Phụ Lục
Đức Phật sanh ra ở trong rừng cây sala, ngồi thiền thành đạo dưới gốc cây bồ đề và nhập niết bàn dưới hai cây sala[1]. Trong thời gian hoằng pháp, ngài ca ngợi vẻ đẹp của rừng núi và các ẩn sĩ tu tập ở trong đó. Các đệ tử của ngài qua nhiều thế hệ, ở các vùng miền khác nhau trên hành tinh này cũng thế, lấy danh lam phong thủy hữu tình làm chốn an tâm, giải thoát.
Cách nay khoảng 2500 năm tại Ấn Độ, sau khi xuất gia tìm cầu chân lý và trong sáu năm đầu tiên theo học với các đạo sư Bà la môn giáo, dầu đạt được hai loại thiền cao nhất lúc bấy giờ là Vô sở hữu xứ định và Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, Sa môn Gautama vẫn chưa thỏa mãn cho đến khi tự mình quyết tìm chân lý, sau khi ngồi thiền định suốt bảy tuần lễ dưới gốc cây bồ đề, đến nửa đêm cuối cùng, đã giác ngộ. Chân lý mà ngài đúc kết lại, được gọi là định lý duyên khởi:
Cái này có, cái kia có
Cái này sanh, cái kia sanh
Cái này không có, cái kia không có
Cái này diệt, cái kia diệt.[2]
Qua đó, ngài cho thấy, con người được hợp thành bởi một chuỗi tâm sinh lý: vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên tử, sầu bi khổ ưu não. Được gọi là thập nhị nhân duyên, đồng thời còn được gọi là Luật nhân quả.
Thích Tâm Đức
[1] O.P. Dwivedi(1989), World Religions and the Environment, New Delhi, Gitanjali Publishing House, , tr. 197.
[2] Trung Bộ Kinh, I, “Ái tận đại kinh”, dg. Thích Minh Châu, Sài Gòn: Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1973, tr. 261B -262B