Tri thức và trí tuệ

Nội dung chính
Comments

Phụ Lục

Câu kệ 19 -20

19- “Nếu người nói nhiều kinh,
Không hành trì, phóng dật;
Như kẻ chăn bò người,
Không phần Sa môn hạnh.”

20- “Dầu nói ít kinh điển,
Nhưng hành pháp, tùy pháp,
Từ bỏ tham, sân, si,
Tỉnh giác, tâm giải thoát,
Không chấp thủ hai đời,
Dự phần Sa môn hạnh.

Người nói pháp thao thao bất tuyệt nhưng không có hành trì thì giống như con két, kinh điển nói sao thì lập lại y như vậy thì chưa được chứng ngộ.

Đức Phật ví người như vậy giống như người chăn bò dùm cho người ta mà thôi.

Mình học mà mình không có tu như tốn công sức đi chăn bò cho người ta, không phải chăn bò của mình.

Dù học ít nhưng hành trì đúng pháp thì có thể hiểu và chứng ngộ, thấy cái tham, cái sân, cái si ngày càng giảm nhẹ, tâm ngày càng thanh tịnh, an lạc, giải thoát. Như vậy vị này đã đi đúng hướng và chắc chắn rằng người đó sẽ đến đích giải thoát và giác ngộ.

Trong kinh điển Phật giáo cũng có nêu lên câu nói :

   – Tu mà không học là tu mù, bất kỳ một người nào ở một ngành nghề nào thì đầu tiên phải có thầy hướng dẫn.

   – Học mà không tu là đãy sách, là đọc sách cho nhiều nhưng mà không biết gì hết.

Vì vậy tu và học phải kết hợp với nhau nhuần nhuyễn.

Trong giới Tăng sỹ nhiều khi có người học cao, có bằng Tiến sỹ Phật học, nếu lấy bằng đó mà đi khoe khoang thì không phải là tu, vì bằng Phật học do các trường đại học Phật giáo cấp chỉ là bằng cấp ở thế gian, bằng Phật học thực sự là công đức hành trì. Tu đúng pháp thì cái ngã càng ngày càng nhỏ.

   Hai câu kệ này cũng nói lên hai phương diện học tập của con người là tri thức và trí tuệ.

   – Tri thức là cái học do chủ thể và khách thể.

Chẳng hạn như quan sát, nghiên cứu về động vật, thực vật. Trong quá trình quan sát tư duy giữa con người và đối tượng nghiên cứu thì cho ra một kiến thức, kiến thức này được tích lũy ngày càng nhiều, giúp cho chúng ta biết tại sao giống cây này, giống cây kia bị bịnh này bịnh kia, Nghiên cứu đó là tri thức.

   – Trí tuệ là động cơ quán tưởng chủ thể và khách thể nhập lại thành một.

Và khi mà nhập lại thành một thì không còn sự phân biệt nữa , là không có khởi lên tham, sân, si .

Chẳng hạn như trong khi ngồi thiền, hành giả quán tưởng bản chất sự vật hiện tượng trên cuộc đời nầy là hư ảo, bởi vậy cho nên không có bận tâm, không có bị chi phối bởi các đối tượng, dù rằng đối tượng đó là đẹp hay xấu, hấp dẫn hay không hấp dẫn thì người này không còn khởi lên tham – sân – si nữa. Cho nên người có trí tuệ họ có cái nhìn bình đẳng, gặp việc tốt họ vẫn an nhiên tự tại mà gặp việc xấu họ vẫn an nhiên tự tại.

Trí tuệ là một cái nhìn mà trong đó không còn sự phân biệt hơn thua đẹp xấu. Trí tuệ làm cho tâm con người được thanh tịnh giải thoát. Đó còn gọi là cái nhìn trung đạo.

   Câu chuyện thiền sau đây trong 101 câu chuyện thiền Góp nhặt Cát Đá, xảy ra ở Nhật Bản vào thế kỷ thứ 13  để góp thêm phần hiểu biết:

— Câu chuyện Tách Trà, nói lên tri thức và trí tuệ .

Có một vị Học giả rất là nổi tiếng, nghe học trò mình khen một vị Thiền sư.

Một hôm vị Học giả này quyết định đến viếng tịnh thất của Thiền sư để xem vị Thiền sư này thế nào mà học trò mình khen ngợi.

Khi ông Học giả đến thì vị Thiền sư mời ngồi và bắt đầu rót trà, nước chảy vào ly và nước dần dần dâng lên, đến ngập miệng ly và Thiền sư vẫn rót trà tiếp thì nước tràn ra ngoài.

Lúc đó thì ông Học giả nói rằng:

   – Thưa ông, nước đã tràn rồi.

Vị Thiền sư trả lời:

   – Thưa Ngài, đúng như vậy. Ngài đến đây với cái tâm tràn đầy như vậy nên Ngài không tiếp thu học hỏi gì được từ chúng tôi.

***

— Câu chuyện Thiên đàng và Địa ngục

Có một Tướng quân, một hôm nghe quân sỹ của mình nói rằng, có một vị Thiền sư nổi tiếng nên đến thăm vị Thiền sự này.

Khi ông ta đến tịnh thất, vị Thiền sư mời ngồi.

Vừa ngồi xuống thì tướng quân này gằn giọng:

   – Này, ông kia địa ngục ở đâu?

Vị Thiền sư này cũng không có vừa quát lại:

   – Ngươi là cái thá gì mà hỏi vậy.

Ông Tướng quân liền rút kiếm ra.

Vị Thiền sư nói:

   – Địa ngục là ở đây.

Ông Tướng quân đó hiểu ý và rút kiếm lại.

Vị thiền sư nói:

   – Thiên đàng là ở đây.

   Như vậy thì thiên đàng và địa ngục là ở đâu? Là ở ngay tại tâm của con người, do ý tưởng của con người.

Cho nên cái tâm hay ý tưởng của con người rất là quan trọng.

   Trong Kinh tạng Pàli, Đức Phật có nói một câu: “Cái thân có mấy tấc này thôi mà có thể đi đến tận cùng thế giới.”

   Ý của Ngài muốn nói rằng, trong cái thân có mấy tấc này thôi chứa đựng tâm ý mà chỉ bằng tâm ý thôi có thể suy nghĩ, suy tưởng hay khám phá được toàn bộ vạn vật trên thế giới này.

Thích Tâm Đức

Nội dung chính
Comments


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *