Giáo dục cho công chúng, giáo dục tín ngưỡng và truyền thông

Nội dung chính
Comments

Phụ Lục

Nhằm đạt mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh” trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam bước vào tiến trình toàn cầu hoá, Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp bao gồm Giáo dục công chúng, Giáo dục tín ngưỡng và Truyền thông.

  1. Giáo dục cho công chúng:

Tỉ lệ người Việt Nam biết chữ hiện nay chiếm 91% dân số. Được vậy, vì ngoài hệ thống đào tạo học sinh, sinh viên thuộc trường học các cấp thuộc hệ chính quy hay bổ túc, phổ thông hay chuyên môn, khoa học kỹ thuật thuộc Bộ Giáo dục đào tạo, Nhà nước Việt Nam còn quan tâm đến việc giáo dục cho công chúng về nhiều lãnh vực của khoa học –  đời sống, kinh tế – xã hội, giữ gìn bản sắc dân tộc, môi trường, hoà bình nhân loại, và an ninh, cụ thể như: Em tìm hiểu khoa học; Khoa học và đời sống; Tư vấn hôn nhân gia đình; Thế giới đó đây; Nông thôn ngày nay; Bạn nhà nông: Phân hữu cơ cho nông sản sạch; kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi; Cây xoá đói giảm nghèo;  Làm giàu không khó; Luật giao thông; Căn nhà tình nghĩa; Trúc xanh; Văn hoá và đời sống; Mở kho tàng kiến thức; Thường thức gia đình; Dạy tiếng Anh; Danh nhân đất Việt ; Đất nước mến yêu: Văn hoá làng nghề ở Huế; Dân số và phát triển; Thế giới công nghệ; Nghệ thuật và cuộc sống; Gia đình và trẻ em; Sức khoẻ cho mọi người; Hành tinh xanh: Dõi theo sự biến đổi của khí hậu; Bảo vệ môi trường; Môi trường: nuôi cá tra ồ ạt và nguy cơ phá vỡ môi sinh; Quà tặng cuộc sống: hình dung về một thế giới hoà bình; Chuyện cảnh giác.

  1. Giáo dục tín ngưỡng:

Dân số Việt Nam vào năm 2004 là 82,689,518 người. Việt Nam là một quốc gia có nhiều người theo đạo: Phật giáo trên 70% dân số; Thiên chúa giáo 10%, Tin Lành giáo 606,000 tín đồ; Hồi giáo hơn 64,000 tín đồ; Đạo Cao Đài gần 2,500,000 tín đồ và Đạo Hoà Hảo gần 1,232,000 tín đồ.

Pháp lệnh của Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng là: “Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy…Nhà tu hành có trách nhiệm thường xuyên giáo dục cho tín đồ lòng yêu nước, thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân và ý thức chấp hành pháp luật…Nhưng không được lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hoà bình, độc lập, thống nhất đất nước…Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm tập hợp đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Nhìn chung, các tôn giáo tại Việt Nam giáo dục cho tín đồ ý thức “tốt đạo đẹp đời”, phát triển Giáo hội trong lòng dân tộc, và sống hoà bình với nhau.

Phật giáo là một tôn giáo lớn được truyền vào Việt Nam từ đầu Công nguyên. Năm 1981, 9 tổ chức hệ phái Phật giáo thống nhất thành 1 tổ chức chung là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” với đường hướng hoạt động “Đạo pháp –  Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”. Phật giáo tại Việt Nam hiện có 38.866 tăng ni, trong đó PG Khmer có 7.602 tăng. Cả nước có 4 trường Đại học Phật giáo, 7 trường Cao đẳng và 30 trường Trung cấp Phật học. Hiện cả nước có 40 Tăng Ni sinh tốt nghiệp tiến sĩ nước ngoài và đang phục vụ cho Giáo hội.; và hơn 200 Tăng Ni sinh đang theo học các chương trình hậu đại học ở nước ngoài. Ngoài ra, nhằm tăng cường công tác giáo dục Phật tử tại gia, Giáo hội đã đào tạo bốn khoá Cao cấp giảng sư. Để việc giáo dục tín ngưỡng được hiệu quả hơn, các vị hoằng pháp đã kết hợp thuyết giảng và tặng quà cho đồng bào nghèo ở vùng sâu vùng xa. Giáo hội đã tổ chức Hội thi giáo lý cho Phật tử tại ba miền Bắc – Trung – Nam và sau đó là Hội thi Trung ương. Giáo hội cũng đã tổ chức nhiều hình thức tu học cho Phật tử như Đạo tràng Bát quan trai, Niệm Phật… Để tạo thêm tín tâm cho công chúng, Giáo hội đã tổ chức các công tác từ thiện – xã hội như: hiến máu tình nguyện, cứu trợ, uỷ lạo cho đồng bào vùng sâu vùng xa, các trại mồ côi, người già tàn tật, hay tham gia công tác học tập phòng chống HIV, AIDS, thuyết pháp ở các trại phục hồi nhân phẩm.

Công giáo được truyền vào Việt Nam từ năm 1533 và cho đến nay đã có mặt ở hầu hết các tỉnh và thành phố. Năm 1980, Hội đồng Giám mục Việt Nam được thành lập với đường hướng “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc”. Hiện có trên 2.772 linh mục, 73 dòng tu với gần 13.000 tu sĩ nam nữ, với 7 Đại chủng viện. Các chức sắc được đào tạo trong nước và ngoài nước.

Tin Lành xây dựng cơ sở đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1911, và đến năm 1927 chính thức thành lập Hội thánh Tin lành Việt Nam trong phạm vi cả nước. Năm 1958, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) được thành lập, hoạt động theo đường hướng “Yêu tổ quốc, bảo vệ hoà bình, thực hiện công bằng, bác ái, tự do, bình đẳng lao động”. Hiện nay, Hội này có hơn 6000 tín đồ. Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân vào năm 2001 với đường hướng hoạt động “Sống Phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc”. Hội này có hơn 600.000 tín đồ, hàng trăm mục sư truyền đạo. Tôn giáo này được phép mở lớp Thánh kinh tiểu học vào các khoá hè, và bồi dưỡng giáo lý hàng quý cho các Mục sư truyền đạo. Tôn giáo này phát triển mạnh ở hai khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên ỏ Việt Nam.

Cao Đài chính thức ra đời năm 1929 tại Nam bộ. Giáo lý và cách thức hành đạo của đạo này là tổng hợp các tôn giáo, nhất là tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên” (Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo) và những nét văn hoá, tín ngưỡng ở Nam bộ. Đạo này có các chi phái khác nhau. Từ năm 1995 đến năm 2001, các chi phái này lần lượt được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân về tổ chức. Đạo này hoạt động theo đường hướng “Phụng đạo – yêu nước”. Đạo này có gần 10.000 chức sắc, 1.205 cơ sở thờ tự ở 37 tỉnh, thành trong cả nước, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Nam bộ.

Hoà Hảo ra đời ở Nam bộ vào năm 1939. Người sáng lập là Ông Huỳnh Phú Sổ. Thực hành của đạo này là học Phật, thực hiện Tứ Ân: Tổ tiên cha mẹ, Đất nước, Tam bảo, đồng bào nhân loại. Năm 1998, đạo này được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân về tổ chức, và hoạt động theo đường hướng “Vì đạo pháp, vì Dân tộc”. Đạo này hoạt động chủ yếu ở các tỉnh miền Tây Nam bộ và có những lớp Giáo lý hoăc Bồi dưỡng giáo lý.

Hồi giáo chính thức truyền vào dân tộc Chăm (Nam Trung bộ) khoảng thế kỷ thứ XVI. Đạo này có hai phái: Một phái là Hồi giáo chính thống (Islam) và một phái là Hồi giáo pha trộn với đạo Bà la môn và chế độ mẫu hệ của dân tộc Chăm (Bàni). Về mặt tổ chức, hiện nay có 3 tổ chức Hồi giáo được Nhà nước công nhận lần lượt vào năm 1992 và 2006. Đạo này có 695 chức sắc, 77 thánh đường, tập trung chủ yếu ở Nam Trung bộ và  Nam Việt Nam.

Ngoài 6 tôn giáo nói trên, ở Việt Nam còn có một số nhóm tôn giáo địa phương hoặc có liên quan đến Phật giáo và tín ngưỡng nhân gian, hoặc du nhập ở bên ngoài vào, như: Tịnh độ Cư sĩ Phật hội, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ ân hiếu nghĩa, Tổ tiên chính giáo, Ngũ chi minh đạo, Bà la môn, Bàhai.. với khoảng trên dưới 1.000.000 tín đồ và hàng trăm cơ sở thừa tự. Hiện nay, Nhà nước đã và đang xem xét cấp đăng ký hoạt động cho các tổ chức này theo quy định của pháp luật.

  1. Truyền thông:

Ngày nay, sự bùng nổ công nghệ thông tin với những phương tiện truyền thông hiện đại đã giúp việc giáo dục công chúng và giáo dục tín ngưỡng càng được thuận lợi. Ở Thủ đô và các tỉnh, thành phố đều có các đài phát thanh và truyền hình của Nhà nước, và các đài phát thanh này được tiếp sóng đến tận làng xã, vùng nông thôn và thường được phát thanh ngày hai lần, buổi sáng sớm trước khi mọi người đi làm việc và chiều tối sau khi mọi người về lại nhà. Ngoài ra, còn có nhiều báo in, báo điện tử, tạp chí, băng dĩa.

Phật giáo có “Tuần báo Giác Ngộ”, “Tạp chí Văn Hoá Phật giáo”, “Tạp chí Nghiên cứu Phật học”, “Tập văn Phật giáo Nguyên thuỷ” và nhiều Website Phật giáo như www.phattuvn.org, www.langmai.org, www.daophatngaynay.com, www.vinhnghiem.com, nhiều Nội san của các chùa, và những sách nói dưới dạng CDMP3 như là “Đại tạng kinh Việt Nam” và “Diệu Pháp Âm”. Công giáo có Tạp chí “Công giáo và Dân tộc”, “Người Công giáo Việt Nam”. Tin Lành có bản tin “Thông Công” và “Mục vụ”. Phật giáo Hoà Hảo có tạp chí “Hương Sen”.

KẾT LUẬN:

Nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, Việt Nam nay là thành viên chính thức của WTO và là điểm đến hấp dẫn cho những nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư nước ngoài. Trong nước, đời sống dân chúng ngày càng cao. Việt Nam cũng là điểm đến an toàn cho khách du lịch nước ngoài và ngày càng có nhiều Việt kiều mong muốn trở về quê hương để xây dựng đất nước hay là để được sống an vui với những tôn giáo thân thương đang nở rộ tại quê nhà.

Thích Tâm Đức 

(Tham luận tại New Zealand)

Nội dung chính
Comments


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *