Một tách trà

Nội dung chính
Comments

Phụ Lục

Ý nghĩa bài giảng: Thiền (với những pháp tu hằng ngày như Hộ trì 6 giác quan, Chánh niệm tỉnh giác, Chú tâm cảnh giác…) giúp đầu óc chúng ta được rỗng không, bình an! 

Hôm nay chúng tôi, tỳ kheo Thích Tâm Đức tại thiền viện Vạn Hạnh xin chia sẻ một câu chuyện thiền có tựa đề: Một tách trà. Như thường lệ chúng ta đến đây để được hướng dẫn thực tập thiền cơ bản là thiền chỉ. Thiền chỉ là dừng tâm lại trên một đối tượng. Đối tượng đó ở đây là hơi thở, tuy đơn giản nhưng giúp cho cơ thể và tâm thức tốt đẹp. Sự tốt đẹp này vận dụng trong cuộc sống hằng ngày sẽ làm cho mối quan hệ giữa ta với người xung quanh và xã hội được tốt đẹp.

Trong vấn đề tu học cần học hỏi, trao đổi lẫn nhau nhất là trên pháp môn thiền, vì vậy ngang qua những câu chuyện thiền giúp chúng ta biết những người hành thiền suy nghĩ, hành xử thế nào trong cuộc sống. Thiền mà chúng tôi hướng dẫn cho quý vị là thiền cơ bản: thiền chỉ. Tuy nhiên có phần thứ hai rất quan trọng là thiền quán. Vì lớp học của chúng ta đây có nhiều đối tượng, nhiều trình độ khác nhau, nên thiền quán chúng tôi có chia sẻ ở trong website: www.tamduc.net.vn. Với những bài giảng đó quý vị có thể tìm thấy những gợi ý về thiền quán, ví dụ trong video “Yoga và Thiền”, hoặc trong bài giảng “Ý niệm và thực tại trong thiền Phật giáo”, quý vị có thể tìm thấy trên Youtube hoặc website của chúng tôi, quý vị có thể mở nghe để biết phần nào về thiền quán. Muốn thiền quán tốt đẹp chúng ta phải biết về thiền chỉ, về định tĩnh, rồi qua thực hành thiền quán có hiệu quả hơn. Bây giờ chúng ta đi vào nội dung câu chuyện thiền này:

MỘT TÁCH TRÀ

Nam Ẩn (Nan-in), Thiền sư Nhật sống vào thời Minh Trị (1868-1912), tiếp một giáo sư đại học đến hỏi về Thiền.

Nam Ẩn đãi trà. Sư rót trà vào tách của khách, đến khi tách đã tràn mà sư vẫn tiếp tục rót.

Vị giáo sư ngồi nhìn nước tràn ra ngoài, đến lúc không chịu đựợc nữa kêu lên, “Đầy quá, hết chỗ chứa rồi!”

Nam Ẩn nói, “Cũng giống như cái tách này, ông đầy ắp những quan niệm, những suy lý, làm sao tôi có thể chỉ Thiền cho ông được, trừ phi ông cạn cái tách của ông trước?”

Câu chuyện thiền chỉ đơn giản như vậy. Sự tiếp xúc giữa một giáo sư đại học đầy ắp kiến thức và một vị thiền sư. Ngang qua câu chuyện này, vị thiền sư trả lời với đầu óc của ông đầy ắp kiến thức, ý niệm, quan điểm thì làm sao tôi có thể bày tỏ thiền cho ông được. Vị thiền sư đã gợi ý thiền là một hoạt động cần thiết làm cho đầu óc nhẹ đi, vơi đi, trống không đi.

Đôi khi khổ, phiền não đầy ắp mặc dù chúng ta có trình độ rất cao. Những nhà học giả với những kiến thức, tư tưởng như vậy nếu như không khéo thì cũng bị khổ tâm, phiền não chi phối. Tâm thức như một cái máy vi tính, khi mới mua về đang còn trống thì chạy nhanh vì ổ cứng chưa có dữ liệu nào hết. Đến khi sử dụng càng nhiều nếu chứa đầy dữ liệu, máy mạnh thế nào thì vẫn chạy chậm. Máy móc thế nào thì tâm trí như thế đó. Đầu óc làm liên tục một vấn đề gì thì sẽ mỏi mệt và không thể làm tiếp công việc đó.

Nên khéo xử dụng bộ óc, nếu nó chứa đựng nhiều thông tin quá thì cần xả bớt đi, chưa kể hoạt động của tâm thức phứt tạp hơn máy vi tính vì dễ gây ra hý luận, vọng tưởng. Như có một câu chuyện ngụ ngôn nói lên suy nghĩ của con người. Có hai cha con cỡi con lừa đi trên con đường làng thì gặp một nhóm nông dân. Nhóm nông dân này thốt lên hai cha con độc ác, con lừa nhỏ vậy mà hai cha con to lớn vậy mà ngồi trên con lừa, người cha sau khi nghe nói vậy thì nhảy xuống. Hai cha con tiếp tục đi một đoạn nữa gặp một nhóm nông dân thứ hai, họ lại thốt lên người con kỳ quá, trẻ vậy mà không nhường cho cha mình, người con nghe vậy nhảy xuống nhường cho người cha. Hai cha con đi tiếp một đoạn gặp nhóm dân làng thứ ba, nhóm dân làng này nói ông cha độc ác, con còn nhỏ vậy mà không thương con, hi sinh cho con để con đi bộ còn mình ngồi trên lưng lừa. Người cha nghe vậy nhảy xuống, hai cha con đi bộ dắt con lừa đi. Đi một đoạn nữa gặp nhóm người thứ tư, nhóm này nói: hai cha con ngu ngốc quá, đi bộ chi cho khổ trong khi để con lừa đi không. Đây là một câu chuyện ngụ ngôn ngụ ý con người chúng ta sống trong cuộc đời này nói kiểu gì cũng được, mình hay gọi là thị phi đúng sai. Học giỏi cũng chê, học dở cũng bị chê. Câu chuyện này nói hoạt động của con mắt khi nhìn hai cha con như vậy đưa tới bốn nhóm dân làng với bốn suy nghĩ khác nhau. Đức Phật gọi đó là hý luận, vọng tưởng.

Câu chuyện Một tách trà cho chúng ta nội dung câu chuyện thiền thanh lọc đầu óc nhẹ nhàng, trống không, không còn vọng tưởng đầy những quan niệm, tư tưởng. Thiền giúp cho đầu óc chúng ta thoáng đi, bao dung hơn, không còn cố chấp.

Nhưng làm gì cho đầu óc trống không? Câu chuyện này chỉ cho một thông tin là thiền giúp đầu óc an lạc, không còn đầy ắp kiến thức nữa. Nhưng trong câu chuyện không chỉ cách làm sao để được như vậy. Làm sao để đầu óc được an lạc? làm sao đầu óc không còn chứa đầy kiến thức đó nữa, dù là kiến thức tốt hay xấu đều làm con người chúng ta mỏi mệt. Làm cách nào đây?

Nhiều người đến chùa, vô ngồi trong chùa để tìm sự thảnh thơi, an lạc vì ở nhà nói những câu chuyện thế gian rắc rối. Họ không nhất thiết phải vào trong Chánh điện, họ ngồi ngoài khuân viên, trên ghế đá hay sân chùa để trầm tư một mình thì cảm giác phiền não tan biến. Chuyện này là có, nhưng đó là khi có điều kiện, mình không chủ động được. Vấn đề ở đây làm sao chúng ta chủ động được? Khi muốn an là an, không cần phải đến khuân viên nhà chùa. Muốn vậy thì phải tập luyện, ngoài biết phương pháp còn phải siêng năng tập luyện để tạo thói quen mới.

Ngang qua lời Đức Phật dạy có một số phương pháp giúp đầu óc được nhẹ nhàng, thảnh thơi. Cách thứ nhất là hộ trì sáu giác quan, con người ai cũng có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Ngang qua sáu giác quan này bộ óc thu nhận thông tin từ bên ngoài vào, Bộ óc như một vô tuyến đặc biệt, vừa thu, vừa phát tín hiệu ngang qua sáu giác quan. Chẳng hạn mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý đối với pháp. Nó không chỉ nhận thông tin từ bên ngoài vào mà còn nhận thông tin từ bên trong, từ trong tiềm thức vọng ra. Ví dụ như chúng ta có những người thân mất nhiều năm, những câu chuyện vui, chuyện buồn đã nhiều năm nhưng bộ óc vẫn lưu giữ trong tiềm thức. Chúng lưu giữ rồi hiện ra, như bạn bè thân mất liên lạc lâu ngày rồi bỗng nhiên nhớ lại. Những chuyện buồn, vui từ xa xưa bỗng hiện ra lại, đây là ý đối với Pháp.

Khi nó hiện ra, sáu giác quan tiếp xúc sáu đối tượng tạo ra chuỗi duyên sinh như Đức Phật dạy, mắt thấy sắc cho ra nhãn thức, ba pháp này hoà hợp cho ra nhãn xúc, xúc sanh thọ, thọ cho ra tưởng, tưởng cho ra tác ý, tác ý dẫn đến hý luận vọng tưởng. Do vậy, sáu giác quan hay sáu cửa sổ để bộ óc tiếp nhận thông tin từ bên ngoài vào cũng giống như từ bên trong hiện lên, nếu chúng ta không cảnh giác thì sẽ mỏi mệt vì nhận thông tin liên tục, Mặc dù mình không cố ý nhưng những gì mắt thấy tai nghe đều nằm ở đó làm cho chúng ta mỏi mệt, phiền não.

Đức Phật dạy khi sáu giác quan hoạt động chúng ta cần hộ trì nó. Hộ trì chính là gìn giữ, như mắt thấy sắc không được nắm tướng chung, không được nắm tướng riêng, phàm có hỷ, ưu khởi lên phải đoạn trừ. Khi mắt thấy sắc dù sắc xấu hay sắc đẹp thì không được nắm tướng chung, không được nắm tướng riêng. nếu như sau khi tiếp xúc đối tượng đó tâm khởi lên vui buồn là phải chặn lại liền. Người Miến điện hộ trì sáu căn bằng cách nói ”thấy à”, như mắt thấy một đối tượng dù xấu dù đẹp thì họ thốt lên liền “thấy à”. “Thấy à” là dừng lại, đừng tiếp tục thêm nữa, để gợn sóng đầu tiên không tiếp tục lan rộng ra.

Tương tự như vậy cho tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Như chúng ta ngồi đây, bỗng nhiên hình ảnh của mẹ mình mất lâu rồi hiện ra, khi mẹ vừa hiện ra, nếu chúng ta học Phật chúng ta sẽ nói “nhớ à” nghĩa là dừng lại, không phải là chúng ta không có tình cảm mà đó là trí tuệ. Đạo Phật là đạo của Bi, Trí, Dũng. Khi mẹ đang còn sống thì như lời Phật dạy là chúng ta nuôi dưỡng mẹ về vật chất, tạo điều kiện cho mẹ đến chùa tu tập về tinh thần để mẹ buông xả tất cả những chuyện của thế gian thấy được sự bình an ngay khi còn sống. Sau khi mẹ mất thì cúng giỗ để nhớ ơn, giúp đỡ bà nếu bà chưa được giải thoát còn trong trạng thái hương linh ở cõi ngạ quỷ (Peta). Chúng ta tu tập hồi hướng công đức đến mẹ để mẹ đi đến được cảnh giới an lạc. Khi hình bóng mẹ hiện ra phải chặn lại, đừng để miên man suy nghĩ nhớ mẹ, vì càng nhớ càng đau khổ, càng mỏi mệt. Đức Phật dạy hình bóng đó chỉ là ảo giác, Ngài dạy: “Quá khứ không truy tìm”, vì quá khứ đã đoạn tận, mẹ đã mất rồi nên cần phải dừng lại. Dừng lại không phải là sự bất hiếu mà để nhận được sự bình an. Nếu hương linh của mẹ thấy con, cháu bình an cũng rất vui. Không hương linh nào vui khi thấy người thân buồn khổ, ai cũng muốn người thân của mình được an lạc. Đây là diễn giải ra một chút của hộ trì 6 giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Nếu chúng ta tập như vậy sẽ thấy đầu óc nhẹ nhàng rất nhiều, khi mắt thấy sắc là thấy vô tư như một đứa trẻ, không phải không biết mà là buông xả, không phê phán, không khen, không chê, không làm cho đầu óc như những làn sóng nước lăn tăn đưa đến hý luận, vọng tưởng. Nếu quý vị tập được điều này sẽ làm cho đầu óc nhẹ nhàng một cách chủ động.

Tiếp theo của hộ trì các căn là chánh niệm tỉnh giác. Đối với các vị Tỳ kheo, từng hành vi cử chỉ phải rõ biết. Chân trái bước tới là tâm rõ biết chân trái bước tới, chân phải bước tới là tâm rõ biết chân phải bước tới. Hành giả phải luôn để tâm, an trú trong từng hành vi, cử chỉ, ví như xâu chìa khoá, đôi dép,…để chỗ nào là phải để ý. Trong khi để ý tới những hành vi, tâm khởi lên tham, ưu thì phải đoạn trừ. Tham ở đây là tham đắm, ưu là ưu phiền, thích hay không thích đều phải được đoạn trừ, như vậy gọi là chánh niệm và tỉnh giác. Chánh niệm là an trú trên hành vi, tỉnh giác là không để cho tâm tư đi vào hý luận vọng tưởng.

Tương tự vậy, Đức Phật dạy trong khi hành thiền nhớ niệm hơi thở ra vô, khi hơi thở vô biết rằng hơi thở đang đi vô, khi thở ra biết rằng hơi thở đang đi ra và nhớ nhiếp phục tham, ưu ở đời. Trong khi niệm hơi thở vô, ra nếu tâm khởi lên tham, sân, si là phải đoạn trừ, ngăn chặn đừng cho phát khởi.

Với thời gian có hạn trong buổi nói chuyện này chúng tôi chia sẻ với quý vị câu chuyện thiền và ngang qua sự phân tích những lời dạy của Đức Phật có liên hệ đến câu chuyện này để sau khi ngồi thiền xong, sống trong đời sống hàng ngày chúng ta có thể áp dụng thiền trong mọi lúc. Hãy tập sống với một thói quen mới, thói quen này cần làm mạnh lên thông qua sự nỗ lực của từng người. Với sự nỗ lực không ngừng, chúng ta đang thay đổi nếp sống, làm cho con người ngày càng an lạc hơn, vui vẻ hơn và sẽ nếm được hương vị giống như Đức Phật.

 Thích Tâm Đức

(Giảng tại Thiền Viện Vạn Hạnh, 750 Nguyễn Kiệm, Phường 4, Quận Phú Nhuận, Tp. HCM. Ngày 0311-2014)

Nội dung chính
Comments


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *