Phụ Lục
Trước hết, thuật ngữ công đức (C. 功德; P. punna; S. punya; E. merit) trong Phật giáo có các nghĩa sau: 1. Đức hạnh ưu tú, công lao, đức hạnh, phẩm chất cao quý, tích luỹ được do làm các việc thiện; 2. Phúc lành, đức hạnh, điều tốt lành, việc thiện; 3. Cái nhân của quả báo đầu thai vào các cõi giới lành (thiện thú), thiện căn; 4. Việc thiện, sự tu tập; 5. Năng lực to lớn; 6. Yếu tố cần thiết để chứng được quả vị Phật.[1]
Trong tự điển Pali-English cho biết thêm nghĩa của công đức: làm sạch sự tiếp nối (của đời sống); xứng đáng, thiện hạnh, đạo đức, luôn được trình bày như là nền tảng và điều kiện tái sanh lên cảnh giới chư thiên, một trạng thái phúc lạc trong tương lai, sự hỉ lạc kéo dài tuỳ theo sự tích luỹ công đức trong tiền kiếp; liên hệ đời sống này có ba phẩm chất đặc biệt góp phần vào công đức, đó là: bố thí-cúng dường, giữ gìn giới luật, bhavana hay sự phóng khoáng, thiện hạnh và thiền quán[2].
Công đức, nhìn chung, là những việc thiện làm lợi mình, lợi người và lợi cả hai, đặc biệt là hướng đến mục tiêu giải thoát khỏi phiền não, khổ đau ngay trong cuộc sống này. Công đức có hai loại: 1. Hữu lậu, là những việc thiện cho mình, cho người và mong cầu, hướng đến phước báu lợi lộc, sanh thiên; và 2. Vô lậu, là những việc thiện với tính chất vô ngã, vị tha của những bậc thiện hữu, trí thức, thượng căn hướng đến giải thoát, không còn trở lại luân hồi sanh tử.
Thích Tâm Đức
[1] Chân Nguyên và cộng sự (2006), Từ Điển Phật Học, Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, tr. 137
[2] T.W.Rhys Davids & William Stede (1993), Pali-English Dictionary, Delhi, tr. 464