Âm thanh của một bàn tay

Nội dung chính
Comments

Phụ Lục

Ý nghĩa của bài giảng: Âm thanh của một bàn tay = Âm thanh của không âm thanh = Siêu việt qua tất cả mọi âm thanh = Chủ thể nhập làm một với khách thể (Thiền định) = Giác ngộ.

Kính thưa toàn thể quý vị, khi đến đây học thiền thì khoảng 30 phút đầu giờ chúng ta nghe một bài Pháp thoại liên quan đến thiền định, nhầm giúp quý vị có những kiến thức bổ sung cho phương pháp tu tập. Sáng nay, bài pháp có nội dung về câu chuyện thiền: “Âm thanh của một bàn tay”. Câu chuyện đó như sau:

Ðại sư đền Kennin là Mokura _ Im Lặng Sấm Sét, Mokurai có một chú bé hầu cận tên là Toyo. Toyo chỉ mới mười hai tuổi. Toya thấy những đệ tử khác mỗi sáng và chiều vào phòng thầy để thụ giáo tham thiền (hay là sự chỉ dẫn từng người nhận công án để chận đứng sự lang thang của tâm thức).  

Toyo cũng thích tham thiền.

Mokurai bảo: “Hãy đợi ít lâu. Con còn nhỏ lắm.”

Nhưng chú bé quyết ý, vì thế cuối cùng Mokurai, phải làm vừa lòng chú.

Một buổi chiều, bé Toyo vào giờ riêng, đến cửa phòng tham thiền của Thầy. Chú đánh chuông báo hiệu sự có mặt của mình, chú cuối đầu đảnh lễ ba lần ngoài cửa rồi bước vào phòng im lặng, kính trọng ngồi xuống trước mặt thầy.

Mokurai hỏi: “Con nghe được âm thanh của hai bàn tay vỗ vào nhau. Bây giờ con hãy chỉ cho thầy âm thanh của một bàn tay.”

Toyo cuối đầu bái chào thầy rồi về phòng riêng của chú để soi xét việc này. Từ trong cửa sổ của phòng chú, chú nghe tiếng nhạc của các geisha xa xa bên ngoài.

“A! ta có rồi”,  chú reo lên.

Chiều hôm sau, Mokurai bảo chú minh giải âm thanh của một bàn tay. Toyo bắt đầu chơi nhạc của các geisha.

Mokurai bảo:

“Không, không. Cái đó không bao giờ đúng. Ðó không phải là âm thanh của một bàn tay. Con chưa được chi cả.”

Nghĩ rằng như thế nên chấm dứt nhạc. Toyo dời chổ ở đến một nơi khác. Chú lại trầm tư: 

“Cái gì có thể là âm thanh của một bàn tay?

“Chợt chú nghe tiếng róc rách của nước chảy. Chú nghĩ:

Ta được rồi!

Khi Toyo gặp thầy, chú bắt chước tiếng róc rách của nước chảy.

Mokurai hỏi:Cái gì thế? Ðó là tiếng nước chảy. Không phải âm thanh của một bàn tay. Hãy cố nữa.”

Vô ích. Toya trầm tư để lắng nghe âm thanh của một bàn tay. Chú nghe tiếng thở dài của gió. Nhưng âm thanh này cũng bị từ chối.

Chú nghe tiếng kêu của chim cú. Âm thanh này cũng lại bị từ chối.

Âm thanh của một bàn tay không phải là âm thanh của những con châu chấu.

Hơn mười lần Toyo viếng Mokurai với những âm thanh khác nhau. Tất cả đều không phải.

Gần một năm trời Toyo suy tư lung lắm về âm thanh của một bàn tay, có thể là cái gì.

Cuối cùng bé Toyo bước vào dự Thiền định thật sự và siêu việt qua tất cả mọi âm thanh. Sau đó chú giảng giải:

“Ta không còn sưu tập nữa vì ta đã đạt được âm thanh không âm thanh

Toyo đã chứng ngộ được âm thanh của một bàn tay.

Qua câu chuyện này, vị Thiền sư giao công án thiền cho em bé còn nhỏ tuổi, mới 12 tuổi. Sau khi nhận được câu hỏi hóc búa: “Âm thanh của một bàn tay là cái gì?”. Cậu bé đã suy tư tìm hiểu. Bé Toyo sau khi tìm hiểu, nghe những âm thanh có thể nghe được rồi đến trình bày sự hiểu biết của mình, nhưng vị Thiền sư không công nhận những câu trả lời đó, cuối cùng cậu bé đã dự phần vào thiền định thực sự. Cậu bé đi vào thiền, chứng ngộ và trình bày đó là âm thanh của không âm thanh, sự chứng ngộ này được vị thầy chấp nhận. Đây là một trong những câu chuyện thiền xảy ra tại Nhật Bản vào cuối thế kỷ 13.

Thiền là một pháp môn đặc biệt của đạo Phật. Vị sáng lập ra pháp môn Thiền Phật giáo là Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni cũng nhờ pháp môn thiền này để chứng ngộ. Chứng ngộ đây là nhận ra sự thật, chân lý của cuộc sống. Sự giác ngộ này chỉ đạt được bằng cách thực hành đúng đắn phương pháp Thiền Phật giáo. Phương pháp thiền vào thời kỳ Đức Phật được Ngài chỉ dạy cũng chính là phương pháp chúng ta đang học ở đây. Đó là thiền chỉ và thiền quán.

Thiền chỉ là dừng tâm lại trên một đối tượng và sau đó thiền quán. Sau khi tâm tư lắng đọng, định tĩnh, chúng ta thực hành 16 đề mục trong bài Kinh quán niệm hơi thở mà Đức Phật đưa ra. 16 đề mục này có liên quan đến con người và vũ trụ, là các sự vật, hiện tượng liên quan trong đời sống. Thiền quán giúp cho hành giả hiểu được hay nhận ra được sự thật. Nhận ra cái nào là ảo, cái nào là thật. Khi nhận ra được rồi thì gọi đó là sự chứng ngộ. Chứng ngộ là trực nhận được chân lý, phân biệt được đâu là thật, đâu là ảo. Chính nhờ giây phút giác ngộ này, hành giả bắt đầu chạm chân vào ngưỡng cửa của sự giải thoát. Giải thoát là khi mọi tâm tư phiền não khổ đau rơi rụng. Giống như sau khi những đám mây mù che mặt trời ngày mưa bão tan mất thì mặt trời sẽ hiện ra. Chứng ngộ là giây phút hành giả biết được đằng sau đám mây mù đó, ánh sáng mặt trời chân lý hiện ra. Tâm tư của con người phần đông như những áng mây đen che khuất mặt trời.

Trong bài Kinh Căn bản Pháp môn, bài Kinh đầu tiên trong Trung bộ kinh, Đức Phật giảng chúng sinh vì đặt nền tảng nhận thức trên sự phan duyên. Nghĩa là sự tiếp xúc của sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý với sáu đối tượng của chúng là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Khi sự tiếp xúc này xảy ra sẽ tạo ra một chuỗi nhận thức mà thường gọi là tri giác hay sự hiểu biết. Dưới cái nhìn của Đức Phật thì đó là cái biết gián tiếp hay biết ảo về thực tại. Ví dụ như ta để 1 chiếc đũa thẳng vào ly nước, nhìn ngang qua ly nước thì chiếc đũa không thẳng nữa mà bị gãy. Có hai sự nhận biết là nhận biết nhìn ngang qua ly nước thì chiếc đũa bị gãy và nhận biết thực tế là chiếc đũa vẫn thẳng không bị gãy. Nhận thức của con người cũng thế khi sáu giác quan tiếp xúc với sáu đối tượng của chúng. Hiểu biết đó Đức Phật gọi là tưởng tri giống như cái biết của chúng ta khi nhìn chiếc đũa ngang qua ly nước.

Phương pháp thiền định tuỳ theo căn cơ, trình độ tiếp thu của từng người sẽ ngộ ra, biết được cái hình gãy của chiếc đũa chỉ ảo, còn thực sự chiếc đũa là thẳng. Khi đức Phật giảng dạy pháp thiền chỉ và thiền quán, mong ước của Ngài là nhận thức của chúng ta sẽ sáng ra tuỳ theo căn cơ và sự rèn luyện của từng người. Trong thuật ngữ nhà Phật gọi là chứng ngộ hay giác ngộ. Theo thời gian trôi qua, thiền cũng  như các phương pháp đạo Phật có sự thay hình đổi dạng. Đối với phương pháp thiền định, khi đi qua Trung hoa, Nhật bản, Hàn quốc và Việt nam, các vị Tổ sư thiền linh hoạt trong phương pháp rèn luyện.

Trong câu chuyện này thay vì phương pháp thiền theo dõi hơi thở thì vị thiền sư đưa ra một câu hỏi: âm thanh của một bàn tay để thiền sinh tìm hiểu. Vị thiền sư đã thay đổi phương pháp tập luyện. Theo nhận thức bình thường của con người, âm thanh phải có sự đụng chạm, nó phải là âm thanh của hai bàn tay. Khi hai bàn tay đụng nhau thì mới phát ra âm thanh, bây giờ vị thiền sư ra đề tài âm thanh của một bàn tay. Thiền sinh theo nhận thức bình thường bắt đầu tìm hiểu âm thanh của một bàn tay là gì.

Em bé thiền sinh Toyo 12 tuổi theo nhận thức bình thường đi tìm âm thanh chim kêu, tiếng suối róc rách, tiếng gió thổi,… nghĩa là Toyo đã tìm hiểu theo hiểu biết bình thường của mình, hay hiểu biết của chúng sinh, âm thanh là như thế. Nhưng tất cả những âm thanh đó đều không đúng.

Cuối cùng Toyo bắt đầu ngồi thiền, nghĩa là đề tài âm thanh của một bàn tay đã ám ảnh Toyo suốt ngày đêm. Sự ám  ảnh này có tác dụng giống như tâm chuyên chú lên một đối tượng. Như trong cuộc sống hàng ngày nếu bắt buộc phải làm một bài toán khó thì chúng ta suy tư nhiều lần và bài toán khó đó trở thành đối tượng của sự chú ý. Âm thanh của một bàn tay cũng thế, nó đã trở thành đối tượng của sự chú ý, giống như là trước đây Đức Phật đã dạy hơi thở là đối tượng của sự chú ý, nhưng ở đây vị thiền sư đổi đề tài thành âm thanh của một bàn tay.

Đề tài này trở thành hóc búa, làm cho Toyo phải suy tư ngày đêm, sự chú ý đó giúp Toyo bước vào thiền định thực sự. Khi thiền định, Toyo thể nhập được, đi vào thiền định thực sự, sự suy tư hay tâm ý của Toyo khi quan sát đối tượng âm thanh của một bàn tay, sau một thời gian hai cái này nhập lại là một, nghĩa là Toyo đã hoà nhập đối tượng quán sát “âm thanh của một bàn tay” với tâm quán sát thành một. Khi trở nên là một thì Toyo giác ngộ, không còn là hai nữa, không còn sự phân biệt chủ thể và khách thể, giữa tai và âm thanh của một sự vật nào đó như tiếng chim, tiếng gió,…

Trước đây phân biệt là hai, sau khi thiền định thì nhập thành một. Khi nhập thành một thì Toyo giác ngộ. Có thể nói rằng Toyo sau khi thiền định đã ngộ ra được cái hình gãy của chiếc đũa chỉ là ảo trong khi chiếc đũa thật không bị gãy. Cũng thế, Toyo ngộ ra các âm thanh trước đây mình hiểu biết giống như hình gãy của chiếc đũa trong ly nước và khi ngộ ra âm thanh của không âm thanh, là âm thanh siêu việt vượt ra khỏi các âm thanh thì Toyo biết được đằng sau các âm thanh mà thế gian biết đó có một loại âm thanh thật là âm thanh của không âm thanh. Âm thanh mà Toyo giác ngộ siêu việt vượt lên tất cả các âm thanh thường tình, cũng giống như nhận ra được chiếc đũa là thẳng chứ không phải gãy như khi nhìn ngang qua ly nước.

Qua công án thiền định này cùng với những phương tiện khác của các vị tổ sư thiền qua các thời kỳ khác nhau từ thời đức Phật, phương tiện để tu tập thiền có thể khác đôi chút, nhưng mục đích giống nhau, đó là sự chứng ngộ, là trực giác nhận biết được sự thật. Sự chứng ngộ này là mỗi chúng sanh dù ở bất cứ thời kỳ nào, dù quá khứ hay hiện tại, khi hành trì đúng thì sẽ thể nhập sự thật này, phân biệt đâu thật, đâu ảo và đây là điều đức Phật mong muốn chúng sanh thể nhập được.

Ngài thường dạy: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Phật ở đây là sự giác ngộ, sự tỉnh giác, biết được đâu thật, đâu ảo, phân biệt được thế giới thật, thế giới ảo. Qua câu chuyện thiền này có thêm một người nữa chứng ngộ là Toyo. Mặc dù chỉ mới 12 tuổi nhưng nhờ có thiện duyên, nhờ tiếp xúc gần gũi với vị thiện tri thức, đã tiếp xúc với vị thiền sư hay vị minh sư đã tự thân ngộ chân lý, vị sư này đã truyền đạt cho Toyo chứng ngộ.

Khi vô minh là chúng sinh, khi giác ngộ thì đó là Phật, là sự tỉnh giác. Đây là sự giác ngộ mà đức Phật hằng mong muốn. Đức Phật mong muốn tất cả chúng sanh ngộ được đâu thật, đâu ảo và đây là trí tuệ. Lộ trình đức Phật đã dạy rất rõ ràng là Giới, Định, Tuệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến. Một người tu tập trước tiên phải giữ giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu hay các chất kích thích,…giữ giới để tâm bớt đi những rắc rối, phiền não. Sau đó thiền định, chú tâm vào một đối tượng thiền chỉ và thiền quán thì sẽ phát sanh tuệ. Tuệ chính là sự chứng ngộ. Khi chứng ngộ rồi thì sự giải thoát không là vấn đề nữa, ví dụ như một người đang bị giam tù nhưng vị này mở được cửa tù ra. Giây phút mở được cửa tù ra gọi là giác ngộ. Khi vị này bước ra cửa tù để giải thoát thì đó chỉ là vấn đề thời gian, nên tuệ rất quan trọng trong đạo Phật.

Hôm nay, chúng ta, những người may mắn đến đây học thiền, học một pháp môn đặc biệt của đạo Phật, một pháp môn giúp ta chứng ngộ ngay bây giờ, giống như đức Phật đã từng chứng ngộ, không phải đợi sau khi chết, đạo Phật dành cho người sống, cho nên hãy tự thấy mình may mắn để tiếp xúc với đạo Phật, thực tập pháp môn này. Chúng ta thấy ngay hiện tại chưa được giải thoát, chưa được hạnh phúc, an lạc thì làm sao tương lai chúng ta có được an lạc theo như luật nhân quả, giống như bây giờ không học thì làm sao tương lai giỏi được.

 Chắc chắn tuỳ theo sự dụng công, sự tinh tấn nỗ lực rồi chúng ta sẽ thể nghiệm được, là điều mà đức Phật mong muốn tất cả chúng sanh sẽ chứng ngộ giống như Ngài. Đức Phật giảng rằng: “Pháp của ta là thiết thực hiện tại, đến để mà thấy”, đến để mà chứng, để thấy chứ không phải để tin, nên đệ tử của Ngài dù xuất gia hay tại gia một khi hành trì đúng đắn thì tự mỗi người chúng ta sẽ nếm được hương vị giải thoát, thuật ngữ gọi là Niết Bàn hay Cực Lạc.

Tự  mỗi người chúng ta ngay bây giờ, bất kỳ tuổi tác, dù lớn hay dù nhỏ, hãy hành trì thiền đúng đắn thì đều nếm được hương vị giải thoát giống như là đức Phật. Mong chúng ta tinh tấn, nỗ lực không ngừng với pháp thoại này.

 Thích Tâm Đức

(Giảng tại Thiền Viện Vạn Hạnh, 750 Nguyễn Kiệm, Phường 4, Quận Phú Nhuận, Tp. HCM. Ngày 19-01-2014)

Nội dung chính
Comments


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *