Tâm vương
Tâm vương vô tướng diệc vô hình,
Nhãn tự ly châu dã bất minh,
Dục thức giá ban chân diện mục,
Ha ha nhật ngọ đả canh ba.
Dịch nghĩa:
Vua tâm không tướng cũng không hình,
Dù mắt sáng như hạt châu dưới cằm con rồng cũng không thấy được.
Muốn biết được “khuôn mặt thực” của nó,
A ha! Giữa trưa cứ ngủ thẳng tới canh ba.
Bình luận:
Tâm là một dạng năng lượng đặc biệt chi phối mọi hoạt động thân, khẩu, ý của con người. Tâm ngang qua 6 giác quan – mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý – mà thi thiết; và ngược lại, ngang qua 6 giác quan tiếp xúc với 6 đối tượng của chúng để tạo ra hoặc tác động đến tâm. Theo quan điểm Phật giáo thì có tâm vương và tâm sở. Có 8 loại tâm vương, đó là nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, ý thức, mạt na thức (chấp ngã, là căn của ý thức) và A lại da thức. Tâm sở (C. 心所, P. cetasika.S. caitasika), hoặc Tâm sở hữu pháp (S. caitadharma), là những yếu tố phụ thuộc vào Tâm, gắn liền với một nhận thức (S. vijñāna) – nhận thức đây cũng được gọi là Tâm vương (S. cittarāja), là hoạt động tâm thức chủ yếu – đang sinh khởi và khởi lên đồng thời với nhận thức đó .
Tâm không hình tướng nhưng nó có thật. Khi tâm bị vô minh chi phối thì tạo ra những điều ác bất thiện. Ngược lại, khi tâm hết vô minh, sáng suốt (trí tuệ) thì con người an vui, hạnh phúc ngay trong cuộc đời khổ đau này. Vì vậy, “khuôn mặt thực” của tâm chỉ cho cái tâm giác ngộ, trực nhận chân lý, vượt lên sự phân biệt, đối đãi như ngày – đêm, có lý – phi lý ở thế gian. Do vậy, câu cuối thể hiện một cảm xúc A ha! Một niềm vui sướng tột cùng của hành giả giác ngộ, vượt lên mọi suy nghĩ phân biệt thường tình của thế nhân Giữa trưa cứ ngủ, lẽ ra ban đêm mới ngủ chứ!
(Trích bài tham luận “Công đức của cư sĩ Phật giáo: Tự độ, độ tha” – TT.TS Thích Tâm Đức)