Vô vi cư điện các

Nội dung chính
Comments

Phụ Lục

“Làm thế nào để quốc gia được vững bền?”. Câu hỏi trọng đại này được vua Lê Đại Hành (980 – 1005) nêu lên không lâu sau khi giành lại chủ quyền quốc gia, chấm dứt nghìn năm nô lệ và nội chiến và đã được Thiền sư Pháp Thuận trả lời như sau:

                        國 祚 如 藤 絡            “Quốc tộ như đằng lạc

                        南 天 里 太 平             Nam thiên lý thái bình

                        旡 為 居  殿 閣           Vô vi cư điện các

                        處 處 息 刀 兵            Xứ xứ tức đao binh.”

Tạm dịch:        “Ngôi nước như mây quấn

Trời Nam mở thái bình

Đạo đức ở cung điện

Chốn chốn hết đao binh”[1]

Theo Pháp Thuận, chính phẩm chất đạo đức của chính quyền là nguyên nhân chủ yếu cho sự đoàn kết của toàn dân, phát huy sức mạnh và sự vững bền của dân tộc.

Vô vi là một danh từ của Lão giáo được mượn dịch từ tiếng Phạn Phật giáo là Nirvāa (Niết bàn). Niết bàn là đích cho một vị Phật tử nhắm đến trong sự tu tập đạo đức tôn giáo của mình. Đây là một quá trình tâm nhằm làm yếu và diệt trừ cái “ngã” hay cái “tôi” vị kỷ – tham, sân, si – dẫn đến nội tâm an lạc và lòng từ bi xuất hiện.

Một khi Vô vi được giới lãnh đạo quốc gia thực hiện thì nó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Bài thơ trên được xem như xuất phát điểm của một phương châm điều hành đất nước và đã được nhiều nhà lãnh đạo chính trị yêu nước  trong lịch sử Việt Nam ứng dụng.

Trên phương diện chính trị, quần chúng đóng vai trò hết sức quan trọng. Những vị vua Phật giáo triều đại nhà Lý và Trần đã coi trọng ý dân, lòng dân, bạn của dân, thương sức lao động của dân trong khi thực hiện những hoạt động chính trị như dời đô, lên ngôi, thay đổi triều đại, tuyên chiến. Tuy nhiên, để thu phục lòng dân, vua phải sống có đạo đức. Để làm tỏ đạo đức của vua, Quốc sư Viên Thông (1080 – 1151) đã giải thích như sau:

“Dân ví như một đồ vật, nó sẽ yên khi được đặt ở chỗ yên và nó sẽ nguy hại khi được đặt ở nơi nguy hiểm. Điều quan trọng là tính cách của vua. Nếu đạo đức của vua phù hợp với lòng dân thì dân sẽ kính yêu vua như cha mẹ, sẽ ngưỡng nhìn và xem vua như mặt trăng, mặt trời. Điều đó có nghĩa là đặt dân vào nơi chỗ yên vậy.”[2]

Vì sống có đạo đức nên các vua triều Lý và Trần đã tập hợp được quần chúng và chiến thắng quân xâm lược. Trong bài hịch Lộ Bố khi chống lại quân Tống tướng Lý Thường Kiệt đã nói: “Trời sinh ra dân chúng, vua hiền ắt hoà mục. Đạo làm chủ dân, cốt ở nuôi dân.”[3]

Khi trả lời vua Trần, tướng Trần Hưng Đạo đã chỉ ra những nguyên nhân căn bản dẫn đến chiến thắng Nguyên Mông và kế bảo vệ đất nước như sau:

“Vua và dân đồng lòng, anh em hoà hợp, và toàn dân đóng góp công sức[4]… Hơn nữa, khoan thư sức dân cho kế lâu dài là giải pháp tốt nhất để bảo vệ đất nước vậy.”[5]

Khuynh hướng chính trị biểu hiện một sự gắn bó rất chặt chẽ giữa Phật giáo và dân tộc Việt nam. Nhưng không phải chỉ trên phương diện chính trị.

Phật giáo Việt Nam cũng đã mang lại sự thịnh vượng và hoà bình cho đất nước. Một học giả Việt nam thời cận đại đã nhận xét rằng: “Triều Lý có thể được gọi là triều đại từ bi nhất trong lịch sử của dân tộc ta. Chíng do ảnh hưởng của đạo Phật.”[6] Và một học giả khác bình luận về kinh tế triều đại nhà Trần (1225 – 1400) như sau:

“Không có một giai đoạn nào trong lịch sử trung đại Việt nam mà kinh tế công thương nghiệp và thành thị lại phát triển như vậy, lại được nhà nước phong kiến tạo điều kiện mở mang như vậy. Thương nhân được tự do kinh doanh, tầng lớp đại thương trở thành tầng lớp tiến bộ nhất trong xã hội ở các thế kỷ XIII – XIV.”[7]

Ở Việt Nam, vào thời kỳ đầu khi mới giành lại được nền độc lập, tự chủ cho đất nước hầu hết các vua đều giỏi về quân sự nhưng chưa có kinh nghiệm về nghệ thuật điều hành đất nước. Vì lẻ đó, những vua triều nhà Đinh và Tiền Lê luôn nhờ đến tài đức của những cao tăng Phật giáo trong việc điều hành đất nước. Giống như phần đông dân chúng thời bấy giờ, các vua tin rằng những tăng sĩ Phật giáo và Lão giáo có thể tiên đoán điềm lành hay dữ trong tương lai và có thể cầu nguyện phước lành cho họ. Các vua đầu triều nhà Lý cũng đã yêu cầu những Thiền sư giúp đỡ họ trong những lĩnh vực chính trị và ngoại giao. Nhưng vào triều nhà Trần thì tình trạng đã khác. Những vua Trần như Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông đều tinh thông cả Phật giáo và Khổng giáo. Ba vị vua này đã ủng hộ sự kết hợp Phật giáo và Khổng giáo, đã sử dụng Khổng giáo vào việc quản trị đất nước và Phật giáo vào việc giải thoát tâm linh, đặc biệt là sự thống nhất và đoàn kết về phương diện chính trị.

  • Trần Thái Tông (1218-1277): Vị vua đầu tiên của triều đại nhà Trần, được sắp xếp lên ngôi bởi người cậu là Nhiếp chính Trần Thủ Độ, đã thành công trong việc ngày càng làm cho xã hội bình ổn và thịnh vượng sau thời kỳ rối loạn vào cuối triều nhà Lý. Nhà vua đã đóng góp cho hệ thống thi cử giáo dục và là người đầu tiên đã đánh bại quân xâm lược Nguyên – Mông vào năm 1257. Nhà vua nói: “Vì ban ngày bận rộn, khuya ta tranh thủ đọc sách, nghiên cứu cả Khổng lẫn Phật giáo.”[8]
  • Trần Thánh Tông (1240-1290): Ngài là con cả của vua Trần Thái Tông, biết cách sử dụng nhân tài và tập trung vào chính sự. Cùng với con, Trần Nhân Tông, ngài trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông hai lần thành công vào những năm 1285 và 1288. Về sau, ngài ngự ở Bắc Cung, xuất gia, tập trung vào việc nghiên cứu và ấn hành kinh sách Phật giáo.
  • Trần Nhân Tông (1258-1308): Là con cả của vua Trần Thánh Tông, là một vị vua yêu nước và anh hùng. Ngài nổi tiếng về lòng khoan dung độ lượng, chủ trương một chính sách đoàn kết, khoan thư sức dân, tuyển mộ nhân tài cho bộ máy nhà nước ngang qua thi cử và mở rộng tinh thần dân chủ. Trong thời trị vì có hai  hội nghị nổi tiếng, Bình Than vào năm 1282 giữa vua và quan quân và Diên Hồng vào năm 1284 giữa vua và các bô lão khắp cả nước. Kết quả là 50 vạn quân Nguyên – Mông bị đánh bại vào hai năm 1285 và 1288. Ngài cũng là một nhà thơ và nhà sáng lập Thiền phái Trúc Lâm đầu tiên mang bản sắc dân tộc, là một thiền phái thống nhất các thiền phái đương thời, đáp ứng nhu cầu tôn giáo của dân chúng và đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng một nước Đại Việt độc lập, văn minh và hùng mạnh trước những thế lực từ bên ngoài. Chính dưới triều đại Trần Nhân Tông mà Phật giáo Việt Nam đạt đến tột đỉnh. Phật giáo được xem là quốc đạo. Vào năm 1293, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con và một lòng theo Phật giáo. Năm 1298, ngài xuất gia, du hành khắp nước và viếng thăm nước Champa.

Xây dựng một ý thức hệ thống – thống nhất ý chí toàn dân – là một mong ước của vua tôi ở các triều đại Lý và Trần.

Trước đó, triều nhà Lý đã đặt nền tảng cho một Đại Việt thống nhất với những chiến thắng vang dội – bình Chiêm phạt Tống[9] –  và đã bình ổn lãnh thổ. Sau khi có được độc lập về mặt chính trị, kinh tế và quân sự Đại Việt phải theo đuổi một nền độc lập của riêng mình về mặt ý thức hệ. Vua Lý Thần Tông đã thấy điều này. Nhà vua muốn xây dựng một ý thức hệ dựa vào thiền phái Thảo Đường, và chùa Một Cột là một vết tích tiêu biểu còn lại. Tuy nhiên, nỗ lực của vua triều Lý đã không thành công hoàn toàn.

Triều nhà Trần tiếp tục giữ vững nền độc lập dân tộc. Triều đại này cũng ý thức được sự cần thiết một ý thức hệ có thể thống nhất quần chúng và giúp bảo vệ tổ quốc với những mục đích sau:

  1. Thoát khỏi ảnh hưởng của ý thức hệ ngoại bang,
  2. Thống nhất quyền lực vào chính quyền trung ương,
  • Duy trì trật tự xã hội và ngai vàng.

Về ý thức hệ tôn giáo, trong tiến trình đấu tranh và đồng hoá giữa những tôn giáo khác biệt như là Phật, Khổng, Lão và những tín ngưỡng bản địa từ những thế kỷ đầu Công nguyên đến triều Lý, Phật giáo đã đóng vai trò thống trị. Trong Phật giáo Việt Nam, ngoài những thiền phái còn có những tông phái khác như Tịnh độ tông, Mật tông. Tuy nhiên, với tinh thần vô chấp, Thiền tông có thể điều hoà được những tư tưởng hay tín ngưỡng khác biệt. Triều Trần đã chọn Thiền tông làm ý thức hệ lãnh đạo; và, những Thiền tông đương thời chịu ảnh hưởng Trung Quốc đã được sáp nhập cho những mục đích trên.

Trần Thái Tông định đảm nhận sứ mệnh xây dựng một ý thức hệ Phật giáo thống nhất nhưng không thành công. Năm 1236, sau khi ý thức trách nhiệm truyền bá đạo Phật, nhà vua lén trốn đến núi Yên Tử tìm cầu chân lý. Quốc sư Phù Vân ở núi đó nói rằng:

“Trong núi không có Phật; Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng lẽ mà hiểu, đó chính là chân Phật. Nay nếu Bệ hạ giác ngộ điều đó thì lập tức thành Phật, không cần tìm kiếm  bên ngoài.”[10]

Nhưng Trần Thủ Độ cùng với đoàn tuỳ tùng buộc nhà vua phải trở về lại kinh thành Thăng Long, khuyên vua:

“Phàm đã là bậc nhân quân tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình; lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình. Nay muôn dân đã muốn đón bệ hạ về thì bệ hạ không về sao được! Duy có việc nghiên cứu nội điển xin bệ hạ đừng chút xao lãng mà thôi.”[11]

Nhà vua nói:

“Vì thế, trẫm cùng mọi người trở về Kinh, miễn cưỡng lên ngôi. Trong khoảng hơn chục năm, mỗi khi được rảnh việc trẫm lại hội họp các vị tuổi cao đức cả để tham vấn đạo Thiền. Còn như các kinh điển của đại gíao thì không kinh nào không nghiên cứu. Trẫm thường đọc Kinh Kim Cương, đến câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm vừa gấp sách lại ngâm nga, bỗng nhiên tỉnh ngộ, liền đem những điều giác ngộ được làm bài ca này, đặt tên là  Thiền tông chỉ nam.”[12]

Tuy nhiên, sau khi đánh bại Nguyên – Mông, vua Trần Nhân Tông, một cháu trai của vua Trần Thái Tông đã xây dựng thành công một ý thức hệ Phật giáo Việt Nam độc lập và thống nhất khắp cả nước, đó là thiền phái Trúc Lâm.

Sở dĩ Thiền tông được các vua tôi Lý – Trần ứng dụng là có lý do. Đạo Phật đã đến Việt Nam vào khoảng một, hai thế kỷ trước Công nguyên trong bối cảnh dân tộc này đang không ngừng đấu tranh nhằm giải phóng khỏi ách đô hộ của phương Bắc (111trước CN – 938 CN). Ban đầu, đạo Phật đã đến và được người Việt chấp nhận như là vị cứu tinh, họ mong ước một vị Phật quyền năng có thể cứu những linh hồn và dân tộc của họ. Nhưng tất cả đã trở thành vô vọng. Dần dần, người Việt nhận ra rằng chỉ có sức mạnh của chính mình mới có thể cứu mình.

Không nghi ngờ gì nữa khi ngôi chùa Phật giáo đầu tiên lại mang một cái tên có tính chính trị Khai Quốc đã được xây dựng vào thời gian của cuộc kháng chiến thành công ngắn ngủi (545 – 603) do Lý Bân lãnh đạo.

Và đã có sự chuyển dịch từ khuynh hướng thần bí, cậy nhờ tha lực sang khuynh hướng chính trị, tự lực của đạo Phật Việt Nam. Từ Thiền phái Tì ni đa lưu chi đến Trúc Lâm, một thiền phái thuần tuý Việt Nam được sáng lập bởi vua Trần Nhân Tông[13] (1258 – 1380) với tinh thần nhập thế Cư trần lạc đạo (Sống ở đời mà vui với đạo). Triều đại nhà Lê kế tiếp (1428 – 1527) đã đánh dấu một thời kỳ phát triển của Phật giáo thế tục dựa trên tinh thần Cư trần lạc đạo. Những vị vua nhà Lê đã là những người ủng hộ đạo Phật nhiệt tình. Vua Lê Thánh Tông, một Phật tử tiêu biểu nhất của thời kỳ này, tinh thông cả về Khổng giáo lẫn Phật giáo.

Năm 1698, Chúa Nguyễn Phúc Chu đã hoàn thành cuộc Nam tiến đến mũi Cà Mau và từ thời kỳ này trở đi tinh thần Cư trần lạc đạo đã được ông thay đổi thành Cư Nho mộ Thích có nghĩa là người Phật tử phải tinh thông nghệ thuật điều hành đất nước. Sáu thiền phái trong thời kỳ này – Tào Động, Trúc Lâm, Quốc Ân, Thập Tháp, Chúc Thánh và Liễu Quán – vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Năm 1856 quân Pháp tấn công Đà Nẵng và sau đó đã đàn áp những Phật tử Việt nam yêu nước từ năm 1883 đến 1945. Dưới sự cai trị của ngoại bang, Phật tử Việt nam đã cảm thấy sự khẩn thiết phải hình thành một Phật giáo Việt Nam nhập thế có tính chính trị và xã hội cao hơn. Nhiều Phật tử là những người yêu nước và lãnh đạo của những phong trào kháng chiến. Những Phật tử trí thức được khích lệ bởi những phong trào cải cách ở những quốc gia Đông Á vào thập niên 1920 và đặc biệt là nhà sư Trung Quốc Thái Hư Đại sư (1890 – 1947). Trong thập niên 1930 nhiều tạp chí Phật giáo bằng tiếng Quốc ngữ bắt đầu xuất hiện như Đuốc Tuệ, Viên Âm, Từ Bi Âm bàn về những vấn đề chính trị và xã hội. Ba hội Phật học được thành lập ở ba miền của tổ quốc được sự hướng dẫn và ủng hộ của tăng sĩ và cư sĩ trí thức nhằm đối phó lại với văn hoá ngoại lai của phương Tây. Đã có những nỗ lực nhằm thống nhất ba hội Phật học này thành một giáo hội thống nhất nhưng đã thất bại do chính sách đàn áp của giặc Pháp và thiếu sự thông tin liên lạc.

Năm 1945 Hồ Chí Minh thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhiều Phật tử đã tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước và sau đó kháng chiến chống Pháp.

Tư tưởng Hồ Chí Minh: Kế thừa tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam – kết hợp đạo và đời, nguyên nhân phát huy sức mạnh đoàn kết của dân tộc.

Mục đích của những nhà sáng lập các tôn giáo lớn trên thế giới là muốn mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại. Cũng vậy, ở đây muốn tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo hay bất kỳ vấn đề nào khác, trước hết cần thấy mục đích cả cuộc đời của Người là toàn tâm toàn ý cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng những người cùng khổ, nhằm đấu tranh cho một nhân loại ấm no, hạnh phúc, công bằng, văn minh, một thế giới đại đồng trên cơ sở bình đẳng hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, nhân loại không chỉ coi Hồ Chí Minh là biểu tượng của sự nghiệp giải phóng dân tộc mà còn là một nhà văn hoá lớn của thế giới.

 Có thể nói Hồ Chí Minh tìm thấy những điểm tương đồng của văn minh nhân loại và biết khéo kết hợp chúng. Người ca ngợi chủ nghĩa Cộng sản đồng thời thừa nhận và tiếp thu cái hay cái đẹp của những tư tưởng, giáo lý khác. Trong những tác phẩm của mình Người thường trích dẫn những lời nói của các vị thánh hiền trong các tôn giáo bên cạnh những câu nói của các vĩ nhân, thiên tài và của những người sáng lập ra chủ nghĩa Mác – Lê Nin. Người viết:

“Chúa Giê Su dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa.”[14]

“Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê Su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giê Su, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy.”[15]

Về chính sách tôn giáo của Hồ Chí Minh có thể tóm tắt thành ba điểm sau đây:

  • Đoàn kết tôn giáo và tự do tín ngưỡng nhằm xây dựng một khối đại đoàn kết, đại hoà hợp dân tộc. Thống nhất mọi tầng lớp xã hội vào trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chính sách này dẫn đến giải phóng dân tộc, góp phần: a) Khởi sáng phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, và b) Ngăn chặn chính sách hiếu chiến và xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa bành trướng và chủ nghĩa thực dân mới trên khắp thế giới.
  • Kết hợp tôn giáo với chủ nghĩa yêu nước. Tôn giáo phải hợp nhất với tổ quốc[16].
  • Đấu tranh và hoà hợp. Phân biệt rõ tín đồ chân chính và những kẻ lợi dụng tôn giáo.

Đối với cán bộ, chiến sĩ Người thường dạy về đạo đức cách mạng, mọi người phải trung với nước, hiếu với dân, lãnh đạo và đầy tớ trung thành của nhân dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí côngvô tư.

Tóm lại, câu trả lời của Thiền sư Pháp Thuận theo đó phẩm chất Vô vi hay Đạo đức của chính quyền là một điều kiện tất yếu cho một đất nước hoà bình và thịnh trị. Chính do sống đạo đức mà các vua triều Lý (1010 – 1225) và Trần (1225 – 1400) đã tập hợp được quần chúng, chiến thắng ngoại xâm cũng như đã tạo ra được những giá trị tinh thần và vật chất cho nền văn hoá của dân tộc. Và gần đây, Hồ Chí Minh, một vị lãnh đạo cộng sản lỗi lạc cũng như yêu nước nồng nàn đã với một nếp sống đạo đức cách mạng, tái hiện được tinh thần quyết chiến của Hội nghị Diên Hồng vào thời hiện đại với kết quả là đã dẫn đến sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước trong thế kỷ qua, một tiền đề quan trọng cho sự phát triển rực rở của đất nước ta hiện nay trên mọi phương diện.

Thích Tâm Đức

————–

[1] UBKHXHVN -Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, I, Hà Nội, 1977, tr. 204

[2] Thiền Uyển Tập Anh, Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thuý Nga dịch, Hà Nội, 1993, tr. 241

[3] UBKHXHVN -Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, I, Hà Nội, 1977, tr. 320

[4] Đầu năm 1285, quân Mông Cổ dưới quyền Toghan, con trai của Khubila, đang tiến sát biên giới thì hội nghị Diên Hông được triệu tập bởi vua Trần Nhân Tông. Những bô lão, những đại diện có uy tín của nhân dân khắp cả nước đã được mời họp để tỏ rõ ý chí và hiến kế chống giặc.

[5] Viện KHXHVN, Đại Việt Sử ký Toàn thư, II, Hà Nội, 1993, tr. 79

[6] Hoàng Xuân Hản, Lý Thường Kiệt, Hà Nội, 1950, tr. 403

[7] UBKHXHVN – Viện Sử học, Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý Trần, Hà Nội, 1981, tr.296

[8] Trần Thái Tông, Khoá Hư Lục, Thích Thanh Kiểm dịch, HCM, 1992, tr. 58

[9] Vào năm 1069, nhằm trừ mối đe doạ từ phương Nam quân Việt đánh Champa và bắt vua Rudravarman IV cùng 50.000 người. Cũng vậy, ở phương Bắc quân Việt đánh bại quân Tống vào những năm 1075 và 1077.

[10] UBKHXHVN -Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, II, Hà Nội, 1989, tr. 28

[11] Sđd, tr. 29

[12] UBKHXHVN -Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, II, Hà Nội, 1989, tr. 29

[13] Vua Trần Nhân Tông, Tổ sư Thiền phái Trúc Lâm và cũng là người thân chinh đánh bại hai lẩn xâm lược của quân Nguyên – Mông (1285 và 1288)

[14] Báo Nhân Dân ngày 14/06/1951.

[15] Trần Dân Tiên: Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Bản Trung văn của Trương Niệm Thức. NXB Tam Liên, Thượng Hải, tháng 06 năm 1949.

[16] Ở điểm này, Hồ Chí Minh đã biết kế thừa tinh thần hợp nhất Đạo và Đới của các vị vua Phong kiến tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam. Người đã tái hiện tinh thần Diên Hồng của vua tôi nhà Trần vào giữa TK 20, đã tập hợp được lực lượng của hành triệu đồng bào các tôn giáo ở Việt Nam trong sự nghiệp cứu nước và xây dựng đất nước.

Nội dung chính
Comments


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *