NHẤT THỪA VÀ TAM THỪA TRONG KINH PHÁP HOA
Sáng thứ bảy 16/07/2022 chùa Vạn Thông, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thỉnh mời tỷ kheo Thích Tâm Đức đến chia sẻ với hội chúng tu học ở đây một Pháp thoại có tựa đề “Nhất thừa và Tam thừa trong kinh Pháp Hoa”.
Thỉnh Giảng Sư Thượng Toạ Thích Tâm Đức
Pháp Hoa là một trong 9 bộ kinh Đại thừa xuất hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ vào khoảng 50 năm trước Công nguyên. Nhất thừa và Tam thừa là những thuật ngữ Phật giáo được sử dụng nhiều trong kinh Pháp Hoa. Thừa là phương tiện như chiếc xe đưa hành khách đến mục đích. Trong kinh Pháp Hoa thừa đây ám chỉ cho pháp môn tu tập. Nhất thừa chỉ cho Phật thừa đã đến đích giải thoát. Tam thừa bao gồm Thanh văn thừa tu tập Tứ đế, thoát khổ cho bản thân; Duyên giác thừa tu tập giáo lý 12 Nhân duyên, thoát khổ cho bản thân; Bồ tát thừa tu tập giáo lý 6 độ ba-la-mật, thoát khổ cho bản thân và giúp người khác cũng thoát khổ. Tuy nhiên, cả 3 thừa này đang trên đường tu tập. Ba thừa này muốn đến đích thì không được dừng lại mà phải không ngừng nỗ lự tu tập đi tới, buông xả, buông xả và buông xả. Ví như học xong mẫu giáo, không nên dừng lại mà phải đi tới, lớp 1, 2… cho đến xong Đại học và làm thầy.
Đại chúng trang nghiêm lắng nghe Pháp
Tinh thần Pháp Hoa là với tri kiến phật nhìn sự vật, hiện tượng một cách như thật, không ảo giác, hòa hợp, không thành kiến, không đả kích. Ứng dụng kinh Pháp Hoa vào trong các pháp môn tu tập của Phật giáo hiện nay như Niệm Phật, Ngồi thiền, Trì chú… ai thích pháp môn nào thì cứ tu tập pháp môn ấy; đừng có khen mình chê người, đả kích nhau. Các Phật tử phải nhìn nhau với tình thương yêu hòa hợp như nước với sữa.
Thượng tọa Thích Tâm Đức