Ba cách đối trị phóng dật

Nội dung chính
Comments

Phụ Lục

Câu kệ 23 – 24

23. “Người hằng tu thiền định,
Thường kiên trì tinh tấn.
Bậc trí hưởng Niết Bàn,
Ách an tịnh vô thượng.”

24. “Nỗ lực, giữ chánh niệm,
Tịnh hạnh, hành thận trọng
Tự điều, sống theo pháp,
Ai sống không phóng dật,
Tiếng lành ngày tăng trưởng.

Người không phóng dật có những đặc tính như thiền định, tinh tấn, chánh niệm. Ba điều nằm trong chân lý thứ tư là Đạo đế hay là Bát chánh đạo. Bát chánh đạo là con đường giúp chúng sanh thoát khỏi khổ đau. Đó là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Trong câu kệ này, nêu lên ba phương pháp có thể giúp cho con người đối trị lại với phóng dật.

+ Cách 1 :

   – Chánh niệm là an trú, nhớ nghĩ một cách chơn chính, hãy an trú tâm vào một đối tượng. Ví dụ an trú tâm vào đối tượng là Phật Thích Ca, Bồ tát Quan Thế Âm hay Phật Di Lặc … hoặc an trú tâm vào hơi thở. Chánh niệm là một đức tính, nó tập cho chúng ta có một thói quen mới là an trú tâm vào một đối tượng. Khi phóng dật thì tâm chạy nhảy như tâm viên ý mã, chánh niệm là dừng lại. Đức Phật kể một câu chuyện:

Có một hôm, Đức Phật đi ngang qua một khu rừng, Ngài gặp một nhóm thanh niên, họ chặn Đức Phật lại và hỏi rằng:

   – Này ông Sa môn kia, ông có thấy cô thiếu nữ chạy ngang qua đây không?

Đức Phật không trả lời và tiếp tục đi.

Mấy người thanh niên này cảm thấy bị xúc phạm và rất bực bội. Họ rượt đuổi và định hành hung Đức Phật. Ngài dùng thần thông đi từ từ, nhưng mà nhóm thanh niên kia đuổi nhanh mà vẫn không bắt kịp được. Thế rồi nhóm thanh niên kia mới nói:

   – Này Sa môn kia, hãy đứng lại.

Lúc đó Đức Phật trả lời:

   – Ta đứng lại đã lâu rồi, chỉ có các ngươi là chưa đứng lại mà thôi.

Những thanh niên kia chưa đứng lại vì chạy đi tìm cô gái, đi tìm thú vui của thế gian, đi tìm cầu chỗ nọ chỗ kia, đây là phóng dật. Còn Đức Phật: “Ta đã đứng lại rồi ’’ nghĩa là không còn chạy theo thú vui của thế gian nữa.

Thực tập chánh niệm là ta tìm một đối tượng để mà cột tâm lại. Đức Phật dạy:  “Này các Tỳ kheo, khi chân trái ngươi bước tới thì ngươi phải biết rằng chân trái đang bước tới, khi chân phải bước tới thì các ngươi phải biết chân phải đang bước tới. Khi ngươi quay đầu qua trái thì ngươi biết ngươi đang quay đầu qua trái, khi ngươi quay đầu qua phải thì ngươi biết đang quay đầu qua phải.”                                    

Ở trong các tự viện, các Sa di mới vào xuất gia tu hành thì được học các luật Sa di là phải đọc chú cho mỗi hành vi cử chỉ như khi nghe chuông thức dậy, bước xuống giường, súc miệng đánh răng … mọi hành vi đều phải đọc chú. Mục đích là nhắc nhở thực tập chú tâm vào các sinh hoạt hằng ngày, gọi là chánh niệm.

Trong đời sống hàng ngày chúng ta cũng cần phải tập, thí dụ đang nghe pháp thì tập trung vào nghe pháp, đang nấu ăn thì tập trung vào nấu ăn,… Không nên khi đang nghe pháp hoặc đang nấu ăn mà tâm cứ nghĩ ngợi chuyện nọ chuyện kia. Khi thân đang như thế nào thì tâm nhận biết như thế gọi là chánh niệm. 

+ Cách 2 :

   – Tinh tấn là nỗ lực. Có 4 nỗ lực :

      – Những việc ác, bất thiện nào mà chưa làm thì cương quyết không làm.

      – Những việc ác, bất thiện đã làm thì cương quyết không làm nữa.

      – Những thiện pháp chưa làm thì tinh tấn làm .

      – Những việc thiện đã làm rồi thì tinh tấn nổ lực làm thêm.

+ Cách 3

   – Chánh định. Niệm sẽ dẫn tới định. Trong cuộc sống hằng ngày hành vi cử chỉ như thế nào thì tâm rõ biết như vậy. Khi thực hành chánh định thì ngồi trong tư thế kiết già, lưng thẳng để niệm trước mặt và bắt đầu theo dõi hơi thở, thở vô rõ biết  hơi thở vô, thở ra biết rõ  thở ra. Đến một lúc nào đó 15 phút, nữa giờ hay một tiếng sau, với ai căn cơ đầy đủ, khi chánh niệm như vậy tâm mình sẽ lắng yên và sẽ cảm nhận được một trạng thái tâm bất động. Ví như một cây đèn sáp khi bị gió tác động thì nó lung lay, khi hết gió rồi thì nó đứng yên.

Hai câu kệ này chỉ cho chúng ta cách đối trị phóng dật.

Phật tử có thể tập được, như đang quét sân chùa thì tập trung vào việc quét sân không nghĩ ngợi chuyện khác, làm việc gì thì tập trung vào việc đó. Những ai hàng ngày huân tập như vậy thì có khà năng đối trị với tâm buông lung. Trong kinh cho biết với chánh niệm, chánh tinh tấn, chánh định như vậy người trí sẽ được Niết bàn. Niết bàn có mặt ngay trong cuộc đời này, ngay hiện tại. Theo quan niệm của Phật giáo Nguyên thủy thì Niết bàn không phải ở đâu xa mà ở trong tầm tay của con người. Những ai có thiền định sẽ có trạng thái này. Trong kinh điển Phật giáo Nguyên thủy có nêu lên có nhiều cư sỹ tin vào Tam bảo và hành trì thiền định thì chứng được bất tử. Bất tử là một tên gọi khác của Niết bàn.

Phật tử vẫn có khả năng chứng ngộ, quan trọng hành trì đúng là chánh niệm, chánh tinh tấn và chánh định. Chúng ta tu tập qua những công việc hàng ngày, không phải cứ đến chùa mới tu, mà tu bất kỳ ở đâu, an trú tâm trong bước chân đi, trong từng hành vi cử chỉ, lời nói,…

Khi xưa, Đức Phật ban ngày đi khất thực, thuyết pháp, ban đêm ngồi thiền, nằm nghỉ theo dáng con sư tử là nằm nghiêng một bên và tâm khởi lòng đại bi đến tất cả chúng sinh. Đức Phật luôn an trú tâm.

Người  hành trì như vậy thì tiếng lành ngày càng tăng trưởng, càng vang xa. Trong kinh điển nói những người có đức hạnh như vậy hương thơm bay ngược gió. Hương thế gian bay xuôi theo chiều gió nhưng hương người đức hạnh bay ngược gió, lan tỏa khắp nơi.

Thích Tâm Đức

Nội dung chính
Comments


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *