Phụ Lục
Phóng dật là như thế nào? Phóng dật có thể hiểu như là một sự buông lung, cẩu thả, không có kỷ cương và luôn tìm kiếm đắm say trong chất kích thích, những dục lạc của thế gian.
Chúng ta có thể hình dung sự phóng dật ở những người thanh niên hiện nay trong xã hội, những người nghiện ngập, chơi bời trác táng, sống không có kỷ cương, say đắm vào những thú vui dục lạc của thế gian. Đây là những hình ảnh cụ thể và sự phóng dật là điều mà hiện nay xã hội hay là chính phủ trên toàn thế giới đang điên đầu vì những tầng lớp thanh niên nghiện vào những chất say, chất kích thích. Từ đó đã tạo ra những tệ nạn đau thương cho gia đình và xã hội.
Kinh Pháp Cú đã nêu lênnphẩm Không Phóng dật đứng hàng thứ hai. Trong phẩm này nêu lên và gợi ý cho chúng ta một hướng đi tốt đẹp hơn, ngược lại với phóng dật là không phóng dật .
Để hiểu nội dung của Không Phóng Dật là như thế nào, chúng ta đi vào nội dung từng câu kệ .
Câu kệ 21 – 22
21″Không phóng dật, đường sống,
Phóng dật là đường chết.
Không phóng dật, không chết,
Phóng dật như chết rồi.”
22. “Biết rõ sai biệt ấy,
Người trí không phóng dật,
Hoan hỷ, không phóng dật,
An vui hạnh bậc Thánh.”
Những người phóng dật sẽ đi đến sa đọa và chết, có những gia đình rất bi đát khi có những người con đã đi theo con đường hút chích. Hậu quả rất đau thương từ những sự lầm lạc đó, chắc chắn đây là một gánh nặng cho xã hội. Chính phủ phải mở ra các trường cải tạo, những bệnh viện để chữa trị rất tốn kém cho những người đang trên đường hủy hoại thân thể của mình.
Khác lại với người phóng dật, những người theo tinh thần đạo Phật, những người chân chánh thấy được sự phóng dật là nguy hiểm như vậy nên họ không phóng dật, nhờ vậy mà họ không bị đau khổ, thân thể không bị tàn hại, cuộc sống được an vui.
Hai câu kệ nầy cho chúng ta thấy rõ hai con đường khác nhau:
– Phóng dật dẫn đến bịnh tật chết chóc.
– Không phóng dật tránh được những nguy cơ bịnh tật chết chóc.
Ngoài ra, trong tu học, buông lung phóng dật còn có nghĩa biếng nhác, thả tâm trôi nổi theo những tầm tư bất thiện mà không siêng năng, tinh tấn nhiếp phục, đoạn trừ chúng hay phát triển các tầm tư thiện ngày càng lớn mạnh.
Thích Tâm Đức