Phụ Lục
Nhớ lại cách nay 32 năm, lúc ấy vào năm 1973, không ngờ mình gặp may, được trao cho của báu – Pháp – mà gía trị của nó càng tỉ lệ thuận với thời gian!
Người ta có nói: Trong cái rủi có cái may. Vì hoàn cảnh chiến tranh tôi đã phải từ giã Huế thân thương, từ giã giấc mộng học bác sĩ để vào Sài gòn theo học một ngành bất đắc dĩ – Kinh tế học – tại Đại học Vạn Hạnh, một đại học tư ! Nhưng không ngờ từ mái trường này, tôi đã gặp một vị thầy đã làm thay đổi cả cuộc đời mình, từ “có tóc” thành “không tóc” khi nào không hay, đó là vị TT. Viện trưởng khả kính Thích Minh Châu.
Tôi nhớ không lầm lúc ấy khoảng tháng 9 năm 1973, trong buổi học cuối của học kỳ I năm thứ hai của môn học Con người và xã hội với bài Niệm hơi thở vào, hơi thở ra (Anapana sutta), TT. nói, sau buổi học này, bắt đầu từ ngày mai chúng tôi sẽ tổ chức một khóa hành thiền cho toàn thể sinh viên của trường, ai muốn thì ghi tên theo học. Như thể bắt gặp đúng tần số, như thể “định phận được an bài”, tôi thầm nghĩ “Có lẽ đây là con đường mà từ lâu nay mình đang đi tìm”. Thú thật, ngay từ hồi nhỏ, tôi đã có những biểu hiện bất thường khác với sự hồn nhiên của trẻ thơ; tôi thường sống nội tâm với những suy nghĩ về siêu nhiên, về bí mật của trời đất, ước gì mình tìm ra được một cái gì đó mà từ đó có thể lý giải được mọi vấn đề của vũ trụ, của con người. Thế rồi, tôi đã đăng ký theo học khóa thiền 3 tháng đầu tiên, rồi tiếp tục học khóa hai, khóa ba.. cho đến ngày đất nước giải phóng. Một sự thực tập không phải qua đường mà là lẻ sống. Sự nổ lực đã có kết quả, đấy là những kinh nghiệm quý báu, những cảm giác nhẹ nhàng thanh thoát siêu việt như thể không còn mang cái thân xác nặng nề mà sau này tôi mới biết đó là thiền lạc. Không chỉ có sự cải thiện về mặt tinh thần mà cả về mặt thể xác, bịnh yếu tim, hay hồi hộp, xuất mồ hôi tay hay nằm chiêm bao mộng mị … cũng biến mất.
Sự cải thiện kế tiếp là thay đổi cái nhìn thành kiến về kinh điển nhà Phật. Khi hồi nhỏ sinh hoạt gia đình Phật tử, tôi thường hay thắc mắc về bài Bát nhã tâm kinh, cái gì mà sắc tức thị không, không tức thị sắc… nhưng không được ai giải đáp. Như vậy thì kinh điển có lẽ là “thứ chơi chữ, không thực tế”. Thành kiến này chỉ chấm dứt cho đến khi tôi tình cờ vào Thư viện Phật học (nằm đối diện với thư viện Khoa học xã hội), cầm quyển sách mỏng Kim cang gỉai nghĩa và đọc đến câu Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm (Ứng vào chỗ không bám víu mà sanh cái tâm ấy hay hãy sống với cái tâm không chấp thủ, bám víu). Ồ! Không lẽ những nổ lực của ngôn ngữ, kinh điển là nhằm diễn tả (cái trạng thái hay kinh nghiệm) thiền !
Thế rồi chuyện gì đến nó sẽ đến, để sống trọn vẹn lời Phật dạy, tôi đã được “xuống tóc” và sống với một cái tâm thênh thang rộng mở. Ngoài những kinh nghiệm thiền quý báu tôi còn được dịp thâm nhập kinh điển Nam truyền rồi kinh điển Bắc truyền mà không thấy có sự mâu thuẩn đối kháng giữa chúng, nếu không nói là có những điểm cơ bản tương đồng.
Ồ, sao mình may mắn thế, bây giờ mình cũng là bác sĩ chứ bộ, có thể biết cách điều trị những tâm bịnh nan y của con người còn “xịn” hơn cả bác sĩ đời thường. Với tâm hồn rộng thênh thang, với việc hoàn tất Phật học ở Ấn độ và sau khi về lại quê hương tôi đã mặc nhiên trở thành một sứ giả nữa của Như lai để đi truyền bá những toa thuốc hỏa tốc của đấng Dược vương. Dù đi giảng chưa được nhiều nhưng đã bắt đầu lan truyền từ hết chỗ này rồi đến chỗ khác… và bây giờ tôi vừa mới đặt chân đến thánh địa mới Đại Tòng Lâm thuộc BR-VT với bộ kinh Pháp Hoa.
Ở đây, tôi đã gặp nhiều tăng ni sinh trẻ với những ánh mắt sao giống mình trước đây vậy – rực sáng với cái mới lạ, cái mà có thể đưa con người đến tận cùng của cái thế giới trần tục đầy khổ đau để đặt chân vào cái thế giới đầy an vui của chư Phật, cái thế giới mà còn rất nhiều người ở thế gian kém may mắn này chưa được biết đến.
Thật mừng thay, bánh xe Pháp đã và đang chuyển vận tại Đại Tòng Lâm./.
Thích Tâm Đức
(Mùa An cư 2005)