Phụ Lục
Câu kệ số 9
“Ai mặc áo cà sa,
Tâm chưa rời uế trược,
Không tự chế, không thực,
Không xứng áo cà sa “.
Câu kệ số 10
“Ai rời bỏ uế trược,
Giới luật khéo nghiêm trì,
Tự chế, sống chơn thực,
Thật xứng áo cà sa.”
Vào thời kỳ Đức Phật đã có những vị Tăng sỹ không xứng đáng mang chiếc áo cà sa.
Áo cà sa được ghép từ các mảnh vải gọi là hoại sắc có ý nghĩa sự từ bỏ, không tham muốn, không tham dục chuyện thế gian. Những người mặc là người không tham – không sân – không si.
Áo cà sa bên ngoài mang ý nghĩa thoát tục, bên trong là tốt đẹp.
Tuy nhiên thực tế, vào thời kỳ Đức Phật, người làm cho Ngài phải nói lên câu này là Đề Bà Đạt Đa, em họ của Ngài. Đề Bà Đạt Đa là một Tăng sỹ, hay ganh tỵ với Đức Phật, thậm chí vị Tăng này còn tạo ra những tình huống để mưu sát Đức Phật. Tội này rất nặng.
Qua kinh điển, vào thời kỳ Đức Phật cũng như qua thời gian đến ngày nay, trong Tăng đoàn có nhiều hạng Tăng sỹ vì có nhiều động cơ xuất gia khác nhau nên có những vị Tăng khác nhau. Xuất gia vì do nghèo quá, vì bị nợ đòi, vì muốn được tiếp xúc với Hoàng gia hay do muốn được làm trụ trì. Tuy nhiên có hạng người xuất gia vì muốn giải thoát. Vì vậy mà thời kỳ Đức Phật đã có phàm tăng, ác tăng huống gì là vào thời đại hôm nay.
Trong thời kỳ Phật giáo phát triển qua các quốc gia khác nhau, các vị Tổ cũng đã lưu ý đến chuyện này và đã nói lên câu “Y pháp bất y nhân”. Đây là câu để cảnh giác phật tử chúng ta khi đến chùa nên nương tựa vào Chánh pháp và những vị Tăng mà chúng ta thấy xứng đáng để y chỉ học hỏi.
Hai câu kệ này nói lên thực trạng đời sống trong Tăng đoàn.
Chúng ta nghe Đức Phật dạy rằng, đừng có nương tựa bất cứ sự vật gì trên cuộc đời. Ngay cả nương tựa vào thân xác của Ngài.
Hãy nương tựa vào Pháp để mà tu học.
Thích Tâm Đức
(Trích Kinh Pháp Cú giảng giải – phẩm Song Yếu.
Giảng tại: Trung tâm Liễu Quán- San-Jose, California, USA.
Năm 2010)