Phụ Lục
Thế là sau một năm tất bật kiếm sống, nay xuân đang về và Tết sắp đến, bà con Phật tử chúng ta ắt cũng sắp xếp được ít thời giờ thanh tịnh để đón chào năm mới, để lắng lòng nhớ đến công ơn trời biển của mẹ cha và nhớ đến lời Phật dạy.
Là người Phật tử chân chính chúng ta không chỉ biết đạo mà còn phải biết đời, nghĩa là, phải lo miếng cơm manh áo, lo cho thực tế cuộc sống, “có thực mới vực được đạo.” Có lần đức Phật dạy rằng Phật tử phải biết làm ăn, không những phải biết mà còn phải thật giỏi về nghề chuyên môn mà mình đang làm (những nghề lương thiện), để làm gì? – Để có tiền. Nhưng tiền ấy (lợi nhuận) không phải chỉ để bo bo cất giữ mà được chia làm bốn phần: một phần tư để ăn, một phần tư bổ sung vào tiền vốn, một phần tư để giúp đỡ bà con, đồng bào hoạn nạn và một phần tư còn lại để đi… cúng chùa! Đức Phật, một hiện hữu thật cao siêu nhưng cũng thật gần gũi với con người. Ngài không chỉ thuyết giảng những vấn đề thuộc phạm trù tư duy trừu tượng mà còn thuyết giảng những vấn đề thiết thực của đời thường. Pháp, tức những lời Phật dạy mang tính thiết thực hiện tại, đến để mà thấy, đến để mà chứng, có qủa báo ngay trong hiện tại, có khả năng đưa hành giả đến chứng ngộ giải thoát, và được người trí tán thán.
Khi ngài nói mọi người phải chuyên lo làm ăn ắt ngài cũng biết rằng chúng sinh sẽ tất bật, rối bù với công việc và không sao tránh khỏi lo lắng, phiền não. Tuy nhiên, là một đấng Dược vương, vua của tất cả loại thuốc, đức Phật phải có nhiều toa thuốc có công năng cứu chữa khổ đau, phiền não của con người. Những thứ thuốc ấy hay còn gọi là Pháp môn của đức Phật thì có rất nhiều, người ta thường nói có đến tám vạn bốn nghìn pháp môn! Một trong những Phật dược ấy là bài kinh “Nhất dạ hiền giả” – Qua một đêm hành thiền mà được chứng ngộ, giải thoát.
Bài Kinh Nhất Dạ Hiền Gỉa[1] có nội dung chính như sau:
“Quá khứ[2] không truy tìm,[3]
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại[4]
Tuệ quán[5] chính ở đây.
Không động, không rung chuyển[6]
Biết vậy, nên tu tập
Hôm nay nhiệt tâm làm
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được
Với đại quân thần chết
Trú như vậy nhiệt tâm
Đêm ngày không mệt mỏi
Xứng gọi Nhất dạ hiền
Bậc an tịnh, thầm lặng.”
Sống trong cuộc đời, do vô minh nghiệp chướng lâu đời chi phối, chúng ta thường mặc nhiên rơi vào hai trạng thái, hoặc sống với quá khứ hoặc sống với tương lai mà bỏ đi cái hiện tại quý báu.
Chúng ta thường nhớ về những kỷ niệm quá khứ đã qua và để lòng khởi lên những cảm xúc buồn, vui, giận hờn, hối tiếc … Chúng như những cơn sóng khi thì lăn tăn, khi thì dữ dội, liên tục nối đuôi nhau chẳng dứt. Nhiều người và rất nhiều người đã vô tình sống với chúng, xem chúng như thể là một phần bất di dịch của cuộc đời mình. Và may mắn một chút cho những ai có những kỷ niệm vui, hạnh phúc (thế gian) và rủi thay cho những ai có những kỷ niệm buồn, đau khổ. Nhưng tất cả chúng quy lại đều là khổ đau; ngay cả cái gọi là vui cũng chịu luật vô thường, chúng sẽ mất đi không còn nữa, và kết quả vẫn là hối tiếc, khổ đau.
Đức Phật đã cảnh giác chúng sinh. Ngài xem tất cả những kỷ niệm quá khứ ấy đều là vọng tưởng, ảo hoá, là những maya “bóng ma” chập chờn, là những sản phẩm của tâm. Chúng tạm thời hiện hữu nhưng chúng ta lại xem chúng là “thật” để rồi sống với chúng, bám víu chúng và để rồi chịu khổ đau! Đông và Tây y đều cảnh báo rằng, những cảm xúc buồn vui thái quá sẽ làm cơ thể tiết ra những hốc môn độc tố làm hại cơ thể, thậm chí dẫn đến tử vong. Truyện kể có nhiều người chỉ vì nghe một câu nói khích mà chết đứng tại chỗ.
Đức Phật đã phân tích những “quá khứ” ấy thành năm lĩnh vực mà thuật ngữ nhà Phật gọi là “thân năm uẩn” gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Con người, theo hiện đại quan niệm, gồm hai phần : Thân thể và tinh thần. Ở đây, thân thể được xem tương ứng với sắc uẩn, thế nhưng, tinh thần lại được chi tiết hóa hơn, ứng với thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Uẩn (S: skandha, P: khandha) có nghĩa tích chứa, duyên hợp. Sắc uẩn gồm những sự vật, những hình dáng thuộc vật chất, bao gồm tất cả những gì mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, và thân xúc chạm. Thọ uẩn, chỉ các cảm giác lạc (thích), khổ (không thích), không lạc không khổ; đây là hoạt động của tâm hay cảm giác liên hệ đến sự việc, sự vật. Tưởng uẩn, chỉ cho những ý niệm, là hoạt động của tâm dựa vào sự khác biệt của từng sự vật, hiện tượng mà nắm giữ ảnh tượng của chúng, tưởng tượng ra. Hành uẩn chỉ cho những tác ý hay tạo tác, lưu chuyển, biến đổi của tâm như thương, ghét, suy nghĩ, thành kiến, ganh tỵ, ngã mạn v.v…Và, thức uẩn chỉ cho nhận thức, nhận biết sự việc, sự vật. Năm thành phần này mang tính duyên sinh, nghĩa là, tự thân chúng không thể độc lập được mà phải nương nhờ vào những yếu tố khác mới tồn tại được. Vì nương tựa nhau, khi đủ duyên thì (mỗi) chúng có mặt, khi hết duyên hay điều kiện thì (mỗi) chúng mất nên bản chất của tất cả chúng đều thay đổi mà không có một tự thể cố định thường hằng nên Phật giáo bác bỏ cái gọi là “ta,” “tôi,” hay “ngã,” “linh hồn.”
Thân năm uẩn sinh rồi tử nhưng chúng sinh muốn giữ chúng lại (khát ái) nên phải chịu đau khổ. Khi định nghĩa về khổ, đức Phật dạy rằng : Sinh lão bịnh tử là khổ; cầu mà không được là khổ; gặp người mình không ưa là khổ; mất người mình thương yêu là khổ; tóm lại ái năm thủ uẩn là khổ.
Vì vậy, đức Phật dạy hãy quán năm uẩn là vô thường, khổ, vô ngã, đừng bám víu chấp thủ chúng; dù chúng đẹp – xấu, quá khứ – hiện tại – tương lai… Trong Saccaka Tiểu Kinh,[7] đức Phật lập luận lý vô ngã như sau:
- 5 uẩn là thường hay vô thường ? _ Vô thường.
- Cái gì vô thường là khổ hay lạc ? _ Khổ.
- Có hợp lý chăng khi xem 5 uẩn là ta, của ta, tự ngã của ta ? _ Không.
Trong Giáo Giới La Hầu La Đại Kinh,[8] đức Phật khẳng định quyết liệt hơn về vô ngã.
“Này Ràhula, bất cứ sắc pháp nào, qúa khứ, vị lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, hạ liệt hay cao sang, xa hay gần, tất cả sắc pháp phaỉ được quán sát như thật với chánh trí tuệ : ‘Cái này không phải của ta, ta không phải là cái này, cái này không phải tự ngã của ta.’ – ‘Bạch Thế Tôn, có phải chỉ sắc mà thôi. Bạch Thiện Thệ, có phải chỉ sắc mà thôi ?’ – ‘Cả sắc này Ràhula, cả thọ này Ràhula, cả tưởng, này Ràhula, cả hành, này Ràhula, và cả thức, này Ràhula.’”
Chính do thấy được tính chất vô thường, như bóng, như huyễn của thân năm uẩn mà người trí xả ly, không bám víu chúng và chứng nghiệm được thực tại ngay tại đây và bây giờ; và mọi vọng tưởng ẩn chứa khổ đau đều rơi rụng.
Nhân dịp xuân về, Phật tử chúng ta nhớ lời Phật dạy, hãy buông xả “khát ái” tất cả cho lòng được thanh tịnh, vui tươi để đón chào một năm mới. Đây chính là ý nghĩa sâu xa của Mùa xuân bất tử hay Tịnh độ, Cực lạc tại thế gian vậy.
Thích Tâm Đức
(10/12/2005)
———–
[1] Bhaddekarattasuttam, Thích Minh Châu dịch, Tập III, Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh, 1975.
[2] Năm uẩn trong quá khứ.
[3] Nànvàgameyya, không theo dõi, không truy tìm.
[4] Chứng được vô thường…
[5] Vipassati, nghĩa là trong định.
[6] Do tham ái…
[7] Cùlasaccakasuttam, Trung Bộ Kinh, Thích Minh Châu dịch, tập I, 1973.
[8] Mahà-Ràhulovàdasuttam, Trung Bộ Kinh, Thích Minh Châu dịch, tập II, 1974.