Thiêu đốt kiết sử

Nội dung chính
Comments

Phụ Lục

 Câu kệ 31

“Vui thích không phóng dật,
Tỷ kheo sợ phóng dật,
Bước tới như lửa hừng,
Thiêu kiết sử lớn nhỏ.”

   Câu này nói vị Tỳ kheo tu hành đúng đắn sợ phóng dật, buông lung. Khi sợ như vậy thì đối nghịch lại là họ vui thích không phóng dật. Những Tỳ kheo vui thích trong chánh niệm, chánh tinh tấn, chánh định như vậy thì sẽ đốt cháy được kiết sử. Trong kinh tạng Pàli có 10 kiết sử: thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham dục, sân hận, sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh. Kiết sử là những cái trói buộc cản trở sự giải thoát của con người.

   1-Thân kiến:

Thân kiến là một quan niệm sai lầm về tự ngã, cho rằng có cái ngã, có linh hồn tồn tại mãi mãi. Không có cái gì trên cuộc đời này tồn tại mãi mãi mà không thay đổi, không hoại diệt. Thân xác của chúng ta đang thay đổi từng giây, từng phút, mới sinh ra nhỏ xíu rồi lớn dần dần như hình hài bây giờ. Tính tình cũng thay đổi, có những người trước đây hiền bây giờ trở nên dữ hoặc ngược lại. Thậm chí có những người trước đây là nam tự nhiên chuyển qua nữ, có những người nữ chuyển qua nam.

   Đức Phật nói rằng vì có sự thay đổi nên có sự tu tập. Nếu cuộc đời có cái gì bất di bất dịch như tánh tình không thay đổi thì làm sao chúng ta tu được.

   2- Nghi:

Nghi là nghi ngờ. Nghi ngờ Tam bảo, nghi ngờ Chánh Pháp, không tin vào Phật, Pháp, Tăng, không có gì hay ho để theo đuổi, nghi ngờ như vậy làm mất cơ hội và bị thiệt thòi. Trước đây chúng ta chưa biết chùa, ở ngoài đời lo làm ăn để có nhiều của cải tiền bạc nhưng vẫn thấy thiếu, rồi đến một lúc nào đó, trong gia đình có người thân mất, lúc đó luống cuống, hụt hẫng, mời các sư thầy, sư cô về làm đám, đến lúc này mới biết đến chùa.

   3- Giới cấm thủ:

   Giới cấm thủ là chấp chặt vào những giới cấm, vào những giới luật mà cho rằng những điều đó đưa đến tâm thanh tịnh, giải thoát, giải nghiệp. Ví dụ như bên Ấn độ tin tưởng tắm nước sông Hằng sẽ rửa trôi nghiệp. Trong quá trình tu tập của đạo Phật, đầu tiên là Giới rồi đến Định  – Tuệ – Giải thoát – Giải thoát tri kiến. Giới luật là bước đầu tạo tiền đề để có thiền định vì khi phạm những giới cấm đó thì con người khó an tâm.

    Trong một bài kinh, Đức Phật có ví dụ. Khi xuất gia thì những người đó nhận sự cúng dường của đàn na tín thí. Sự được cúng dường hay còn gọi là lợi dưỡng được Đức Phật ví như cành lá của một cái cây.

   – Lợi dưỡng ví như lá cây.

   – Giới luật ví như vỏ ngoài của thân cây.

   -Thiền định như vỏ trong của thân cây.

   – Giải thoát ví như dác cây.

   – Giải thoát tri kiến ví như lõi cây.

    Trong một cái cây thì cành lá héo tàn trước, rồi đến vỏ ngoài, vỏ trong, đến dác cây rồi đến lõi cây. Lõi cây khó bị hủy hoại nhất. Đức Phật cho một hình ảnh như vậy để thấy rằng giới luật là một giai đoạn trong quá trình tu tập. Mục đích của đạo Phật là nhắm tới trí tuệ. Giới cấm thủ này, Đức Phật chủ yếu là nhắm đến ngoại đạo và một số người theo Phật giáo. Ngoại đạo tu khổ hạnh, đứng một chân, một tay đưa lên hành hạ thân xác như vậy, vì theo quan niệm của Ấn Độ giáo, chính cái thân này tạo ra nghiệp nên phải hành hạ để làm nó yếu đi. Có người hành theo hạnh con bò, nó đi bốn chân họ cũng đi bốn chân, bò ăn cỏ họ cũng ăn cỏ. Đó là họ chấp thủ vào giới cấm.

    Trong đạo Phật cũng có người vi phạm cái này nhưng theo một khía cạnh khác. Chẳng hạn như mình giữ gìn năm giới nhưng thấy người khác vi phạm giới nào đó thì mình buồn hoặc la mắng người đó thì vô tình mình bị phiền não, khen mình chê người, làm cho người khác phiền não. Như vậy không đúng với việc tu tập. Tu tập là làm sao để lợi mình và lợi người.

   4- Tham dục:

Tham đắm vào những thú vui của thế gian: sắc đẹp, tiền bạc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ …

   5- Sân hận.

   6- Sắc ái:

     Sắc ái đây chỉ cho những người tu thiền định gồm có là sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền.

    Ở ngoài đời có cái đam mê ở ngoài đời, khi vô tu cũng có cái đam mê trong khi tu. Đó là những người tu thiền định, khi được an lạc trong sơ thiền rồi thì họ ngày nào cũng an trú như vậy, không chịu xuất thiền để đi hành đạo, hóa độ chúng sinh. Đức Phật cảnh báo những người chấp thủ vào thiền định như vậy sẽ không được giải thoát. Giải thoát là không bị trói buộc mà đây là tự trói buộc vào an lạc của thiền. Đó là một chướng ngại hay còn gọi là kiết sử. Ngồi thiền mà an trú trong đó không chịu buông xả gọi là sắc ái. Tương ứng với 4 loại thiền định này là 4 cảnh giới chư Thiên:

   – Sơ thiền tương ưng cảnh giới Phạm thiên vương.

   – Nhị thiền tương ưng cảnh giới Quang âm thiên.

   – Tam thiền tương ưng cảnh giới Biến tịnh thiên.

   – Tứ thiền tương ưng cảnh giới Quả quả thiên.

   7- Vô sắc ái:

Vô sắc ái chỉ cho 4 thiền định tứ không:

– Không vô biên xứ định: Là định quán tưởng tất cả như hư không.

– Thức vô biên xứ định: Quán tất cả vũ trụ thế gian này toàn là thức.

– Vô sở hữu xứ định: Là định cho rằng mình không sở hữu bất kỳ một cái gì trên cuộc đời này kể cả thức trong thức vô biên xứ định.

– Phi tưởng phi phi tưởng xứ định: Là định mà người hành giả khi thì có tưởng, khi thì không có tưởng. Tâm thức của vị đó hầu như là cỏ cây. Tâm thức mà như cỏ cây như vậy thì không lợi lạc gì cho chúng sinh.

   Có một câu chuyện liên quan đến ý nghĩa này, xảy ra ở nước Nhật vào thế kỷ thứ 13. Có một bà lão nuôi một ông Tăng trẻ ngồi thiền trong 10 năm liền. Ngày nào bà cũng mang cơm cho vị Tăng đó. Rồi một hôm bà muốn thử ông Tăng tu đến mức độ nào nên mời một cô kỹ nữ và nói rằng:

– Này cô, hôm nay cô tới khu rừng đó gặp một ông Tăng sỹ, cô hãy dùng mọi nghệ thuật quyến rũ và như thế nào đó thì về báo lại cho ta.

Cô kỹ nữ vâng lời đi đến khu rừng và thấy một vị Tăng sỹ trẻ đang ngồi thiền. Cô dùng mọi nghệ thuật của mình quyến rũ nhưng ông Tăng vẫn ngồi bất động. Một hồi thì ông Tăng mới buông ra một câu:

– Ta như cây cổ thụ giữa mùa đông còn đâu lửa lòng.

Cô gái này thấy ông Tăng không làm gì hết mới về và tường thuật lại câu chuyện cho bà lão nghe. Bà lão nghe xong thì than:

– Thôi rồi, uổng công ta nuôi nó 10 năm trời.

Bà lão đến khu rừng đó và đốt cháy cái thất của Tăng sỹ trẻ. Vị Tăng không đụng gì đến cô gái nhưng tại sao bà lão nói uổng công vì đã hộ trì đến 10 năm và bà lão đến đốt thất?

Tuy nhiên, bà lão có nói với cô gái đó:

– Đành rằng nó không làm gì ngươi nhưng ít ra nó phải nói với ngươi một lời khuyên với tâm từ bi.

Câu chuyện nói lên mục đích tu tập là không phải làm cho cái tâm giống như gỗ đá vì như vậy thì không còn lòng từ bi thương xót chúng sinh nữa.

Mục đích của đạo Phật là tự giác và giác tha, tự độ và độ tha. Vị Tăng ngồi thiền định đến độ giống như là gỗ đá, không còn sự rung động thương yêu từ bi. Thiền định phi tưởng phi phi tưởng xứ giống như vậy và Đức Phật không có chấp nhận loại thiền định này. Trước khi Đức Phật tìm được đạo lộ riêng thì Ngài đã tu theo ngoại đạo và Ngài đạt được hai tầng thiền định cao nhất thời đó là vô sở hữu xứ định và phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Nhưng Ngài thấy hai loại thiền định này không mang tới sự giải thoát vẫn còn bị trói buộc nên Ngài bỏ đi.

   8 – Mạn :

Mạn đây là ngã mạn. Chỉ cho người chưa giải thoát mà tuyên bố là giải thoát. Khi nói Ta đã giải thoát là còn cái ngã. Khi mà tu hành đến mức cao thì không còn cái ngã, không còn cái tôi nữa, giữa tôi và bạn là sự hòa điệu không còn sự phân biệt.

   9- Trạo cử :

Chỉ cho sự lăng xăng, không định tâm. Mặc dù tu hành nhưng tâm vẫn còn lăng xăng. Không phải lăng xăng như người thế gian nhưng trong đạo cũng có khi lăng xăng nhưng vi tế hơn.

   10- Vô minh :

Vô minh là khác ngược lại với minh, trí tuệ. Nếu như trí tuệ thấy rằng tất cả mọi sự vật hiện tượng là vô thường – khổ – vô ngã thì ngược lại vô minh tưởng rằng tất cả các sự vật không thay đổi, sung sướng và có tự ngã.

Đây là 10 kiết sử trói buộc hành giả trong vòng luân hồi.

Câu kệ 32

 “Vui thích không phóng dật,
Tỷ kheo sợ phóng dật,
Không thể bị thối đọa,
Nhất định gần Niết Bàn.”

Câu cuối cùng này xác định lại thêm một lần nữa, những Tỳ kheo hay những người tu tập theo Phật giáo nếu như không phóng dật thì chắc chắn không sớm thì muộn sẽ đi đến đích Niết bàn giải thoát.

Những phật tử hàng ngày đến chùa làm công quả , hàng ngày đến chùa tụng kinh  thì những người đó đã đi đúng hướng. Chỉ còn thời gian thôi, không sớm thì muộn chắc chắn sẽ đến đích an lạc giải thoát đó là Niết bàn.

Thích Tâm Đức

Nội dung chính
Comments


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *