Còn một chút để nhớ và quên

Nội dung chính
Comments

Phụ Lục

Thật vui mừng khi cầm trong tay lá thư thỉnh giảng cho Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội do Hoà thượng Viện trưởng mời. Lại có thêm niềm vui mới cho nghiệp trồng người.

Trường toạ lạc trên một sườn núi Sóc, thật đẹp và thật kín đáo. Bốn toà nhà ba tầng từ A1 đến A4 màu vàng hùng vĩ nằm lưng chừng núi vắng vẻ và ẩn mình sau những rặng cây thông cao xanh ngát, như muốn trêu tính hiếu kỳ của du khách. Khung cảnh thay đổi thật nhiều khi so cách đây không lâu. Một con đường bê tông dài chắc chắn chạy ngoằn ngoèo và lượn mình lên dốc giữa hai hàng cây xanh mát từ cổng trường cho đến toà nhà A4 cao nhất, đó là nội xá tăng và là nơi tạm trú cho những giáo thọ, và không dừng lại đó, trường hiện đang tiếp tục thi công thêm những công trình mới… So với ba Học viện tại Hà Nội, Huế và Tp. Hồ Chí Minh thì Học viện tại Hà Nội này là đầy đủ tiện nghi và bề thế nhất, có đủ lớp dạy cũng như chỗ ở cho tăng, ni sinh nội trú. Không khí trường thật yên tĩnh, phù hợp với những tâm hồn xa lánh trần tục.

Trường Học viện hiện nay đang là cuối Khoá V có bốn lớp: một Tăng, hai Ni và một Cao đẳng gồm cả Tăng và Ni. Cả thảy chừng khoảng 350 tăng ni sinh. Trong ấy, lớp Ni 1 Học viện gồm những ni sinh ngụ tại khu vực Thủ đô và lớp Ni 2 gồm những ni sinh từ các tỉnh, thành và được mệnh danh là hoa đồng cỏ nội. Đặc thù của các tăng ni sinh ở đây đa phần hiện là hoặc sắp là trụ trì, có vị một mình lại làm trụ trì của nhiều ngôi chùa. Thật khen thay! Tuy rất bận rộn với công việc Phật sự tại các bổn tự nhưng phần đông các tăng ni sinh dù ở xa, đường sá đi lại khó khăn nhưng họ cũng vẫn cố gắng, khắc phục những khó khăn để đăng ký theo học tại Học viện. Nhiều lúc các tăng ni sinh phải sắp xếp và tranh thủ thời gian từng ly từng tí để sao cho vừa hoàn tất việc chùa vừa hoàn tất việc học tập.

Không khí học tập thì mỗi lớp mỗi khác. Ấn tượng nhất là hai lớp Ni, tinh thần học tập của họ thì thật tuyệt vời! Giống như ở các trường Phật học khác, ni sinh ở Học viện này luôn luôn là những người chấp hành nghiêm túc giờ giấc lên lớp cũng như sinh hoạt. Họ luôn học với một tinh thần tập trung và cầu tiến. Những ánh mắt thao thức và sáng lên khi cảm nhận được ý nghĩa của bài giảng. Thật nghiêm túc trong giờ học nhưng cũng thật tươi cười hồn nhiên trong những lúc ra chơi, và sự hiện diện của các ni sinh như làm tô điểm cho cảnh núi rừng thêm khởi sắc và sinh động. Lớp tăng học thì có phần trầm lắng hơn nhưng bù vào đó là sự hồ hởi, phấn khởi với những môn chơi thể thao. Thường vào mỗi buổi chiều các tăng sinh ở A4 rủ nhau đánh cầu lông và bóng rỗ; sự náo nhiệt và hứng thú của họ cũng đã kích thích sự tham gia của các giáo thọ nam. Tuyệt thật! Sau một ngày làm việc mệt mỏi nay được vận động thân thể đã làm cho toàn thân khoẻ hẳn ra.

Người ta nói, nồng độ ion – yếu tố có lợi cho sức khoẻ của con người – ở những vùng biển và núi rất cao. Có lẻ vậy, dù thời tiết như thế nào, mưa hay nắng, lạnh hay nóng con người ở núi Sóc này vẫn cảm thấy thoải mái, khoẻ khoắn, khác hẳn với không khí ngột ngạt và ô nhiễm nặng nề của thành thị. Có ở những nơi vắng vẻ này mới cảm nhận được cái khôn ngoan của những bậc tiền bối, như Nguyễn Công Trứ đã nói ngược “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ / Người khôn người tìm chốn lao xao”. Trong cuộc hồng trần này người ta thường chạy theo cái hào nhoáng của của cải vật chất, địa vị mà quên đi cái giá trị của tinh thần hướng thượng và hướng thiện. Sáng ngày 08 / 12 / 2009 phái đoàn do Ông Bộ trưởng Bộ tôn giáo Myanma (Miến Điện) dẫn đầu đã đến thăm Học viện và phát biểu có một câu rất ý nghĩa: “Người ta thường tưởng chúng tôi hay những vị Tổng thống, Thủ tướng là những người cao quý và sung sướng nhất nhưng thật ra chính quý vị, những vị tăng sĩ Phật giáo mới là cao quý nhất và hạnh phúc nhất. Vì hàng ngày quý vị tiếp xúc và thâm nhập kinh điển – lời Phật dạy, tự cảm nhận niềm hạnh phúc vô biên rồi họ mang niềm hạnh phúc ấy đi truyền trao cho người khác”.

Thế rồi, cuối cùng tăng ni sinh Học viện ngoài kinh điển ra cũng được học Thiền. Ngoài những giờ lên lớp học lý thuyết là những buổi phải leo dốc núi cao lên chùa Non để thực tập thiền. Ối giời! Đây mới là những giờ phút thật sự vui vẻ và thật sự thư giãn. Những tiếng cười lúc thì khúc khích lúc thì giòn tan khi thấy các huynh đệ đang bò lăn bò càng với những tư thế ngộ nghĩnh trong phần luyện thân giúp tăng cường thể lực cũng như hỗ trợ cho tư thế ngồi thiền; nhưng chính những tăng ni sinh này cũng không kém phần trang nghiêm và thanh thoát khi ngồi tĩnh lặng với công phu thiền chỉ và thiền quán. Đây là một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ nhưng không kém phần quan trọng cho những sứ giả tương lai của Như lai, một pháp môn đặc biệt mà đức Phật gọi là “Eko maggo” (độc lộ dẫn đến giải thoát) và Pháp của ngài giảng có tính thiết thực hiện tại, đến để thấy và chứng nghiệm “Ehi passiko”, không phải đến để tin một cách mù quáng như đoàn người mù dắt nhau đi, người đầu tiên không thấy và người đi sau cùng cũng chẳng thấy! Phải, khi có tự độ rồi thì độ tha mới được viên mãn. Các tăng ni sinh không bao lâu nữa sắp phải từ giả mái trường Học viện thân thương này để tung bay khắp bốn phương trời nhằm thực hiện lời Thế tôn dạy “Ma eka dve agamittha” (Chớ có hai tỷ kheo cùng đi trên một con đường để giáo hoá). Vâng, tất cả đệ tử chúng con đã, đang và sẽ không bao giờ mỏi mệt trên con đường hoằng pháp độ sanh, mang lại hạnh phúc cho muôn loài, đặc biệt là đồng bào ở trên mảnh đất quê hương Việt Nam thiêng liêng này.

Lại được biết thêm nhiều cái tên và bí danh thân thương như Trí Thuần, Sư Gia lai, Apple, Khánh Thảo, Chúc Tiến, Tuệ Trí, Trung Diệu, Gíac Ân, Thiện Chí, Đàm Ngố, Đàm Ngoan, Phùng Phương, Diệu Khuyên, Tịnh Thảo, Lệ Giang, Còi, Bi, Viên Đức, Duy Hiển, Tịnh Toàn… Và những tiếng hát tạm biệt làm xé lòng như Thầy ơi thầy ở đừng về, Gửi tặng thầy, Ơn thầy, Chân nguyên, Một tiếng chuông chùa, Huế buồn

Trời đất núi Sóc thật đẹp! Thật nhiều hoa thơm cỏ lạ. Cầu chúc tất cả luôn được an lành trong giáo pháp sáng ngời của đức Phật. Và một cành lau trước mặt vừa đong đưa, một cơn gió nhẹ đang thoảng qua.

Thích Tâm Đức

(Tháng 12-2009)

Nội dung chính
Comments


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *