bịnh (như buồn, vui, giận hờn, ganh tỵ,…) thì ta không tin. Và chính nhằm chữa tâm bịnh cho chúng sinh mà đức Phật đã suốt cuộc đời 45 năm còn lại ngài đã không ngừng thuyết pháp.

Trên thế giới đã có nhiều thầy thuốc chữa bịnh nhưng hầu hết là nhằm chữa thân bịnh và họ thấy rằng nếp sống tinh thần có một ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe. Ông Ohsawa, người Nhật Bản, nổi tiếng với phương pháp chữa bá bịnh bằng gạo lức muối mè cho rằng, trong các bịnh thì bịnh buồn lo, giận hờn khó chữa nhất ít ra phải từ mười năm trở lên. Đại học y khoa Havard ở Mỹ nghiên cứu thấy rằng chính stress là nguyên nhân chủ yếu của nhiều bịnh nan y thời đại như tim mạch, tiểu đường, đột quỵ,… Và giới khoa học thấy thiền định Phật giáo có tác dụng rất tốt trong việc chữa thân bịnh. Nhưng về tâm bịnh thì y khoa thế giới hình như đang còn lúng túng. 

Có thể nói, tất cả bài thuyết giảng của đức Phật là nhắm vào việc chữa tâm bịnh của con người. Do tác động của vô minh mà biểu hiện là tham dục (Tanha). Trong ngôn ngứ Pali tham dục có hai nghĩa: Tanha (xấu ác, bất thiện) và Chanda (Thiện). Chính Tanha (có thể nói đó là tính dục – Libido theo phân tâm học Freud) đã thôi thúc con người có những hành động bất thiện là tham – sân – si ngang qua thân – khẩu – ý. Chính Tanha này đã thiêu đốt thế giới. Con người như những con thiêu thân lao vào những đối tượng đẹp, hấp dẫn. Họ chỉ thấy vị ngọt của cuộc đời bất kể hậu quả là gì! Vậy, đức Phật có giải pháp gì?

Một hôm có một vị tỷ kheo trẻ bạch đức Phật, tại sao vẫn biết tham sân si là cấu uế của tâm nhưng chúng vẫn khởi lên ở trong con? Đức Phật trả lời rằng, chính vì ngươi chưa đoạn được tham dục. Và ngài dạy: Ngươi phải chánh quán về tham dục là vị ngọt, nguy hiểm và sự xuất ly; ngoài ra ngươi phải thực hành thiền định. Năm đối tượng là sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngọt, xúc êm dịu hay tiền bạc, sắc đẹp, địa vị, ăn uống, phương tiện sống đều có vị ngọt của chúng nhưng chúng ta phải thấy bề trái hoặc tính vô thường thay đổi của chúng như trở nên già nua, xấu xí, không còn nữa… và đây là sự nguy hiểm của chúng để từ đó mà xả bỏ chúng. Tuy nhiên, dẫu biết vậy vẫn chưa đủ vì thói quen, tập khí cũ vẫn còn; do vậy, để có một sức mạnh của thói quen mới, hành giả cần phải thực tập thiền định.

Thiền định là nhằm định tâm, cột tâm lại bằng cách an trú tâm vào một đối tượng như niệm Phật, theo dõi hơi thở trong khi ngồi thiền, chánh niệm tỉnh giác đối với mỗi hành vi cử chỉ hiện tại của mình (với nhiếp phục tham – ưu ở đời). Một sự chú tâm trong khi tĩnh hay động như vậy sẽ giúp tâm hành giả được bình an và trí sáng suốt sẽ hiện khởi. Hành giả sẽ phân biệt được đâu thật, đâu ảo. Từ đó, không phan duyên chạy theo những cái bóng ảo (phản ánh của thế giới hiện thực vào trong tâm thức) nhất là những cái ảo bất thiện gây ra những hệ quả khổ đau cho mình và cho người.

Mây tan, trăng hiện. Khổ đau hết, hạnh phúc đến.

Thượng tọa giảng sư còn nhấn mạnh đến vai trò tự lực của Phật Thích Ca, một nhân vật lịch sử, với những lời giảng gần gủi đời thường, dễ ứng dụng nhưng hết sức sâu sắc và ý nghĩa. Ngay cả trong Kinh A Di Đà người ta thường cho là Tha lực cũng không ra ngoài quy luật nhân quả: muốn ngay sau khi qua đời được đức Phật A Di Đà cùng thánh chúng tiếp dẫn về cảnh giới Tây phương cực lạc của ngài chúng ta phải thỏa điều kiện khi đang còn sống, đó là phải Nhất tâm hay Định lực. Và dĩ nhiên khi chuẩn bị tốt cái nhân thì cái quả tức khắc sẽ đến. Đức Phật Thích Ca nói, khi thả chiếc lá xuống nước thì nó sẽ nổi dù có cầu nguyện hay không, dù có đọc thần chú cho nó chìm nó cũng chẳng chìm!

Buổi chia xẻ Phật pháp kết thúc vào lúc 11g15 trong không khí đạo tràng tràn đầy phấn khởi.

CTV

(Tháng 10-2011)

Nội dung chính
Comments


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *