Phụ Lục
Câu kệ 13-14
13. “Như ngôi nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.”
14. “Như ngôi nhà khéo lợp,
Mưa không xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm khéo tu,
Tham dục không xâm nhập.”
Đức Phật cho một hình ảnh, nếu như người thợ làm ăn cẩu thả, lợp mái nhà không đúng tiêu chuẩn thì mưa sẽ lọt vào, còn người thợ làm chuẩn, lợp mái đúng quy cách thì chắc chắn khi mưa, nước không thể lọt vào.
Người khéo tu thì đời sống tinh thần ngày càng an lạc, hạnh phúc, thanh thoát nhẹ nhàng, thoát khỏi khổ đau, giống như người tập thể dục, khi vận động thì cơ thể sẽ được khỏe mạnh.
Theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy thì chữ tu là Bhavana, là Thiền định.
Vào thời kỳ Đức Phật, Ngài nói hai câu: Im lặng như Chánh pháp và nói năng như Chánh pháp.
– Im lặng như Chánh pháp là Thiền định. Thiền định chính là tu. Còn những pháp môn về sau này như tịnh độ , trì chú,…, là trong quá trình phát triển của đạo Phật, các tổ sư dùng nhiều phương tiện, nhiều pháp môn khác nhau để truyền hoá tuỳ theo căn cơ của chúng sanh.
Chúng ta lưu ý, khéo tu ở đây chính là thiền định.
– Trong khi thiền định thì được nhất tâm, vì trong khi thiền định tâm an trú trên một đối tượng. Đối tượng đó là hơi thở vô, hơi thở ra. Đó là Chỉ, là dừng tâm lại trên một đối tượng.
Khi cột tâm lại như vậy thì tâm mới sáng suốt, lúc đó tâm mình mới được lắng đọng, thanh tịnh.
Không thiền định, tâm sẽ bị chạy lung tung, nghĩ ngợi chuyện này chuyện khác, gọi là tâm viên ý mã, tâm như con vượn, ý như con ngựa, chạy chỗ này chỗ kia, con người sẽ bị phiền não .
– Trong Thiền định, ngoài Chỉ còn có Quán, là quán tưởng.
Quán tưởng cái thân này, quán tưởng cái cảm xúc này, quán tưởng những tư tưởng nằm trong tâm trí là đối tượng của ý, và quán tưởng những pháp. Tất cả là đang sinh ra và đang diệt đi, không có tồn tại thường hằng.
Nhờ quán xét được sự vô thường, khổ và vô ngã của bốn lĩnh vực quán niệm này mà con người nhàm chán rồi sanh tâm ly tham, không còn đắm say bất kỳ chuyện gì, từ đó được giải thoát, không còn bị buộc ràng về các pháp hữu vi nữa, ví dụ như tham đắm sắc đẹp, danh vọng, tiền bạc, ăn uống ngủ nghỉ,…
Vì vậy mà người khéo tu, khéo thiền định thì tham dục không xâm nhập được.
Có một bài Kinh, một vị Tỳ kheo nói rằng: Bạch Thế Tôn, tại sao con biết mặc dù tham dục là nguyên nhân của khổ đau, nhưng tại sao con vẫn không đối trị được tham dục.
Lúc đó Đức Phật đã trả lời rằng, tại vì ngươi thiếu thực hành thiền định.
Thích Tâm Đức