Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc 2008 (PL.2552) tại Việt nam với niềm tin và trí tuệ

Nội dung chính
Comments

Phụ Lục

Vui thay Phật ra đời!

Vui thay Pháp được giảng!

Vui thay Tăng hoà hợp!

Năm nay, 2008 cũng là Phật lịch 2552, nước Việt Nam ta vinh dự đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại: Lần đầu tiên một tổ chức quốc tế – Liên hợp quốc – đã tổ chức Đại lễ Phật Đản tại Thủ đô Hà Nội, Việt Nam! Đây là một lễ hội văn hoá thế giới do Liên hợp quốc khai sinh và chủ xướng, nhằm tôn vinh Đức Phật – một biểu tượng an lạc & hoà bình thật sự và muôn đời cho toàn thể nhân loại trên hành tinh này.

Phật tử chúng ta và giới trí thức tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới tôn kính Ngài không phải vì Ngài là hiện thân của một đấng thần linh toàn năng nhưng phi thực nào đó mà vì Ngài cũng là một con người bình thường như bao người khác, duy chỉ có khác, Ngài là người đầu tiên của nhân loại đã chứng nghiệm được chân hạnh phúc ngay trong thế giới khổ đau này. Người thành tựu hạnh phúc cũng có nghĩa là người có chánh kiến hay có trí tuệ.

Đạo Phật là đạo của trí tuệ và ở nhiều ngôi chùa Việt nam người ta không ngạc nhiên khi thường thấy có câu “Duy tuệ thị nghiệp” hoặc tượng Bồ tát Văn Thù tay cầm thanh kiếm, một biểu tượng của trí tuệ chặt đứt mọi ác ma, phiền não. Khi đề cập trí tuệ không có nghĩa là trong đạo Phật không có niềm tin, nhưng đó là niềm tin với trí tuệ, khác với  niềm tin của mù quáng, của dụ dỗ. Đức Phật từng ví dụ một đoàn người mù dắt nhau đi, người dẫn đầu không thấy, người kế sau không thấy và cho đến người cuối cùng cũng thế. Hoặc họ nếu có biết thì cái biết đó cũng chỉ phiến diện; ví như những người mù sờ voi, người sờ trúng cái tai thì cho rằng voi giống cái quạt, người sờ nhằm chân thì cho rằng voi giống cột nhà…

Trong nhiều pháp tu của Phật, có Năm pháp đi với nhau, đó là: tín, tấn, niệm, định và tuệ.[1]

 1) Tín (raddh): Đó là niềm tin tuyệt đối vào Tam Bảo, ba của báu ở trần gian, tức Phật, Pháp và Tăng:

Phật: Tiếng Phạn gọi Phật là Buddha, chữ này có ngữ căn Bud, Bud có nghĩa là giác, là thấy, khác với mê lầm. Theo Đại thừa Phật giáo, Phật có ba thân: Pháp thân, Báo thân và Ứng thân. Pháp thân (Dharmakya) chỉ cho thực tại, chân lý hay bản thể luận, thường hằng bất biến và kinh điển nhân cách hoá thành Tì Lô Giá Na Phật, Đa Bảo Phật … Báo thân (Sambhogakya) chỉ cho nhận thức luận, là Lô Xá Na Phật hay phân thân của Phật Thích Ca ở khắp mười phương thế giới. Ứng thân (Nirmanakya) chỉ cho hiện tượng luận, là Phật Thích Ca bằng xương thịt tại cõi Ta-bà này. Theo Phẩm 11 “Hiện bửu tháp” của kinh Pháp Hoa, sự hội tụ của vô số phân thân Phật Thích Ca khắp mười phương thế giới về cõi Ta bà đã khiến cho đại chúng thấy được thân của Phật Đa Bảo. Hoạt cảnh đầy ẩn dụ này đã nhằm chỉ ra rằng, để được giác ngộ hay có trí tuệ thì sự cần thiết phải có chánh niệm tỉnh giác hay phải có thiền định. Sự hội nhập của tam thân Phật, thấy có vẻ như là một câu chuyện của huyền thoại nhưng nó đã chuyển tải một ý nghĩa hết sức thực tế cho cuộc sống, khi con người ngày càng mắc phải nhiều thứ bịnh “tâm thần” của nhịp sống ngày càng vội vả của thời đại. Phật, do vậy, chỉ cho bất kỳ ai có trí tuệ. Phật đã từng nói, Ngài là Phật đã thành và chúng sinh là Phật sẽ thành. Một lời tuyên bố quả thật là của một nhà đại giáo dục, đã khuyến khích sự hướng thượng và hướng thiện cho quần sanh. Vì rằng, con người, chớ không phải ai khác, là trung tâm của vũ trụ, như Ngài đã nói: “Trong cái thân có mấy tấc này thôi mà ta có thể đi đến tận cùng của thế giới.” 

Pháp: Tiếng Phạn là Dharma, có nhiều nghĩa, là diệu pháp mà đức Phật đã chứng nghiệm, là chân lý, quy luật, phương pháp tu tập, hay là sự vật, hiện tượng. Pháp, lần đầu tiên được chứng nghiệm bởi Phật Thích Ca, đó chính là định lý Duyên khởi nói lên mối quan hệ mật thiết giữa các yếu tố nội tại của sự vật cũng như giữa sự vật này với sự vật khác ở cùng khắp vũ trụ. Chính ý thức Duyên khởi này mà có tinh thần vô ngã vị tha, phục vụ chúng sinh tức cúng dường chư Phật. Pháp này thiết thực ngay hiện tại, đến để mà thấy “Ehi passiko”. Đó là lý do tại sao nhiều người phương Tây lại tìm cầu đến với đạo Phật, vì chính họ đã tự thân nếm được vị ngọt của sự bình an do chính nỗ lực của họ mang lại.

Tăng (Saṅgha): là tập thể người xuất gia gồm những cá nhân có nội tâm an lạc nhờ tu tập đúng theo pháp Phật và sống hoà hợp với nhau vì một Phật sự tối quan trọng, đó là hoằng dương Chánh pháp cùng khắp, theo lời kêu gọi của bậc Đạo sư “Chớ có hai vị tăng đi chung nhau trên cùng một con đường để thuyết pháp” (Ma ekena dve agamittha). Tất cả nỗ lực đó của chư tăng đều không ra ngoài mục đích “Vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người,” đó là lý do duy nhất cho sự xuất hiện của bậc Đạo sư ở cõi Ta bà khổ đau này.

2) Tấn (Virya) là sự nỗ lực thực hiện không ngừng bốn pháp, đó là: a) những ác bất thiện pháp chưa hiện khởi thì nỗ lực đừng cho chúng hiện khởi; b) những ác bất thiện pháp nào đã hiện khởi thì nỗ lực diệt trừ; c) những thiện pháp chưa hiện khởi thì nỗ lực làm cho chúng hiện khởi; và d) những thiện pháp nào đã hiện khởi thì làm cho chúng tăng trưởng.

3) Niệm (Smṛti): là sự chánh niệm tỉnh giác, không để vọng tưởng, vọng niệm hiện khởi và chi phối tâm. Đức Phật dạy các đệ tử, khi đi phải biết mình đang đi, khi đứng phải biết mình đang đứng, … , phải an trú tâm trên thân hành ngay hiện tại, không để cho tâm nghĩ chuyện này chuyện nọ, nhất là có liên hệ đến tham, sân, si. Trong kinh “Nhất dạ hiền giả,” vị hành gỉa chỉ sau một đêm thiền định đã chứng ngộ! vì rằng:

“Quá khứ[2] không truy tìm,

Tương lai không ước vọng.

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến.

Chỉ có pháp hiện tại[3],

Tuệ quán chính ở đây.

Không động không rung chuyển,

Biết vậy nên tu tập.”[4]

Sự tu tập về niệm này là chuẩn bị cho bước tiếp theo, tu tập thiền định.

4) Định (Samdhi): một trạng thái nhất tâm định tĩnh, không còn vọng động như ngọn lửa của một cây đèn cầy đứng yên. Đó là lúc mà mọi vọng tưởng và “cái tôi” không còn nữa, một sự hoà nhập trọn vẹn giữa chủ thể và khách thể.

5) Tuệ (Prajđ): Là thấy toàn thể mọi sự vật hiện tượng một cách như thật, thấy được bản chất của chúng là duyên sinh, biến diệt, ảo hoá, không bền vững. Đức Phật tuyên bố: “Tất cả các pháp là vô thường, khổ, vô ngã”. Và, có thể nào sở hữu hay nắm giữ được một sự vật gì trọn đời, khi cái ta và cái đối tượng đều đang thay đổi? Một nhận thứ như vậy sẽ giúp tự thân tránh được những suy nghĩ cực đoan, tà kiến và vượt qua được những mâu thuẫn nội tâm để thành tựu sự bình an của tâm hồn. Do vậy, Trí tuệ cũng đồng nghĩa với Tánh không (nyat), với Trung đạo (Madhyam) như Luận sư Long Thọ (Ngrjuna) trong kiệt tác Trung Luận của mình đã tuyên bố: “Các pháp do duyên sinh nên ta gọi là không, là giả danh, và trung đạo nghĩa”[5].

Qua phân tích Năm pháp trên, rõ ràng, Đức Phật đã huấn thị một quá trình tu tập, bắt đầu bằng một niềm tin vào Tam Bảo, vào Tha lực nhưng kết thúc bằng một trí tuệ của Tự lực, của chính tự thân ở mỗi người chúng ta. Vâng, cuối cùng, cũng phải tự mình thắp đuốc lên mà đi, một niềm tin có trí tuệ. Có vậy, cứu cánh giải thoát hay hạnh phúc mới được chân thật và vững chắc.

Phật tử chúng ta y giáo phụng hành những lời dạy quý báu trên của Đức Phật, và nguyện đem công đức này – một niềm tin có trí tuệ –  hướng về và chúc mừng Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc 2008 (PL. 2552) lần đầu tiên tại Việt Nam được thành công tốt đẹp.

Thích Tâm Đức

 (Tp. HCM ngày 16-04-2008)

———

[1] Thuật ngữ gọi là Năm căn hay Năm lực

[2] Năm uẩn trong quá khứ

[3] Chứng được là vô thường …

[4] Trung Bộ Kinh, III, Thích Minh Châu dịch, Đại học Vạn Hạnh, 1975, tr. 373.

[5]Yaḥ partỵtyasamupdaḥ nyatṃ tṃ pracakṣmahe,

    S prajđaptir updya pratipat saiva madhyam

David J. Kalupahana, Mlamadhyamakakrik of Ngrjuna, Delhi: Motilal Banarsidass, 1996.

Nội dung chính
Comments


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *