Phụ Lục
Phật hoàng Trần Nhân Tông
Ở Việt Nam, vào thời kỳ đầu độc lập, hầu hết nhà vua đều giỏi về quân sự nhưng chưa có kinh nghiệm về nghệ thuật điều hành đất nước. Vì lẻ đó, những vua triều nhà Đinh và Tiền Lê luôn sử dụng kiến thức của những tăng sĩ Phật giáo trong nghệ thuật lãnh đạo đất nước. Giống như phần đông dân chúng vào thời bấy giờ, các nhà vua tin rằng những tăng sĩ Phật giáo và Lão giáo có thể tiên đoán điềm lành hay dữ trong tương lai và có thể cầu nguyện phước lành cho họ. Các vua đầu triều nhà Lý cũng đã yêu cầu những Thiền sư giúp đỡ họ trong những lĩnh vực chính trị và ngoại giao. Nhưng vào triều nhà Trần thì tình trạng đã khác. Những vua Trần như Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông đều giỏi cả Phật giáo và Khổng giáo. Ba nhà vua này, đặc biệt là Trần Nhân Tông, đã ủng hộ sự kết hợp Phật giáo và Khổng giáo, đã sử dụng Khổng giáo vào việc quản trị đất nước và Phật giáo vào việc giải thoát tâm linh và thống nhất chính trị, thống nhất ý chí toàn dân, đánh bại cả 3 lần quân xâm lược Nguyên Mông, tạo nên hào khí Đông A của vua tôi nhà Trần.
I. THÂN THẾ TRẦN NHÂN TÔNG (1258-1308):
Ngài là con cả của vua Trần Thánh Tông, một vị vua yêu nước và anh hùng. Ngài nổi tiếng về lòng khoan dung độ lượng, chủ trương một chính sách đoàn kết, khoan thư sức dân, tuyển mộ nhân tài cho bộ máy nhà nước ngang qua thi cử, và mở rộng tinh thần dân chủ. Trong thời trị vì có hai hội nghị nổi tiếng, Bình Than vào năm 1282 giữa vua và quan quân, và Diên Hồng vào năm 1284 giữa vua và các bô lão khắp cả nước. Kết quả là 50 vạn quân Mông Cổ bị đánh bại vào hai năm 1285 và 1288. Ngài cũng là một nhà thơ và nhà sáng lập Thiền phái Trúc Lâm đầu tiên mang sắc thái Việt Nam, là thiền phái thống nhất các thiền phái đương thời, đáp ứng nhu cầu tôn giáo của dân chúng và đã đóng góp vào việc xây dựng một nước Đại Việt độc lập, văn minh và hùng mạnh trước những thế lực từ bên ngoài. Chính dưới triều đại Trần Nhân Tông mà Phật giáo Việt Nam đạt đến tột đỉnh. Vào năm 1293, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con và một lòng theo Phật giáo. Năm 1298, ngài xuất gia, du hành khắp nước và đến nước Champa.
II. SỰ NGHIỆP TRẦN NHÂN TÔNG
1. Tư tưởng thiền học, triết học Trần Nhân Tông
Ngoài những tác phẩm chữ Hán Trần Nhân Tông còn sáng tác bằng chữ Nôm nữa: Cư Trần Lạc Đạo Phú và Đắc Phú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca.
安 子 日程, Yên Tử Nhật trình, (ấn bản năm Vua Bảo Đại thứ 7, SCN.1932): Đây là cuốn sách chính của nhà sư Chân Nguyên (1647 – 1726) viết về lịch sử và tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm mà Trần Nhân Tông là Sơ tổ. Và cuốn sách này hiện đã được in ấn, nghiên cứu và ứng dụng tại Việt Nam. Nội dung Tuyển tập chuyển tải tinh thần tĩnh lặng và thư thái của người Việt với phong cách văn học, bình dân. Nghiên cứu văn bản tập thơ Nôm “安 子 日程” là để hiểu đời sống tinh thần nội tâm và sự sống hòa hợp với môi trường sinh thái tự nhiên để có bài học vận dụng vào xã hội hiện nay.
Trần Nhân Tông chủ trương 心 宗, Tâm tông, hay “Định tâm / Tức tâm”. Trong bản khắc gỗ “安 子 日程” có một số từ có nghĩa này hoặc tương tự:
“Tâm nguyên không tịch vô vi
Ngộ được tức thì quả chứng Như Lai.”
“Liễu đạt tám chữ làm song:
‘Ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm’,
Vua ngồi tức lự trầm ngâm
Hoát nhiên đại ngộ mới thâm vào lòng”.
“Ai khôn có trí có công
Tu hành ngộ được ‘Tâm Tông’ mới mầu.”
Cái tâm cực kỳ quan trọng. Tất cả sự vật, hiện tượng do tâm sinh. Nếu tâm không sinh khởi thì chúng không có chỗ dựa. Khi đó, tâm không bị chướng ngại. Nếu không gặp thượng căn thì thận trọng lời hứa.
“Nhất thiết vạn pháp ,
Giai tòng tâm sinh,
Tâm vô sở sinh,
Pháp vô sở trú.
Nhược đạt tâm địa.
Ứng dụng vô ngại.
Phi ngộ thượng căn,
Thận vật khinh hứa.”[1]
Trí tuệ chân thật thì không có tướng nhân, tướng ngã và đồng nhất với Phật của 3 thời – quá khứ, hiện tại, vị lai – và đồng nhất với tánh của vạn pháp:
“Chân như Bát nhã tông,
Nhân không ngã diệc không.
Quá hiện vị lai Phật,
Pháp tính bản nguyên đồng.”[2]
Bài kệ này của Trần Nhân Tông tương tợ với câu kinh Kim Cương: “Nhược bồ tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, tức phi bồ tát.”[3] Tuy nhiên, Trần Nhân Tông đã mạnh dạn khi liên hệ với chư Phật ba đời trong khi Kinh Kim Cương chỉ liên hệ với bồ tát.
Trần Nhân Tông là người luôn sống với hiện tại, những vọng tưởng phân biệt liên hệ đến thời gian đều bị rơi rụng. Trong những cuộc đối đáp trình bày kiến giải về Phật pháp ngài thường thể hiện cái thực tại đang xảy ra:
“- Dùng công án cũ mà làm gì?
– Mỗi lần dùng đến lại mới tinh.
– Thế nào là truyền riêng ngoài giáo điển?
– Con ểnh ương nhảy không khỏi cái đấu.”[4]
Tinh thần nhập thế đi vào cuộc đời với cái tâm thanh tịnh, dừng tham ái, nghiệp lặng, tánh an:
“Mình ngồi thành thị;
Nết dùng sơn lâm.
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính;
Nửa ngày rồi tự tại thân tâm.
Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý.”[5]
Giúp người học đạo vượt qua vọng tưởng để quay về sống với thực tại bằng những câu trả lời không liên hệ câu hỏi, cắt đứt dòng suy nghĩ.
“Hỏi: Thế nào là gia phong của Phật quá khứ?
Đáp: Rừng vườn vắng vẻ không người quản,
Mận trắng đào hồng riêng tự hoa.
Hỏi:Thế nào là gia phong của Phật hiện tại?
Đáp: Nước trắng mênh mông chim én lạc,
Vườn tiên đào thắm gió xuân say.
Hỏi:Thế nào là gia phong của Phật vị lai?
Đáp: Đợi triều bên bể trăng gần mọc,
Nghe sao thuyền câu khách nhớ nhà.”[6]
Quan niệm về Phật A Di Đà rất minh triết, với tâm trong sạch, trí sáng suốt thì đó là tịnh độ, cực lạc ngay hiện tại không tìm đâu xa:
“Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương;
Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc.”[7]
Khi những suy nghĩ viển vông, những ham muốn bị dập tắt, Phật và con người đồng nhất:
“Bụt ở cong nhà
Chẳng phải tìm xa
Nhân khuây bản nên ta tìm bụt
Đến cốc hay chỉn bụt là ta”
Chính tư tưởng “Bụt là chính mình” càng khẳng định ý nghĩa độc lập về cả mặt chính trị và tôn giáo của các vị vua và thần dân dưới triều Trần. Trần Nhân Tông, vị lãnh đạo tối cao của Đại Việt và của Thiền phái Trúc Lâm, dùng chữ “Bụt” mà không dùng chữ “Phật” của phương Bắc thông thường! Từ Bụt phát xuất từ chữ Pali Buddha. Buddha = Budh +a. Budh là động từ có nghĩa tỉnh thức, chánh niệm, tỉnh giác, thấy, biết, hiểu. Từ Budh + tiếp vĩ ngữ a trở thành một danh từ có nghĩa là người thấy, biết, tỉnh thức… Và Buddha không phải là một danh từ riêng mà là một danh từ chung chỉ cho ai tỉnh thức, thấy, biết… Do vậy, Trần Nhân Tông, một vị thiền sư giác ngộ được xem là một vị Phật, Phật hoàng Trần Nhân Tông, thì cũng không có gì là lạ cả! Tư tưởng dân tộc này cũng góp phần không nhỏ vào tinh thần “hào khí Đông A” tự tin vào chính mình, kiên cường, bất khuất hay Bi-Trí-Dũng của Phật giáo thời nhà Trần.
Trần Nhân Tông xây dựng một mẫu người Phật tử mới của xã hội Đại Việt thời bấy giờ, là phải toàn vẹn từ trong tâm hồn ra đến mọi hành vi cử chỉ, từ trong gia đình đến đất nước:
“Sạch giới lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên bồ-tát trang nghiêm;
Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu.”[8]
Sau hai cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước thành công trước sự xâm lăng tàn bạo của quân Nguyên Mông chắc chắn đất nước bị tàn phá nhiều. Do vậy, việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng, phương tiện cầu đò cũng như chùa chiền để an tâm nhân dân là điều cấp thiết:
“Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu.”[9]
Tinh thần an cư lạc nghiệp của người Việt được Trần Nhân Tông miêu tả ở phần Kết thúc Cư Trần Lạc Đạo Phú như sau:
“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.”[10]
Ở đời tùy duyên mà vui với đạo. Đói thì ăn, mệt thì ngủ. Trong nhà có của báu thôi tìm kiếm. Đối cảnh mà vô tâm thì chớ hỏi thiền. Bài kệ mô tả một tinh thần an nhiên tự tại trong đời sống khi tâm thanh tịnh, bất động trước mọi hoàn cảnh. Bài kệ này được xem như là một chủ trương nhập thế, định hướng cho thiền phái Trúc Lâm của Trần Nhân Tông.
Tuy nhiên, Trần Nhân Tông cũng cảnh báo rằng, đông người học đạo nhưng số người ngộ đạo chỉ được một, hai:
“Phố người học đạo,
Vô số nhiều thay;
Trúc hóa nên rồng,
Một hai là họa.”[11]
Bài kệ sau cùng của Trần Nhân Tông trước khi mất:
“Tất cả pháp không sinh
Tất cả pháp không diệt
Nều hiểu được như vậy
Chư Phật thường hiện tiền.”[12]
Khí hiểu được các sự vật, hiện tượng không sinh, không diệt thì đó là trí tuệ bát nhã của chư Phật!
2. Tư tưởng chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội của Trần Nhân Tông
Trần Nhân Tông là một người văn võ song toàn, có tài có đức. Khi còn trẻ, ngài học thông tam giáo và hiểu sâu Phật điển. Ngay cả thiên văn, lịch số, binh pháp, y thuật, âm luật, không thứ gì là không mau chóng nắm được sâu sắc. Với cương vị lãnh đạo tối cao của dân tộc ngài đã thể hiện vai trò xuất sắc của mình trên nhiều phương diện.
Chính trị: Nhằm bảo vệ ngai vàng cũng như bảo vệ đất nước theo ba mục đích như được nêu trên, triều nhà Trần đặc biệt dưới thời Trần Nhân Tông là người đã biết sử dụng ý thức hệ Phật giáo Trúc Lâm như một khí cụ thống nhất và phát huy sức mạnh tổng lực của dân tộc. Sau chiến tranh, Trần Nhân Tông thực hiện một đường lối chính trị nhân đạo, chẳng hạn, ra lệnh đốt tất cả giấy tờ của những người xin đầu hàng giặc khi đang còn chiến tranh mà quân ta tịch thu được, làm cho mọi người yên tâm góp phần xây dựng đất nước.
Quân sự: Tài quân sự của triều nhà Trần nói chung và Trần Nhân Tông nói riêng được biểu hiện qua ba lần chiến thắng giặc Mông Cổ. Chỉ trong khoảng nửa thế kỷ đế quốc Mông Cổ đã bành trướng lãnh địa từ bờ tây Thái Bình Dương đến bờ đông Biển Đen. Người ta nói sức mạnh của chúng rằng: “Một khi guồng máy huỷ diệt bách chiến bách thắng của Mông Cổ chuyển động thì không gì có thể cản chúng được.” Thế nhưng, khi đến Việt Nam, dù đã rút được kinh nghiệm đánh Việt từ nhà Tống cũng như sau trận thất bại đầu tiên vào năm 1258, đế quốc Mông Cổ vẫn bị hai lần thảm bại (1285 và 1287-88) dưới tài chỉ huy trực tiếp của vua Trần Nhân Tông.
“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.”[13]
Niềm tin chiến thắng dầu việc quân đang gặp khó khăn:
“Cối kê cựu sự quân tu ký,
Hoan, Ái do tồn thập vạn binh.”[14]
Kinh tế: Vào năm 1293, chỉ trong thời gian bốn năm sau khi chiến tranh với Mông Cổ kết thúc với một nền kinh tế bị thiên tai và địch hoạ tàn phá nhưng nền kinh tế nước nhà dưới sự điều hành khéo léo của Trần Nhân Tông vẫn khởi sắc trên nhiều mặt như nông nghiệp, thương nghiệp trong nước, ngoài nước, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Và, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ nhanh dưới triều đại nhà Trần:
“Chưa có thời kỳ nào trong lịch sử Trung Cổ của Việt Nam mà nền công nghiệp, thương mại và đô thị phát triển như vậy và các nhà cai trị thời phong kiến lại khuyến khích phát triển như vậy. Thương nhân có quyền tự do kinh doanh. Tầng lớp thương nhân lớn trở thành tầng lớp tiến bộ nhất trong xã hội vào thế kỷ 13 và 14.”[15]
“Vào tháng 10, 1360 thuyền buôn từ Lopburi, Sukhothai (Thái Lan), Java đến Vân Đồn [Vân Đồn là một cảng biển ở Việt Nam lúc bấy giờ.] Để buôn bán và dâng những vật lạ.”[16]
“Việt Nam bốn bể cửu châu.
Hưng sùng đạo Bụt chợ quê khắp miền.”
Xã hội: Nhìn chung, xã hội Đại Việt thời bấy giờ được hoà bình, thịnh vượng như được ca ngợi bởi Trần Nguyên Đán, một vị hoàng tộc thời bấy giờ:
“Vận hội học thuật buổi Trung hưng hơn cả đời Hiên Viên, Phục Hy
Muôn họ ca hát thời thịnh trị
Tướng võ và quân hầu đều biết chữ
Thơ lại và thợ thuyền cũng biết làm thơ.”
3. Tư tưởng ngoại giao: chiến lược giữ nước lâu dài của Trần Nhân Tông
Trần Nhân Tông thực hiện một chính sách ngoại giao mềm dẻo và khôn khéo nhằm vừa đè bẹp ý chí xâm lược của kẻ thù, vừa duy trì hoà bình cho đất nước cũng như mở mang bờ cõi:
- Trong thời gian còn chiến tranh, nhằm trả lời yêu cầu của Hoàng đế giặc đòi vua Trần Nhân Tông vào chầu, ngài đã sai sứ qua tạ tội và dâng người vàng để thay thế bản thân mình .
Sau khi nhường ngôi cho con (1293) và xuất gia (1294) Thượng hoàng Trần Nhân Tông vẫn tiếp tục những hoạt động vì dân vì nước :
- Tinh thần nhập thế hay thế tục hoá Phật giáo của Trần Nhân Tông được thể hiện qua bài Cư trần lạc đạo phú, làm kim chỉ nam cho sự phát triển của Phật giáo ít lắm cũng kéo dài đến gần bốn thế kỷ tiếp theo (1300 – 1695).
- Dù đã xuất gia, Thượng hoàng Trần Nhân Tông cũng cầm quân đi đánh Ai Lao vào năm 1294.
- Tháng 2 năm 1295, tiếp phái bộ Lý Hành và Tiêu Thái Đăng do Nguyên Thành Tông lên ngôi gửi qua, báo việc bãi binh đánh Đại Việt. Và khi phái bộ này trở về nước, Thượng hoàng Trần Nhân Tông sai nội viên ngoại lang Trần Khắc Dụng và Phạm Thảo mang thư qua thỉnh Đại Tạng Kinh.
- Năm 1301 Thượng hoàng vi hành xa đến Chiêm Thành, năm 1306 gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm và năm 1307 được vua Chiêm Chế Mân làm lễ dâng cúng đất đai hai châu Ô, Lý tức Thần Châu và Hoá Châu hay Thuận Hoá, kinh đô của đất nước sau đó.
- Năm 1304, Thượng hoàng đi khắp các xóm làng để giáo hoá và trừ bỏ các việc thờ cúng kỳ lạ, dạy cho họ thực hành mười điều thiện như là một “chính sách quốc gia” của Phật giáo Việt Nam mà trước đó hơn nghìn năm đã được ghi trong Lục độ tập kinh, một tác phẩm của Khương Tăng Hội.
Tóm lại,
Qua sự phân tích về thân thế và sự nghiệp ở trên, Trần Nhân Tông quả xứng đáng với tên gọi Phật hoàng của nước Đại Việt hùng mạnh trên nhiều lĩnh vực, một sự kết hợp đỉnh cao giữa đạo Phật và độc lập dân tộc. Đặc biệt, triết lý nhân văn của Trần Nhân Tông chắc chắn giúp con người hướng đến một cuộc sống tích cực ngay trong hiện tại, biết giữ gìn môi trường sinh thái tự nhiên và xây dựng các mối quan hệ xã hội, quốc tế nhân hậu, bao dung.
Thích Tâm Đức
(Tham luận tại buổi Toạ đàm Doanh nhân họ Trần Việt Nam tại Quảng Ninh)
————
[1] Thơ văn Lý-Trần, II, tr. 519.
[2] Sđd., tr. 519
[3] Thái Hư Đại Sư, Kinh Kim Cang Giảng Lục, Thích Huệ Hưng dịch, Hà Nội: NXB. Hồng Đức, tr. 49
[4] Tam Tổ Thực Lục, Thích Phước Sơn dịch, Hồ Chí Minh: NXB. Tp. HCM, 1995, tr. 21.
[5] Thơ văn Lý-Trần, II, tr. 565
[6] Thơ văn Lý-Trần, II, tr. 495-6.
[7] Sđd., tr. 565.
[8] Sđd., tr. 507
[9] Sđd, tr. 508
[10] Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam – Viện Văn học, op.cit., tr. 510.
[11] Lý-Trần, II, tr. 535.
[12] Tam Tổ Thực Lục, Thích Phước Sơn dịch, Hồ Chí Minh: NXB. Tp. HCM, 1995, tr. 33.
[13] Thơ văn Lý-Trần, II, tr. 483
[14] Sđ d., tr. 482.
[15] Uỷ Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam – Viện Sử Học, Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý Trần, HN, 1981, tr. 296
[16] Uỷ Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam – Viện Sử Học, Sđd., tr. 140