Phụ Lục
Câu kệ số 7:
Ai sống nhìn tịnh tướng,
Không hộ trì các căn,
ăn uống thiếu tiết độ,
biếng nhác, chẳng tinh cần.
Ma uy hiếp kẻ ấy,
như cây yếu trước gió.
Câu kệ số 8:
Ai sống quán bất tịnh,
Khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ,
Có lòng tin, tinh cần,
Ma không uy hiếp được,
Như núi đá, trước gió.
Câu kệ số 7 và số 8 nói ai sống nhìn tịnh tướng. Tịnh tướng ở đây chúng ta hiểu rằng đó là những gì có sức hấp dẫn và quyến rũ. Tịnh tướng là những cái đẹp, hấp dẫn, có ma lực lôi kéo làm con người mất tự chủ. Câu số 7 nói đến chúng sinh, khi người thường nhìn những thứ hấp dẫn thì không hộ trì các căn thấy là bị cuốn hút liền và từ đó gây hậu quả. Các căn ở đây là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Tương tự, ăn uống phải tiết độ. Ăn uống là một trong những cái hấp dẫn nhất. Nhiều người ăn kiểu cách đến nổi không kể đến sinh mạng của chúng sinh khác. Ăn uống là một trong những cái bệnh tham. Chính cái này tạo ra khổ đau cho mình và chúng sanh khác. Khoa học chứng minh rằng người ăn động vật nhiều có nguy cơ bệnh nan y như huyết áp cao, mỡ trong máu, tim mạch, ung thư,…càng ăn nhiều động vật thì nguy cơ giảm thọ càng nhiều. Trong giới luật Đức Phật có đề ra ăn uống để giữ gìn sức khoẻ, để tu tập. Ăn để tránh cơn đói chớ không phải để kiểu cách, khoe khoang.
Biếng nhác, chẳng tinh cần
Ma uy hiếp kẻ ấy.
Đây là nói những người hưởng thụ, biếng nhác. Với những người không hộ trì các căn, thấy cái gì đẹp là tham đắm thì ma uy hiếp kẻ ấy. Có 5 loại ma. Loại ma thứ nhất gọi là ngũ ấm ma. Loại thứ hai là ác ma là những điều bất thiện, ác độc. Loại thứ ba là cái chết. Loại thứ tư là dục ma là tham dục, dục vọng. Loại thứ năm là thiên ma.
Ngũ uẩn là thân và tâm của con người gồm sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Sắc chỉ cho thể xác. Thọ chỉ cho cảm giác. Tưởng là cái biết. Hành là suy tư. Thức là cái nhận biết. Chính cái thân năm uẩn này là ma. Ma là chỉ cho cái gì huyễn hoá, ác độc, không có thật. Thân không có thật, có sinh rồi có diệt. Cát bụi trở về với cát bụi.
Có nhiều loại ma, nhưng ma trong câu kệ này chỉ cho dục vọng. Khi mình không hộ trì các căn thì dục vọng xông vào.
Ma uy hiếp kẻ ấy,
như cây yếu trước gió.
Cây yếu gặp gió bão sẽ bị bật gốc. Bài kệ này cảnh báo con người chớ có tham đắm những dục lạc thế gian. Nếu tham đắm thì sẽ lãnh hậu quả, những tâm bất thiện, nghiệp bất thiện và quả báo bất thiện sẽ theo sau.
Thích Tâm Đức
(Trích Kinh Pháp Cú giảng giải – phẩm Song Yếu.
Giảng tại: Trung tâm Liễu Quán- San-Jose, California, USA.
Năm 2010)