‘Cái tôi’ chỉ là sự đánh lừa của tâm thức

Nội dung chính
Comments

Phụ Lục

“ ‘Cái tôi’ chỉ là sự đánh lừa của tâm thức”[1]

Các khoa học gia về não đã thí nghiệm thành công việc lừa một người, khiến y tưởng rằng mình đang ở trong cơ thể một người khác hoặc trong một người nộm bằng nhựa.

Kinh nghiệm ngoài cơ thể – dễ thuyết phục đáng ngạc nhiên – sẽ giúp các nhà nghiên cứu hiểu cách thức bộ não tạo ra cảm giác về cái ‘tôi’ thể xác. Sự nghiên cứu này có lẽ cũng dẫn đến những ứng dụng thực tế như những bộ điều khiển từ xa trực giác hơn đối với những robot, những điều trị về đau tay chân ảo giác ở các bệnh nhân bị cưa tay chân và có khả năng chữa trị chứng biếng ăn.

Cuộc nghiên cứu này tiếp theo một nghiên cứu liên hệ vào năm ngoái trên cùng một nhóm người thí nghiệm trong đó các nhà khoa học đã thuyết phục các tình nguyện viên rằng họ đang kinh qua cảm giác vận động ngoài cơ thể. Đó là lần đầu tiên được thực hiện trong phòng thí nghiệm và chứng tỏ rằng chẳng hạn những kinh nghiệm tinh thần mãnh liệt mà những bệnh nhân thỉnh thoảng có được trong khi đang ở trên bàn mổ nay đã có câu giải thích một cách khoa học. 

Tiến sĩ Henrik Ehrsson, thuộc Viện Karolinska ở Thuỵ Điển nói: “Chúng tôi rất muốn biết cách thức hoạt động thường tình của nhận thức, làm sao chúng ta nhận thức được về cơ thể của mình. Và chúng tôi làm việc đó bằng cách nghiên cứu các ảo tưởng về nhận thức này. Cốt yếu là tuỳ thuộc vào cảm thức thị giác và cái gọi là sự tích hợp đa giác quan hay sự phối hợp giữa những tín hiệu thị giác và xúc giác.”

Trong một nghiên cứu mới, Ehrsson và đồng nghiệp của ông, Valeria Petkova, gắn hai camera vào đầu một người nộm. Chúng được kết nối vào hai màn hình nhỏ được đặt trước mắt những người thí nghiệm. Điều này cho một ảo giác rằng chính người thí nghiệm đang nhìn vào mắt của người nộm. Ví dụ, khi nhìn xuống họ chỉ thấy cơ thể của người nộm chớ không thấy cơ thể của chính họ. Kỹ thuật này giống như “ảo giác bàn tay cao su”, trong đó người thí nghiệm có thể tin rằng bàn tay cao su đó chính là bàn tay của mình, nhưng đấy là lần đầu tiên ảo giác ấy dàn rộng trên toàn cơ thể.

Ảo giác này thuyết phục đến nổi khi các nhà nghiên cứu dùng dao doạ người nộm thì thấy phản ứng đáp trả gia tăng trên da người thí nghiệm – được đo bằng đèn báo hiệu sự căng thẳng của máy phát giác sự nói dối. Ehrsson nói: “Điều này cho thấy rất dễ làm thay đổi nhận thức của bộ não về cơ thể. Bằng cách thay đổi những ấn tượng cảm giác, người ta có thể lừa ‘cái tôi’ không những ra ngoài cơ thể của nó mà còn vào các cơ thể khác nữa.”

Mọi việc thậm chí còn kỳ lạ hơn khi các nhà nghiên cứu bỏ người nộm đi và đặt những camera lên đầu của một người khác. Sau khi đánh vào cả hai người thí nghiệm thì họ tin rằng họ đang có cảm giác như chính họ đang là người kia. Ảo giác thậm chí vẫn như vậy khi người kia tiến tới và bắt tay người thí nghiệm, tạo ra ở người thí nghiệm cảm giác như thể họ đang tự bắt tay nhau.

 Các nhà nghiên cứu định dùng ảo giác ngoài cơ thể để thử chữa cho những bệnh nhân cụt tay chân hay có cảm giác đau nơi tay hay chân họ bị cụt. Ehrsson nói: “Chúng tôi bắt đầu nhận thấy có thể có sự liên hệ giữa cảm giác đau và cảm giác sở hữu cơ thể.”

Một góc độ tiềm năng khác cho nghiên cứu là hình ảnh cơ thể ở những bệnh nhân mắc  chứng biếng ăn. Những người này bị ám ảnh nhiều quá với việc giảm cân đến nỗi họ gầy đi một cách nguy hiểm. Ông nói: “Có khả năng giải pháp này được sử dụng làm công cụ chẩn đoán mới và có thể các công cụ chữa trị sẽ ra đời và giúp người ta nhận ra rõ ràng hơn kích thước thật sự của họ.”

Một ứng dụng khác là dùng vào những robot điều khiển từ xa, chẳng hạn ở các nhà máy nguyên tử hoặc trong phẩu thuật. Ehrsson nói: “Hy vọng là tạo được trong bạn ảo giác hoàn toàn rằng mình là một robot.”

Thích Tâm Đức

(Dịch từ tiếng Anh sang Tiếng Việt).

[1] James Randerson, “Body swap research shows that self is a trick of the mind”, the Guardian, Dec. 3, 2008

Nội dung chính
Comments


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *